Phan Thành Mai viết Đề án tái cấu trúc TrustBank và được trả 3,2 tỷ đồng
Quen biết Phạm Công Danh từ cuối 2011 trong hoàn cảnh Tập đoàn Thiên Thanh là một trong những doanh nghiệp thuộc hiệp hội BĐS, Phan Thành Mai được Phạm Công Danh nhờ viết đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín với chi phí 3,2 tỷ đồng.
Đại án kinh tế Phạm Công Danh đã sang đến ngày xét xử thứ ba, sau khi hoàn tất việc công bố cáo trạng, HĐXX đến phần xét hỏi đối với các bị cáo.
Người đầu tiên là bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc của Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Trước khi về làm ở VNCB, Phan Thành Mai làm Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnRea) từ tháng 7/2011. Đang giữ trọng trách chủ yếu ở VNRea, ông Phan Thành Mai bất ngờ có tên trong danh sách bầu cử vào HĐQT Ngân hàng TrustBank – tên cũ của Ngân hàng Xây dựng – đúng thời điểm ngân hàng này thực hiện tái cấu trúc theo yêu cầu của NHNN về xử lý các NHTMCP yếu kém. Đến tháng 5/2013, thời điểm Ngân hàng Xây dựng ra mắt với tên gọi mới từ TrustBank cũ, ông Mai được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.
Sinh năm 1971, ông Phan Thành Mai tốt nghiệp tại CH Liên Bang Đức về chuyên ngành Kiến trúc và Kinh doanh. Năm 2000, Phan Thành Mai về nước, từng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, làm Phó giám đốc công ty giải pháp tài chính và sau đó "đầu quân" cho ngân hàng VPBank.
Quen biết Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) từ cuối 2011 trong hoàn cảnh Tập đoàn Thiên Thanh là một trong những doanh nghiệp thuộc hiệp hội BĐS, Phan Thành Mai được Phạm Công Danh nhờ viết đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín với chi phí 3,2 tỷ đồng.
Lúc đó, Phạm Công Danh đang có ý định đàm phán mua cổ phần nhóm Phú Mỹ. Phạm Công Danh có đưa ra các ý tưởng liên kết các doanh nghiệp ngành xây dựng và lập ra ngân hàng phục vụ cho các doanh nghiệp ngành xây dựng. Tâm huyết với đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, Phan Thành Mai viết đề án trong thời gian hơn một năm, từ năm 2012 đến tháng 5/2013 mới hoàn chỉnh.
Trước lúc viết đề án, TrustBank đã lỗ lũy kế khoảng 6 nghìn tỷ, vốn chủ sở hữu thực âm khoảng hơn 2 nghìn tỷ; tổng dư nợ từ dân khoảng 11 nghìn tỷ và nợ chưa phải nợ nhóm 5 cao, khoảng 6 tháng thì sẽ không có khả năng trả nợ.
Bằng niềm tin nào có thể vực dậy một ngân hàng thua lỗ lớn như thế?
Phan Thành Mai tính toán xây dựng dựa trên mong muốn tăng trưởng tín dụng 10.000 tỷ mỗi năm, dự kiến dựa trên mức tăng trưởng từ ngành vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Phạm Công Danh còn có ý tưởng xây dựng sàn vật liệu xây dựng và ý tưởng liên kết 4 nhà gồm nhà đầu tư, ngân hàng….để tăng trưởng tín dụng để lấp dần lỗ lũy kế.
Bài toán về vật liệu xây dựng không đủ để vực dậy được VNCB nên giải pháp tiếp được đưa ra là tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, mọi điều đã không như những gì Phạm Công Danh và Phan Thành Mai dự tính. Kể từ khi nhóm cổ đông mới (bản chất là của Phạm Công Danh) quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không khả quan mà theo chiều hướng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động.
Theo BCTC năm 2013 đã kiểm toán, lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Đại án Phạm Công Danh
Xem tất cả >>- Ngân hàng Xây dựng phải trả gần 70.000 m2 đất cho Bất động sản Phú Mỹ
- Đại án Phạm Công Danh: Lo ngại về các rủi ro không thể dự đoán
- Ngày 27/12, xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm
- Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
- Làm rõ trách nhiệm liên quan Hà Văn Thắm trong đại án Ngân hàng Xây dựng