MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] Phiên tòa xét xử bầu Kiên ngày 21/5

21-05-2014 - 14:30 PM |

Hôm nay, bầu Kiên xuất hiện tại tòa với áo kẻ sọc và quần tây, không bị cùm chân. Bầu Kiên bắt chuyện vui vẻ với các công an làm nhiệm vụ an ninh ngồi xung quanh

Xem thêm: Dòng sự kiện: Xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên

Lúc 14h00 chiều 21/5/2014, phiên tòa xét xử bầu Kiên tiếp tục.

Tòa xét hỏi ông Kiên về hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty ACBI.

Ông Kiên trích luật doanh nghiệp và luật doanh nghiệp sửa đổi chứng minh rằng từ năm 90 đến nay không có doanh nghiệp nào đăng ký kinh doanh tài chính. Các DN của ông Kiên vẫn làm đúng theo ngành nghề đăng ký, các hoạt động mua bán cổ phiếu là hoạt động góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác. 

Để làm rõ việc mua bán cổ phiếu của các công ty này có phải là kinh doanh trái phép hay không, tòa đã hỏi ý kiến của những người thuộc các cơ quan liên quan.

Theo Chủ tọa, năm 2014, Sở kế hoạch thành phố Hồ Chí Minh có văn bản trả lời rằng việc đăng ký ngành nghề kinh doanh thực hiện theo NĐ số 5/2013 ngày 9/1/2013 của CP và thông tư 01 Bộ KHĐT quy định tổ chức cá nhân có quyền mua cổ phần của CTCP, góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh. Việc kinh doanh chứng khoán thực hiện theo luật chứng khoán.

Hỏi ý kiến Chuyên viên phòng đăng ký kinh doanh của sở KHĐT Hồ Chí Minh có mặt tại tòa, ông này cho biết theo Điều 9 Luật DN: “DN chỉ được phép kinh doanh trong ngành nghề đã đăng ký”. Còn việc góp vốn đầu tư vào DN khác là việc bình thường. Chỉ khi nào hoạt động đầu tư cổ phiếu là ngành nghề kinh doanh thì phải đăng ký kinh doanh.

Phó trưởng phòng ĐKKD của Sở kế hoạch Đầu tư Hà Nội trả lời: kinh doanh và đầu tư là quyền của DN. DN được kinh doanh các ngành mà pháp luật không cấm nhưng phải hiện thực hóa quyền này bằng việc đăng ký ngành nghề kinh doanh. Đồng thời DN có nghĩa vụ hoạt động theo đúng ngành đã đăng ký. 

Theo quan điểm của ông này, câu hỏi “việc góp vốn đầu tư của các công ty của ông Kiên có phải là một ngành nghề hay không” thì thuộc trách nhiệm của Bộ KHĐT, Bộ tài chính, việc phân mã ngành nghề xin hỏi Tổng cục thống kê.

Phó phòng ĐKKD của Bộ KHĐT trả lời: Công văn về việc đầu tư góp vốn kinh doanh cổ phần là do phòng tôi soạn thảo. Tại công văn số 2484, khi nhận được phân công của lãnh đạo Bộ, chúng tôi có văn bản hỏi Tổng cục thống kê và xếp mã hoạt động này. Việc xếp mã này chỉ có tác dụng trong công tác thống kê. Việc xác định hoạt động này có phải là ngành nghề kinh doanh không sẽ xác định việc DN có phải đăng ký kinh doanh không. Nhưng tôi xin phép không trả lời về câu hỏi này vì không thuộc thẩm quyền của tôi mà thuộc các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính.

Tòa chuyển sang hỏi ông Kiên về hoạt động kinh doanh của Công ty Thiên Nam. Theo điều lệ, việc kinh doanh là thẩm quyền của Tổng giám đốc. HĐQT chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của công ty. Ông Trung (TGĐ công ty Thiên Nam) đã ký các phiếu lệnh giao dịch vàng và thực hiện hợp đồng rồi báo cáo với Kiên. Việc giao dịch được thực hiện với tư cách pháp nhân chứ không phải cá nhân.

Theo yêu cầu của ACB, việc giao dịch qua điện thoại phải được ủy quyền của HĐQT. Trước khi đặt lệnh mua vàng, ông Trung đã ký 1 hợp đồng với ACB về giao dịch vàng trạng thái. Ông Kiên đề nghị tòa cho cầm 1 phiếu lệnh giao dịch vàng để “chỉ cho rõ” nhưng tòa không đồng ý. 

Xét hỏi Lý Xuân Hải – nguyên TGĐ của ACB:

Chiều 21/5, tòa án xét hỏi Lý Xuân Hải, nguyen Tổng giám đốc Ngân hàng ACB.

Ông Hải xác nhận việc VietBank ủy quyền cho ACB thực hiện giao dịch vàng trạng thái. Công ty Thiên Nam thừa kế các nghĩa vụ và quyền lợi từ VietBank thì tuân thủ theo quy định của các cơ quan trong lãnh thổ Việt Nam. ACB là đơn vị kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài thì tuân thủ các quy định của quốc tế. “Việc kinh doanh giá vàng” theo từ chuyên môn là “kinh doanh vàng trạng thái”, không thực hiện chuyển giao vàng vật chất.

ACB kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và tạo ra các sản phẩm phái sinh để các nhà đầu tư trong nước kinh doanh.

“Kinh doanh giá vàng không phải là kinh doanh vàng vật chất” – ông Hải nêu quan điểm.
Tòa hỏi ý kiến đại diện cho Ngân hàng nhà nước nhưng đại diện này không có mặt.

Ông Kiên giơ tay xin phát biểu.

Theo lời ông Kiên, việc thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa Thiên Nam, ACB, VietBank không được ông Trung báo cáo HĐQT nhưng ông Kiên biết. Ông Trung là người đặt lệnh và ký tất cả các lệnh.

Ông Kiên dẫn NĐ 174 quy định về hoạt động kinh doanh vàng để chứng minh việc “Kinh doanh giá vàng” không phải là kinh doanh vàng vật chất. Không phải bây giờ tôi mới nói điều này mà trong tất cả các lời khai của tôi từ trước đến nay đều nhất quán. Tôi chịu trách nhiệm về tất cả những lời khai trong bản cung” – ông Kiên khẳng định.

Ông Kiên nói:

“Tôi đề nghị triệu tập thêm đại diện của VCCI và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan với tư cách nhân chứng. Vấn đề này không chỉ liên quan đến Nguyễn Đức Kiên mà đến hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả các cơ quan mà Tòa đã hỏi đều không đủ thẩm quyền để trả lời về vấn đề này.”

Chủ tòa vẫn giữ quan điểm sẽ xem xét sau, ngày mai sẽ triệu tập đại diện Bộ KHĐT, NHNN để trả lời.

Tòa hỏi Bầu Kiên tại sao ông Trung không đặt nhận dạng giọng nói của mình tại ACB mà lại dùng giọng của ông Kiên để nhận dạng, ông Kiên trả lời rằng “nhận dạng giọng nói qua điện thoại là một việc vô cùng khó khăn”, nhưng riêng giọng nói của ông thì:

“Giọng nói của tôi, 20 năm nay nhân viên ACB đã được nghe. Tất cả các nhân viên đều có thể nhận ra giọng của tôi.”

Ông Kiên đề nghị hỏi các nhân viên ACB đã giao dịch với Thiên Nam, còn cá nhân ông Kiên chưa từng cầm một phiếu lệnh nào để đặt lệnh.


Sáng ngày 21/05/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là bầu Kiên) cùng đồng phạm bước sang ngày thứ 2 với phần xét hỏi các bị cáo.

Chiều ngày hôm qua, phiên xét xử dừng lại ở phần xét hỏi 2 bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hôm nay, bầu Kiên xuất hiện tại tòa với áo kẻ sọc và quần tây, không bị cùm chân. Bầu Kiên bắt chuyện vui vẻ với các công an làm nhiệm vụ an ninh ngồi xung quanh.

8h, phiên tòa bắt đầu, bầu Kiên lại được cách ly sang phòng khác.

Tổng giám đốc Hòa Phát: 24 triệu cổ phiếu HPG do chính ông đề nghị mua

Tòa tiếp tục xét hỏi Nguyễn Thị Hải Yến – kế toán trưởng của công ty Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI)

Yến khai, sau khi soạn thảo biên bản họp HĐQT theo chỉ đạo của chủ tịch (mặc dù không được nhìn tận mắt cuộc họp này), Yến giao cho Kiên và Kiên đã đồng ý với nội dung. 

Sau khi Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chuyển tiền vào tài khoản của ACBI, Yến báo cáo lại với Kiên và Kiên chỉ đạo việc sử dụng số tiền này. Yến biết số cổ phiếu trên đã được thế chấp tại một đơn vị khác. 

Khi được chỉ đạo soạn thảo văn bản “dự kiến chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu”, là kế toán trưởng, Yến biết số cổ phiếu này đã được thế chấp nhưng cho rằng, đây vẫn là tài sản của ACBI.  Yến hiểu về nguyên tắc thì số cổ phiếu này chỉ bán được nếu đã thay thế bằng tài sản đảm bảo khác nhưng “từ dự kiến đến khi thực hiện là một quá trình” và nội dung của biên bản họp HĐQT cũng là “giá dự kiến chuyển nhượng”. Theo nhận thức của Yến thì biên bản này mới là chủ trương, việc thực hiện sẽ được các lãnh đạo triển khai sau.

Yến nói, 264 tỷ mà công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chuyển vào có nguồn gốc kế toán hợp lý nên là nguồn tiền hợp pháp. Trong cáo trạng ghi Yến đã chuyển biên bản HĐQT cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát nhưng Yến nói:

“Tôi xin đính chính là chưa bao giờ chuyển biên bản HĐQT cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát”

Đại diện của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát xác nhận việc chuyển tiền 3 lần vào tài khoản của ACBI mà không biết số cổ phiếu này đã bị thế chấp ở nơi khác. Theo hợp đồng, sau khi bên Hòa Phát giao tiền thì ACBI phải chuyển cổ phiếu.  Sau đó, khi không nhận được cổ phiếu, biết có việc lừa đảo, ngày 5/9/2012 và 5/11/2012, công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã có đơn lên cơ quan điều tra. Đến bây giờ, hợp đồng không thực hiện được, ACBI đã chuyển lại 264 tỷ cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. 

Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Đình Long nói: “Trong tập đoàn, công ty nào biết công ty đó. Tôi quen biết với Kiên từ 2001. Bên ACBI có sở hữu 24 triệu HPG. Việc mua số cổ phiếu này do chính tôi đề nghị. Giá mua là 13.200 đồng. Nếu biết số cổ phiếu này đã bị thế chấp thì đã không mua.”

Bầu Kiên khẳng định việc cổ phiếu thép Hòa Phát đã bị thế chấp nhiều người biết

Tòa xét hỏi bầu Kiên, ông Kiên nói:

“Tôi, anh Long và anh Dương là bạn bè thân thiết lâu năm, đã hợp tác với nhau nhiều dự án. Tôi chưa bao giờ có ý định bán cổ phiếu thép Hòa Phát vì đây là cổ phiếu tốt. Nhưng tầm tháng 3, anh Long nói với tôi, anh đang muốn cơ cấu lại các khoản đầu tư, thoái vốn khỏi công ty BĐS ACB để mua lại cổ phiếu HPG mà ACBI đang sơ hữu, là chỗ bạn bè, muốn tôi bán lại cho.”

Bầu Kiên dẫn chứng các văn bản pháp luật và đề nghị HĐXX tôn trọng các ý kiến của mình khi bị ngắt lời.

“Theo ý kiến cá nhân tôi, cơ quan điều tra đã không xem xét ý kiến của tôi về các thỏa thuận này.”

Ông Kiên cho biết, khi thỏa thuận việc mua bán với ông Long (về chủ trương, còn về giá giao cho Yến), không nói việc cổ phần này đã được thế chấp nhưng ông Long, ông Dương và nhiều người khác đều biết điều này.

Tòa hỏi lại, ông Long trả lời: Tôi không hề biết điều này.

Bầu Kiên phản bác: Anh Long nói thế không đúng, bởi vì cô Yến đã thông báo điều này cho các anh biết.

Yến là người liên hệ với tập đoàn Hòa Phát để tập đoàn này phát hành cổ phiếu và ký xác nhận với ACBS. 

Tòa hỏi Yến: có biết là ông Long đã biết số cổ phiếu này bị thế chấp không?

Yến: Không biết.

Ông Kiên: 9h sáng ngày hôm đó, tôi gọi Yến đến lập biên bản HĐQT và gọi các thành viên đến ký. Luật doanh nghiệp cho phép họp HĐQT bằng văn bản.

Về bản dự thảo hợp đồng, là do pháp chế của Hòa Phát viết, họ viết rất chính xác về quyền lợi và trách nhiệm các bên. Anh Dương – TGĐ ký giấy chứng nhận nên không thể nói là không biết việc đã thế chấp. Tôi và anh Dương là bạn bè, tôi không đổ trách nhiệm cho anh Dương mà cho rằng là trong quá trình thực hiện có sai sót gì đó. Chúng tôi rất thân thiết, không có gì là không nói cho nhau, nên anh Dương không thể không biết chuyện cổ phiếu đã bị thế chấp.

Sau khi ký hợp đồng, tôi đi nước ngoài về nhưng chưa nhận được bất kỳ ý kiến gì từ ACB. Hòa Phát chưa chuyển tiền như hợp đồng. Tôi yêu cầu cô Yến làm việc với ACB để thực hiện việc giải chấp. Tôi khẳng đinh đã chỉ đạo Yến làm việc thường xuyên với ACB nhưng tôi không nhận được phản hồi nào từ ACB là không được giải chấp.

Yến: không đúng. Sau khi nhận được email của ACB, tôi đã báo cáo với ông Kiên. Ông ấy nói, cứ để anh xem.

Ông Kiên: Tôi không đàm phán hợp đồng với bất kỳ ai ở công ty TNHH thép Hòa Phát. Tôi không yêu cầu công ty này chuyển tiền. Việc chuyển tiền tại sao thực hiện được? Ngày 17, tôi và anh Long đi nước ngoài, anh Long đề nghị tôi chuẩn bị tiền cho người mua để người mua trả tiền cho Hòa Phát. Khi công ty này chuyển tiền thì tôi đang ở nước ngoài. Sau khi về nước, tôi được cô Yến báo cáo đã nhận được tiền từ công ty thép Hòa Phát. Lúc nó, tôi chưa biết ACB đã giải chấp hay chưa. 

Công ty thép Hòa phát không chuyển tiền cho cá nhân tôi. Tôi không chỉ đạo việc xử lý khoản tiền này. Trước khi tôi đi nước ngoài, cô Yến có báo cáo nhu cầu sử dụng vốn của công ty, tôi đã ký. Yến và Thanh không thể chi tiền khi không có ý kiến của tôi nhưng họ đã nhận được ý kiến của tôi trước khi nhận được tiền. Còn lúc chi tiền thì không có ý kiến của tôi. 

Tòa hỏi Yến về việc sử dụng số tiền. Yến khai có hỏi ý kiến Kiên và được chỉ đạo từng khoản cụ thể.

Bầu Kiên khẳng định ông không kinh doanh vàng

Tòa chuyển sang xét hỏi về hành vi kinh doanh trái phép của bầu Kiên

Ông Kiên khai, tại 6 công ty này, ông Kiên là đại diện pháp luật của 5 công ty, còn tại công ty Thiên Nam là chủ tịch HĐQT. Tại công ty B&B, là chủ tịch và người đại diện pháp luật.

“Chúng tôi kinh doanh theo đúng giấy phép của công ty, tức kinh doanh vàng và các hoạt động khác.”

Về ACBI, nội dung chi tiết của giấy phép kinh doanh, bầu Kiên không nhớ chính xác.

Tòa đọc phần cáo trạng về hành vi vi phạm của B&B và các công ty khác. Ông Kiên xác nhận các số liệu nhưng cho rằng đây là các khoản đầu tư góp vốn được công ty thực hiện đúng pháp luật chứ không phải là hành vi kinh doanh tài chính. Trong 6 công ty này, không công ty nào đăng ký kinh doanh tài chính. Giấy phép của Thiên Nam cho phép kinh doanh các mặt hàng mà nền kinh tế cho phép, ngoài các mặt hàng nhà nước yêu cầu phải có giấy phép.

“Cáo trạng ghi sai, không đúng bản chất hoạt động của công ty và quy định của pháp luật.” - Bầu Kiên khẳng định và dẫn các quy định cụ thể tại từng văn bản pháp luật cho thấy cáo trạng đã ghi sai như thế nào một cách rõ ràng và rành mạch.

Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng. Công ty có 2 hợp đồng là nhận chuyển giao trạng thái giá vàng từ NH và hợp đồng 2 là nhận ủy thác đầu tư từ ACB. Trong 2 hợp đồng này không có dòng nào ghi là kinh doanh vàng. Bầu Kiên tiếp tục dẫn các quy định của pháp luật Việt Nam và điều lệ của NH ACB về kinh doanh vàng để dẫn chứng cho lập luận của mình.

“Tôi không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái mà đầu tư vào giá vàng – một sản phẩm tài chính phái sinh mà ACB đã ghi rõ trong hợp đồng”.

Bầu Kiên tiếp tục trả lời tòa:

Tôi thừa nhận số liệu chứ không thừa nhận bản chất sự việc như cáo trạng viết. HĐXX cần có 1 phiếu lệnh trên mặt bàn để biết nội dung của phiếu lệnh đó nó như thế nào. Trong phiếu lệnh không có từ nào nói về lệnh mua hay bán vàng.

Trước 2012, vàng không phải loại hàng phải đăng ký kinh doanh mà là một loại hình đầu tư tài chính. Năm 2012, nhà nước mới có thông tư mới quy định việc kinh doanh vàng phải có giấy phép. Đầu tư trạng thái giá vàng không gọi là kinh doanh vàng.

11h00, tòa tạm nghỉ, 14h chiều tiếp tục

[Trực tiếp] Phiên tòa sơ thẩm xét xử bầu Kiên ngày 20/5/2014

Hải Minh

duchai

CafeF/Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên