MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay đổi cách tính lương hưu - người lao động có thua thiệt?

16-06-2014 - 08:02 AM |

Hôm nay, 16-6, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Trước nguy cơ vỡ quỹ BHXH, Chính phủ phải đưa ra nhiều điểm sửa luật như đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi mức đóng, mức hưởng BHXH, nhưng nhiều ý kiến lại phản đối. 

Có phải từ 1-1-2018, người lao động (NLĐ) sẽ đóng BHXH nhiều hơn và hưởng lương hưu ít đi? Phóng viên chúng tôi trao đổi với bà TRƯƠNG THỊ MAI (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề của xã hội của Quốc hội để làm rõ điều này.

Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Luật BHXH lần này có rất nhiều chỉnh sửa chính sách quan trọng. Đầu tiên là sửa đổi công thức tính lương hưu. Việt Nam chúng ta đã đi qua chặng đường dài với các công thức tính lương hưu khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh nhưng đều chưa tiếp cận được xu thế tiến bộ của thế giới. 

Người trước năm 1995 thì hưởng lương hưu bằng mức bình quân của 5 năm cuối cùng; từ năm 1995 đến năm 2000 hưởng mức 6 năm cuối cùng; từ năm 2000-2006 là 8 năm và bắt đầu từ 2007 cho đến nay là 10 năm. Như vậy, cách tính lương hưu đã qua 4 giai đoạn. Và giai đoạn cuối cùng, khi tới đây sửa luật chúng ta sẽ chuyển hoàn toàn sang cách tính khác. Ủy ban đang đề xuất lộ trình chuyển cách tính lương hưu mới là từ 1-1-2018. 

Từ đây trở đi là cách tính bình quân mức lương cả cuộc đời, tức là đóng đi đôi với hưởng. Khi tính từ 2018 thì sẽ đi theo lộ trình 20 năm. Tức là người đóng BHXH từ 1-1-2018 thì họ sẽ bắt đầu hưởng cách tính lương hưu mới từ 1-1-2038, tức là 20 năm sau. 

Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh cách điều chỉnh chính sách lương hưu mới này hoàn toàn không gây ra biến động lớn gì trong xã hội. Tất cả mọi việc sẽ diễn ra hết sức bình thường cho đến năm 2038. Còn người đóng BXHX vào 31-12-2017 thì họ vẫn được lương hưu bằng bình quân lương 10 năm cuối cùng như hiện hành. Đó là mấu chốt nhất của lần sửa luật lần này.

Dự luật đã đề cập tới sàn lương hưu tối thiểu? 

* Đúng vậy, có điểm mới nữa trong dự luật là Nhà nước sẽ thiết lập sàn lương hưu tối thiếu để đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người già. Thay vì việc Nhà nước phải có chính sách hưu trí xã hội cho những người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên như hiện nay thì chính sách tới đây là sàn lương hưu tối thiếu. 

Tức là người ta đi làm cả đời, đóng BHXH nhưng vẫn không đủ sàn lương hưu tối thiểu thì Nhà nước sẽ hỗ trợ họ. Đó là chính sách lớn mà Quốc hội nên ủng hộ để chúng ta chuyển hoàn toàn sang mô hình bảo hiểm hưu trí mà vừa bảo đảm được quyền lợi NLĐ, vừa bảo đảm an toàn cho Quỹ BHXH. 

* Có nhiều ý kiến cho rằng, với thay đổi cách tính này thì lương hưu của NLĐ sẽ bị thấp đi so với cách tính hiện nay?

* Đúng là như vậy, cả hệ thống sẽ có lương hưu thấp hơn so với hiện nay. Vì khi tính bình quân lương hưu bằng 10 năm cuối cùng thì sẽ có lợi là bình quân cả cuộc đời đóng BHXH. Nhưng đó là nói về công thức, còn về con số tuyệt đối thì chưa chắc đã thấp hơn. 

Bởi vì từ 2018 lương tối thiểu và lương trên thị trường đều đạt chuẩn. Khi mức lương đã đạt chuẩn thì căn cứ đóng BHXH cũng chuẩn hơn. Vì vậy, có thể công thức tính thay đổi nhưng con số lương hưu thực nhận được là không thấp hơn so với các giai đoạn trước đó.

Thay đổi nữa là căn cứ đóng cũng rất quan trọng. Lần này từ 2018, căn cứ để đóng BHXH là bao gồm cả tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Dự kiến NLĐ sẽ phải đóng 8%, chủ sử dụng (đối với khu vực tư nhân) hoặc Nhà nước (đối với khu vực công) đóng 18%. Như vậy, phần lớn mức đóng là do chủ sử dụng, Nhà nước đóng. Đóng ít thì hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. 

* Bà nghĩ sao khi ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phản đối tất cả những sửa đổi này, cho rằng cần tính lương hưu mới ngay từ 1-1-2015?

* Anh Đặng Ngọc Tùng nói không sai, nhất là khi đứng về phía NLĐ. Bộ luật Lao động đã quy định về lương và lương tối thiểu và lẽ ra phải thực hiện từ 1-7-2015. Tuy nhiên, quy định lương trong Bộ luật Lao động là áp dụng cho điều kiện nền kinh tế thị trường. 

Theo dự kiến của WTO thì đến năm 2018 chúng ta mới được công nhận là nền kinh tế thị trường, lương lúc đó cũng mới chuẩn. Vì vậy, chúng tôi muốn đến thời điểm năm 2018 mới áp dụng cách tính đóng BHXH mới để bảo đảm sự đồng bộ đó. 

Khi phải đóng 18% BHXH theo cách mới tính đúng tính đủ thì kinh phí sẽ đội lên rất nhiều, chúng ta phải cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và tôi cho rằng lộ trình 2018 là hợp lý. Chúng ta bảo vệ quyền lợi NLĐ nhưng cũng bảo đảm sự hài hòa lợi ích của cả NLĐ và doanh nghiệp và để bảo đảm tính khả thi.

* Có phải với cách tính mức hưởng lương hưu mới, NLĐ sẽ hưởng lương hưu thấp đi?

* Về mức hưởng lương hưu thì chúng tôi đang cân nhắc lại. Nếu tuổi nghỉ hưu không kéo dài như đề xuất của Chính phủ thì sẽ tính lại theo hướng bảo đảm quyền lợi của NLĐ, đồng thời bảo đảm an toàn cho Quỹ BHXH. 

Nhưng chắc chắc là không theo lộ trình tính lương hưu theo bình quân lương 10 năm cuối cùng như hiện nay, nếu tính như vậy thì quỹ sẽ bị vỡ, vì khi lương đã theo đúng thị trường lao động mà lại không tính bình quân lương cả cuộc đời thì quỹ không vỡ mới lạ, và Nhà nước lại phải bỏ tiền ra đề bù đắp.


Theo Phan Thảo

thuyntt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên