MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rắc rối hợp đồng nhìn từ Saigontel và VTC

23-02-2013 - 16:47 PM |

Những ngày đầu năm 2013, Saigontel có đơn gửi cơ quan chức năng tố VTC chiếm đoạt 3,9 triệu USD. Còn phía VTC một mực khẳng định lỗi do Saigontel và tuyên bố hẹn nhau tại cơ quan chức năng.

Phía VTC yêu cầu CTCP Sắc màu Sài Gòn thanh toán doanh thu khoán 10 tỷ đồng. Trong khi đó, Saigontel đã có công văn về việc VTC vi phạm nghĩa vụ hợp đồng góp vốn, khi nhận đủ số tiền 3,9 triệu USD để đầu tư thiết bị kỹ thuật phục vụ việc phát sóng truyền hình analog, song lại chưa triển khai đầu tư đầy đủ.
 
Năm 2008, Saigontel và VTC ký thỏa thuận thành lập CTCP VSM, để sản xuất các chương trình truyền hình và khai thác các dịch vụ truyền thông. Năm 2011, khi hai bên thống nhất góp vốn thành lập CTCP Truyền thông Sắc màu Sài Gòn, tiền thân là CTCP VSM. Cty có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, trong đó, Saigontel là cổ đông đa số, với 51% cổ phần, VTC góp 29,8% cổ phần và TCty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) góp 19,2% cổ phần. Phía VTC góp vốn bằng quyền kinh doanh và khai thác kênh truyền hình VTC6, lợi thế kinh doanh và kinh nghiệm truyền hình; 2 Cty còn lại góp vốn bằng tiền.

Lý của Saigontel

Theo thỏa thuận, VTC góp vốn bằng quyền kinh doanh và khai thác kênh truyền hình VTC6, phía Saigontel góp vốn bằng tiền mặt. Saigontel khẳng định đã tuân thủ thỏa thuận khi cùng đối tác là TCty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) chuyển cho VTC 62,4 tỉ đồng, tương đương 3,9 triệu USD. Tuy nhiên theo Saigontel, đối tác VTC lại chưa đầu tư đầy đủ thiết bị kỹ thuật, không hỗ trợ nhân sự, quản lý cho SGC để phát sóng analog như cam kết. “VTC đã vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh, chiếm dụng vốn và chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để VTC phải bồi hoàn thiệt hại cho phía Saigontel cũng như phải phục hồi vô điều kiện toàn bộ việc phát sóng trên VTC6” - đại diện Saigontel khẳng định.

Saigontel lý giải việc kênh VTC6 chính thức lên sóng từ năm 2010 và phát bằng kỹ thuật số mặt đất, không như cam kết ban đầu giữa 2 bên là phát bằng công nghệ analog. Bởi theo Saigontel, với công nghệ analog, người dân chỉ cần tivi và ăng-ten là có thể xem được chương trình. Người xem từ đó sẽ đông hơn, dẫn tới lợi nhuận từ quảng cáo. Còn kỹ thuật số mặt đất, người xem phải đầu tư trang thiết bị, lại chỉ giới hạn trong những địa bàn nhất định nên lượng xem rất ít.

Thậm chí, do bị VTC “bỏ rơi” nên SGC phải tự lực giải quyết tất cả vấn đề liên quan tới hoạt động của mình và đặc biệt là kênh VTC6 ngay từ thời điểm mới thành lập. VTC đã cắt sóng hoàn toàn từ ngày 23/1. Do vậy, Saigontel cho biết cộng các chi phí đầu tư ban đầu, kinh phí hoạt động chưa thể thu hồi cho SGC, số tiền bồi thường cho khách hàng do không thể phát analog, bị cắt sóng... tổng thiệt hại mà Cty này chịu lên tới hơn 220 tỉ đồng.

Và “lẽ” của VTC

Tranh chấp giữa các nhà đầu tư khiến cho các khách hàng trở nên thiệt thòi, họ bỏ tiền để mua dịch vụ truyền hình song bỗng dưng bị cắt bớt dịch vụ mà chẳng được đền bù.

Ngày 22/1/2013, VTC đã chính thức bác bỏ cáo buộc từ phía đối tác Saigontel. Theo VTC, trong quá trình thực hiện, Saigontel không đáp ứng được những yêu cầu trong thỏa thuận hợp tác. “Từ khi hợp tác với Saigontel đến nay, VTC và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (viết tắt là Đài VTC) chưa nhận được bất cứ lợi ích nào từ phía Saigontel và VTC không chiếm dụng vốn của Saigontel” - đại diện của VTC khẳng định.

Đại diện VTC cho rằng thực hiện quyết định ban hành Quy chế Quản lý truyền hình trả tiền của Thủ tướng Chính phủ (ký ngày 24/3/2011), Đài VTC ký hợp đồng số 30/2012 với SGC liên kết sản xuất chương trình và khai thác dịch vụ truyền thông cho kênh VTC6.

Do phía SGC không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng nên buộc Đài VTC phải tạm ngưng phát các chương trình liên kết và VTC không can thiệp vào việc này như theo yêu cầu của Saigontel. “VTC đang tích cực làm việc với Saigontel để giải quyết các tồn tại giữa hai bên. Trong trường hợp không giải quyết được, hai bên đã thống nhất sẽ đưa ra các cơ quan chức năng giải quyết” - đại diện VTC quả quyết.

Sự việc vẫn còn đang gây tranh cãi và có lẽ phải chờ sự phán quyết của các cơ quan chức năng. DĐDN cũng đã liên lạc với một số luật sư liên quan đến tranh chấp thương mại nhưng theo các luật sư, phải “nắm” trong tay hợp đồng của DN mới có thể phân tích cụ thể đúng sai của tranh chấp này. Tuy nhiên, việc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa các nhà đầu tư khiến cho các khách hàng trở nên thiệt thòi, họ bỏ tiền để mua dịch vụ truyền hình song bỗng dưng bị cắt bớt dịch vụ mà chẳng được đền bù. Kiểu kinh doanh chỉ vì lợi nhuận nhà cung cấp, phớt lờ quyền của khách hàng phải chăng là lý do mà các DN khó phát triển bền vững trong môi trường hiện đại như ngày nay?

Được biết, VTC6 đã bị cắt sóng từ sáng 23/1, cho dù một ngày trước đó, Cty cổ phần Truyền thông Sắc Màu (SGC) - đơn vị được thành lập bởi liên doanh VTC và Saigontel - đồng thời là đơn vị khai thác kênh VTC6 đã gửi đơn "kêu cứu" lên cơ quan chức năng. Trong đơn này, SGC khẩn thiết yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để kênh VTC6 không bị cắt sóng, SGC cũng nêu ra hàng loạt các thiệt hại nếu kênh này phải dừng như tiền đầu tư kênh khoảng 80 tỷ đồng, 10 tỷ đồng bồi thường cho đối tác.

 
Theo Thanh Xuân
Diễn đàn Doanh nghiệp

tanhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên