MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] Phiên tòa xét xử bầu Kiên ngày 23/5

23-05-2014 - 10:05 AM |

Tòa đang hỏi các bị cáo về vấn đề đầu tư mua cổ phiếu ACB. Theo ông Phạm Trung Cang, về mặt chủ trương ACBS không sai, còn việc thực hiện do ông Kiên chỉ đạo nên ông Kiên phải chịu trách nhiệm.

Dòng sự kiện: Xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên

14h30 chiều ngày 23/05/2014, phiên tòa xử bầu Kiên tiếp tục.

ACB ĐỀ NGHỊ VIETINBANK CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI 718 TỶ ĐỒNG

Tòa hỏi đại diện Vietinbank: Huyền Như mượn danh nghĩa Vietinbank CN Hồ Chí Minh để chiếm đoạt tài sản của ACB thì trách nhiệm của Vietinbank CN Hồ Chí Minh cũng như của Vietinbank như thế nào?

Đại diện này trả lời: “Ở đây không có chuyện mượn danh nghĩa vì đã có sự phân cấp. Việc Huyền Như chiếm đoạt thì Như phải chịu trách nhiệm. Đúng là có 32 hợp đồng có dấu của Vietinbank CN Hồ Chí Minh nhưng như sáng nay, trong lời khai của Như, 32 hợp đồng này chỉ mang tính nguyên tắc chứ không phát sinh hiệu lực để các bên hoạt động.

Quy trình ký 32 hợp đồng này hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật và quy định của Vietinbank. Chính vì ACB buông lỏng quản lý mới dẫn đến tình trạng Như lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt.

Vietinbank khẳng định không chiếm đoạt nên không chịu trách nhiệm mất tiền của ACB. Theo luật, ai là người chiếm đoạt thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.”

Đại diện của ACB:

Sáng nay tôi có nghe thẩm vấn Huyền Như nhưng có một nội dung chưa được thẩm vấn. Theo tôi, việc Huyền Như nói do ACB buông lỏng quản lý thì không phải nguyên nhân trực tiếp mà nguyên nhân là do Như làm chữ ký giả, làm bộ hồ sơ thế chấp giả dẫn đến rút được tiền. Tôi mong HĐXX làm rõ thêm.

Số tiền 718 tỷ, ACB cho rằng đây là trách nhiệm của Vietinbank. Phán quyết đòi Vietinbank chưa có hiệu lực nên ACB vẫn đề nghị Vietinbank chịu trách nhiệm trả lại tiền cho ACB.

Ông Kiên phát biểu:

Tôi xin có ý kiến về nội dung thẩm vấn Huyền Như sáng nay. Đại diện Vietinbank và Huyền Như đã trình bày sai bản chất sự việc. Nhân viên ACB không giao dịch với cá nhân với Như mà là với quyền trưởng phòng giao dịch 1 chi nhánh của Vietinbank, tức là giao dịch giữa cá nhân với một pháp nhân nên Vietinbank phải chịu trách nhiệm.

Vietinbank trong các báo cáo mà tôi được đọc, với kinh nghiệm làm ngân hàng nhiều năm, tôi xin phát biểu: các ngân hàng lớn có hệ thống công nghệ quản lý chặt mọi số liệu trên sổ cái. Đề nghị HĐXX lấy mật mã đăng nhập của Vietinbank để kiểm tra hạch toán kế toán trong thời gian diễn ra các giao dịch này. Vietinbank có trách nhiệm hạch toán các khoản tiền gửi theo đúng quy định của pháp luật (ông Kiên dẫn cụ thể điều khoản và khoản mục hạch toán kế toán).

Tôi tin không ai ở Vietinbank có thể xóa được dữ liệu trên phần mềm. Những giao dịch này, Vietinbank phải biết và quản lý. NH đang đánh lận với việc các người gửi tiền không quản lý tài khoản với việc buông lỏng quản lý nhân viên của mình.

Tòa ngắt lời ông Kiên và chuyển sang thẩm vấn những sai phạm trong mua bán cổ phiếu.

ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU ACB - BIẾT KHÔNG ĐÚNG NHƯNG VẪN LÀM THEO CHỈ ĐẠO

Tòa hỏi ông Lê Vũ Kỳ, ông Kỳ nói:

Theo quy định, ACBS không được mua cổ phiếu của ACB. Thời điểm đó, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã xuống thấp và là thời điểm để mua vào, chọn những cổ phiếu tốt thanh khoản cao để đầu tư. ACB là cổ phiếu tốt đáng để đầu tư nhưng không có quyết định cụ thể là đầu tư cổ phiếu nào. 

Sau khi bàn bạc, thường trực HĐQT ủy quyền cho ông Kiên – chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB để đầu tư cổ phiếu. Ông Kiên đã chỉ đạo triển khai các công việc ở ACBS. Tôi chỉ được ban TGĐ của ACBS gửi đề xuất Hội đồng đầu tư cho phép hợp tác giữa ACBS và ACBI Hà Nội và tham gia ký nghị quyết này của Hội đồng đầu tư ACBS.

Tòa hỏi ông Chung – TGĐ ACBS:

Tại cuộc họp giao ban tháng 11/2009, ông Kiên trực tiếp chỉ đạo tôi triển khai việc hợp tác đầu tư với ACBI Hà Nội. Bản thân tôi ký hợp đồng hợp tác đầu tư này. ACBS không được mua cổ phiếu của ACB nên ký với ACBI để mua được cổ phiếu ACB. 

Ông Lê Vũ Kỳ:

Tôi không biết gì về việc mua cổ phiếu của ACBS. Hoạt động mua bán cổ phiếu diễn ra hàng ngày, tôi bên ngân hàng chỉ biết về mảng môi giới. 

Về việc liên doanh liên kết, theo ý hiểu của tôi, lúc đó anh Kiên không nói rõ là để mua cổ phiếu ACB mà theo tôi là còn nguyên nhân khác. Bên pháp chế giải thích việc ACBS thông qua ACBI để mua cổ phiếu ACB là không sai vì như vậy là ACBS không sở hữu trực tiếp cổ phiếu ACB.

Ông Chung: 

Ông Kiên chỉ đạo cho KienLongbank và Vietbank vay rồi chuyển cho ACBS vay và ACBS phát hành trái phiếu. Mọi việc là ông Kiên chỉ đạo, cả việc liên doanh với ACBI, tôi là người ký. ACBS lúc đó không còn vốn nữa, để có vốn tiếp tục hoạt động đầu tư thì phải phát hành trái phiếu (350 tỷ).

Trong thời gian ACBS liên doanh với ACBI để mua một loạt cổ phiếu trong đó có cổ phiếu ACB thì có kiểm toán do PWC tiến hành vào tháng 6/2010. Họ nói rằng việc hợp tác đầu tư như vậy là không đúng. Tôi báo cáo lên HĐQT. Ông Kiên chỉ đạo dừng lại không mua tiếp nữa, không rõ sau đó như thế nào.

Theo quan điểm của tôi, khi có chỉ đạo của HĐQT về việc đầu tư và liên doanh liên kết như vậy, tôi đã thấy không đúng rồi. Nhưng bên trên chỉ đạo cứ làm đi, tôi cũng không rõ lắm về pháp luật nên nghĩ rằng đã có ý kiến của pháp chế rồi, có thể thi hành.

 Ông Lê Vũ Kỳ:

ACBI là đơn vị trực tiếp sở hữu cổ phiếu còn ACBS chỉ là bên hưởng quyền lợi từ sự sở hữu đó nên tôi nghĩ là không sai. Khi PWC nói là không phù hợp, tôi có hỏi không phù hợp như thế nào, thì PWC trả lời rằng việc hợp tác không sai, nhưng nếu ACBI không góp vốn thì có thể bị hiểu là ACBS đầu tư cổ phiếu ACB, tốt nhất là nên tất toán. PWC không có văn bản nào mà chỉ nói như vậy thôi. Lúc đó còn 3 ngày nữa phải công bố BCTC hợp nhất nên phải làm cho xong. 

Theo pháp luật thì Luật không cấm ACBI mua.

Tòa nói: “nhưng quá trình điều tra chứng minh bản chất tiền mua là của ACBS.”

Ông Kỳ vẫn nêu quan điểm việc này không sai, việc hợp tác đầu tư là đúng luật.

Đại diện của PWC không nêu ý kiến của mình, chỉ xác nhận PWC đã kiểm toán BCTC của ACB 6 tháng đầu năm 2010, và nói: “nhân viên kiểm toán phụ trách việc này – người có thể trả lời đang đi công tác nước ngoài, có thể đến tòa vào tuần tới.”

Ông Trịnh Kim Quang:

“Cuộc họp HĐQT của ACB vào ngày 2/11/2009 có quan điểm là chọn cổ phiếu để đầu tư. Tôi có bàn về việc mua cổ phiếu ACB để làm cổ phiếu quỹ. Nghị quyết HĐQT đồng ý đầu tư vào một số cổ phiếu giá tốt và thanh khoản cao, không có chỉ đạo cụ thể mua cổ phiếu ACB, giao cho ông Kiên – chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB thực hiện. Hạn mức đầu tư 700 tỷ.”

Tòa lật lại trong một số lời khai của ông Quang rằng có chỉ đạo mua cổ phiếu ACB. 

Ông Quang:

“Như đã nói, tôi bị ép cung. Điều tra viên đã soạn sẵn, nếu đối chiếu các bản tường trình của tôi với các bản hỏi cung sẽ thấy mâu thuẫn.”

Chủ tọa không đề cập sâu hơn, chuyển sang ông Lê Vũ Kỳ.

Sau một hồi lật lại nhiều lần các lời khai của ông Lê Vũ Kỳ, tòa hỏi: “ ông thừa nhận việc liên kết với ACBI thực chất là ACBS đổ tiền mua cổ phiếu ACB?”

Ông Kỳ bối rối và im lặng, không đồng ý cũng không phủ nhận.

Ông Phạm Trung Cang: 

“Tôi không nhớ có tham gia cuộc họp đó hay không vì cuộc họp này cũng không quan trọng lắm. Tôi là chủ tịch hội đồng tín dụng thì chỉ lo cho vay khách hàng, việc đầu tư được giao cho anh Kiên.

Tôi có yêu cầu điều tra viên sửa lời khai là tôi không có chỉ đạo mua cổ phiếu ACB nhưng sau đó do … hết giờ nên không thay đổi. Tôi không được báo cáo thông tin nào về việc mua cổ phiếu nào, ở đâu, hợp tác đầu tư như thế nào, do ai thực hiện. Tôi chỉ biết thông tin này khi anh Hải nói về ý kiến của kiểm toán PWC. (ông Hải thông báo việc này bằng miệng trong một cuộc họp giao ban).

Tôi không nói bị ép cung, mà khi cơ quan điều tra hỏi tôi: “theo quan điểm của anh, việc mua cổ phiếu như thế nào”, tôi giải thích nếu ACB, ACBS muốn mua cổ phiếu ACB thì phải xin phép và công bố thông tin, nếu không thì là sai. Chứ tôi không xác nhận là tôi chỉ đạo việc mua này. 

Khi ACBI mua cổ phiếu bằng vốn của ACBI thì về pháp lý, ACBI sở hữu cổ phiếu ACB chứ không phải ACBS, như vậy là đúng quy định.”

Tòa tiếp tục lật lại câu hỏi: nhưng nguồn tiền là do ACBS cấp cho ACBI, vậy đúng hay sai?

Ông Cang khẳng định lại, về mặt pháp lý, ACBS không sai.

“Chủ trương của thường trực không sai. Còn đã giao nhiệm vụ thì việc anh Kiên đầu tư như thế nào, mua cổ phiếu bao nhiêu, lúc nào, anh Kiên phải chịu trách nhiệm. Bình thường anh Kiên không báo cho thường trực, không báo cho tôi, đến khi kiểm toán ý kiến thì tôi cũng không nhận được báo cáo nào cả.

------------------------------------------------
Nội dung phiên tòa sơ thẩm buổi sáng

Ngày 23/5/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Kiên đã bước sang ngày thứ 4.

Sáng nay, tòa tiếp tục thẩm vấn. Chủ tọa cho biết, hôm nay tòa sẽ tập trung thẩm vấn về hành vi ủy thác cho nhân viên đem tiền đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao của ACB.

Trong giờ nghỉ giải lao sáng nay, bầu Kiên được gặp và nói chuyện với vợ - bà Đặng Ngọc Lan dưới sự kiểm soát của an ninh

Sau khi nghỉ giải lao, tòa tiếp tục.

VKS hỏi ông Nguyễn Văn Hòa: “Thực chất đây là tiền gửi liên NH của ACB núp dưới ủy thác cá nhân đúng không? 19 nhân viên nhận ủy thác thì phải chịu trách nhiệm về khoản tiền, người ta có quyền chủ động quyết định, sao các anh lại giúp họ tìm kiếm, thỏa thuận lãi suất?”

Ông Hòa: “tôi không biết vì sao, tôi chỉ nhận được chỉ thị của cấp trên.”

Ông Hòa tiếp tục nhấn mạnh rằng hoạt động gửi tiền với lãi suất vượt trần là lỗi từ Vietinbank, vì đây là ngân hàng huy động vượt trần.

Tòa xét hỏi Huỳnh Thị Huyền Như. Huyền Như tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Huyền Như kể lại quá trình chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng của ACB đã khai với cơ quan điều tra.

“Vào lúc Ngọc liên hệ gửi tiền, Vietibank không chủ trương huy động vượt trần lãi suất, khi nhận tiền gửi của chị Ngọc mà sau này mới biết là của ACB, tôi không trình lãnh đạo là nhận tiền gửi vượt trần. Hoa hồng tiền gửi cho chị Ngọc tôi trích từ tài khoản cá nhân của tôi.”

Tòa hỏi Huyền Như, sơ hở nào của ACB có thể tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tiền, Như trả lời:

“Theo quy định 184 về mở tài khoản của NHNN, khách hàng khi mở tài khoản phải đến trực tiếp NH để nhân viên NH đối chiếu thông tin nhưng trong trường hợp này, khách hàng của chị Ngọc không thực hiện đúng điều đó. 

Ngoài ra, sau khi ký kết HĐ tiền gửi, không bất cứ có phản hồi nào về các hợp đồng tiền gửi mà tôi đã cung cấp. Sau khi tiền về tài khoản, chủ tài khoản có quyền kiểm tra và quản lý số tiền trong tài khoản và yêu cầu NH, nếu phát hiện tài khoản bị sử dụng sai mục đích thì phải báo NH nhưng phía người gửi đã không có động thái đó. Chị Ngọc không quan tâm tôi trích tiền để làm gì mà chỉ quan tâm đến lãi suất. Đó là các cơ sở để tôi có thể sử dụng số tiền này.”

Động cơ để Như chiếm đoạt số tiền là do các khoản nợ của Như quá nhiều. 

Huỳnh Thị Bảo Ngọc không thừa nhận những lời Như nói. Như khẳng định lần nữa về những sơ hở của ACB.

“Có thể do không phải tiền túi của người ta bỏ ra nên người ta mới không quan tâm, tạo điều kiện cho tôi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Về bản thân Vietinbank, do tôi là nhân viên trong đó nên mọi người nghĩ Vietibank có trách nhiệm nhưng như tôi đã trình bày, nếu ngay từ đầu, người gửi tiền có trách nhiệm quan tâm đến khoản tiền của mình thì tôi không thể chủ động thực hiện các việc chuyển tiền mà họ không biết. 

Theo tôi, sai phạm của tôi đã rõ từ phiên tòa trước, tất cả số tiền ACB là do tôi có ý định chiếm đoạt từ trước. Tôi cùng nhóm KH bên đó đã thực hiện giao dịch mà không trình báo ban lãnh đạo.

10h00 Tòa giải lao 10 phút

8h30 Phiên tòa bắt đầu

NHNN thừa nhận trước luật TCTD 2010, không có luật nào quy định ủy thác gửi tiền

“Theo luật các TCTD 2010 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, NHTM được quyền ủy thác và nhận ủy thác. Trong thời gian từ năm 2010 – 2011, trước khi luật này có hiệu lực thì việc ủy thác đầu tư được điều chỉnh theo quyết định 742, việc ủy thác đi gửi tiền tiết kiệm không có luật nào quy định. Những văn bản trái với luật này thì phải dừng và không được thực thi. Vào thời điểm các bị cáo phạm tội thì NHNN chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể về việc ủy thác.

Liên quan đến việc các NH đem tiền đi gửi tiền vào NH khác để hưởng lãi suất cao hơn, mà cụ thể là ACB, NHNN đã nói rất rõ với cơ quan điều tra là vi phạm điều 106 Luật các TCTD. Chúng tôi giữ nguyên quan điểm này.”

Ông Nguyễn Đức Kiên được cách ly sang phòng khác khi tòa xét hỏi ông Lý Xuân Hải.

Ông Lý Xuân Hải nhắc lại về nghị quyết của HĐQT ACB ngày 22/3/2012 chủ trương ủy thác cho nhân viên đem tiền đi gửi tiết kiệm tại Vietinbank. Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hoà là người trực tiếp điều hành nhân viên thực hiện và báo cáo lại với ông Hải.

Kế toán trưởng ACB chỉ biết Huyền Như khi siêu lừa bị bắt

Ông Nguyễn Văn Hoà cho biết chính mình là người ký hợp đồng ủy thác cho các nhân viên. Trong đó Huỳnh Thị Bảo Ngọc được giao toàn quyền là người liên hệ với Vietinbank CN Hồ Chí Minh và các ngân hàng khác để tìm kiếm “mối” có hoa hồng tiền gửi cao. ACB đã thực hiện chuyển tiền cho nhân viên qua tài khoản. Người đã có tài khoản thì chuyển tiền vào rồi ký hợp đồng ủy thác, người chưa có thì chuyển tiền vào rồi mở tài khoản sau. 

Ông Hoà không biết Huyền Như, chỉ biết bà này khi bị bắt. Theo ông Hoà, việc mình thực hiện các thủ tục ứng tiền và gửi tiền là đúng quy định, việc thu và trả phí hoa hồng tiền gửi cũng là một nghiệp vụ của ngân hàng tuy không biết có quy định trong văn bản pháp luật nào không. 

Đại diện NHNN – Thanh tra NHNN giữ quan điểm ngân hàng đem tiền đi gửi vào ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn là vi phạm luật TCTD

Tòa hỏi NHNN và đại diện NHNN khẳng định lại, theo Quyết định 1284 ban hành ngày 21/11/2002 của NHNN thì quá trình gửi tiền các NH đem tiền đi gửi tiền vào NH khác để hưởng lãi suất cao hơn là vi phạm pháp luật.

Huỳnh Thị Bảo Ngọc trả lời không biết Huyền Như từ trước đó mà sau khi được giao việc đi liên hệ tìm ngân hàng có hoa hồng tiền gửi cao thì mới biết Như thông qua gọi điện tới Vietinbank. Huyền Như là người trực tiếp giao dịch, thỏa thuận lãi suất với Ngọc. Lãi suất và hoa hồng được ghi trên hợp đồng, tất cả đều thuộc về ACB. 

Một trong các nhân viên được ủy thác đem tiền đi gửi đứng lên đọc lại quá trình thực hiện việc đi gửi tiền.

Huỳnh Thị Bảo Ngọc tiếp tục khai, "Theo quy trình làm việc, dù nhân viên chưa có tài khoản nhưng chuyển tiền trước rồi mới ký hợp đồng ủy thác là không sai. Tôi không có trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro gì trong việc đem tiền gửi vào Vietinbank. Điều này đã được tham khảo ý kiến pháp chế…

Đại diện NHNN đọc lại quy trình chung khi thực hiện gửi tiền, giao dịch khi thanh toán, ủy quyền sử dụng tài khoản…

 Xem thêm:

Dòng sự kiện: Xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên


(Các nguyên lãnh đạo ACB khẳng định ủy thác gửi tiền là không trái luật; Bầu Kiên và gia đình ông Trần Mộng Hùng là cổ đông lớn, giữ trên dưới 30% cổ phần nên có tiếng nói quyết định; Ông Kiên tiếp tục tự bào chữa bằng những dẫn chứng từ các luật, yêu cầu gửi khiếu nại lên Tổng Bí thư, ông Nguyễn Bá Thanh...)


(Bầu Kiên tay cầm các văn bản, tự bào chữa trước tòa bằng việc dẫn quy định pháp luật và chỉ ra các sai sót của cơ quan điều tra)


(Các cơ quan né tránh trách nhiệm trả lời về hoạt động kinh doanh của công ty bầu Kiên. Ông Kiên đề nghị triệu tập đại diện VCCI và mời bà Phạm Chi Lan làm nhân chứng trả lời vì tất cả các cơ quan mà Tòa đã hỏi đều không đủ thẩm quyền để trả lời về vấn đề của ông)


(Bầu Kiên khẳng định nhiều người biết cổ phiếu thép Hòa Phát đã bị thế chấp. Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long trong khi đó khai là không biết.
Về kinh doanh vàng, bầu Kiên khẳng định chỉ kinh doanh giá vàng chứ không kinh doanh vàng hay vàng trạng thái)


(Các bị cáo đều cho rằng các tội danh bị truy tố là không chính xác, không thỏa đáng. Riêng bầu Kiên cho rằng cáo trạng đối với ông là không chính xác, không đúng pháp luật. Tòa xét hỏi 2 nhân viên dưới quyền của ông Kiên là bà Yến và ông Thanh về hoạt động đầu tư tài chính của ACBI)


(Tòa mở phiên tòa xét xở sơ thẩm bầu Kiên và 8 đồng phạm trở lại sau khi tạm hoãn ngày 16/4. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/6. Tòa án quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá do bệnh nặng và đang rất yếu)

Hải Minh - N.Hằng

thuyntt

CafeF/Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên