MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pháp mong muốn tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam

Pháp mong muốn tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam

Việt Nam và Pháp mong muốn các dự án đang tiến hành sớm đạt được thành công và các công ty Pháp sẽ được mời tham gia vào các dự án trong tương lai.

Trong Tuyên bố chung Việt Nam và Pháp nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Pháp cam kết sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững, đặc biệt trong khuôn khổ các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Hai bên tái khẳng định mong muốn sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp lâu dài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng và vũ trụ. Hai bên mong muốn các dự án đang tiến hành sớm đạt được thành công và các công ty Pháp sẽ được mời tham gia vào các dự án trong tương lai.

Pháp mong muốn tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam - Ảnh 1.

Dự án tuyến metro số 3 Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành vận chuyển tất cả 10 đoàn tàu về Việt Nam, chuẩn bị cho việc chạy thử nghiệm vào tháng 12 tới. Ảnh: Ngô Nhung

Về vấn đề giao thông đô thị, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của dự án tuyến metro số 3 tại Hà Nội, do Pháp cho vay hơn 500 triệu € và khẳng định mục tiêu đưa vào vận hành phần trên cao của tuyến tàu điện ngầm từ nay đến cuối năm 2022. Hai bên cam kết sớm tìm ra giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu chung, trong đó tính đến việc ký hợp đồng đưa vào khai thác đoạn trên cao, áp dụng khuôn khổ hợp đồng FIDIC nhằm bảo đảm vận hành hiệu quả dự án và điều chỉnh khuôn khổ đầu tư dự án cho phép tiếp tục xây dựng phần ngầm sau năm 2022.

Pháp ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, thí dụ thông qua ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam hoan nghênh các đề xuất của Pháp trong lĩnh vực năng lượng (năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, khí đốt) về phân phối, lưu trữ cũng như về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật. Việt Nam hoan nghênh dự án do Pháp tài trợ để công ty Weatherforce của Pháp hỗ trợ Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam nghiên cứu, phát triển các giải pháp thời tiết thông minh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực hàng không, một lĩnh vực chiến lược trong quan hệ song phương, đặc biệt liên quan đến việc cung cấp máy bay và các dịch vụ kèm theo cho các hãng hàng không, trang thiết bị, đào tạo và kỹ thuật cho toàn ngành, Việt Nam và Pháp đã bày tỏ quan tâm đến việc tiếp tục hợp tác trên tất cả các mặt.

Trong lĩnh vực vũ trụ, Việt Nam và Pháp tái khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác cả trong lĩnh vực vệ tinh cũng như để sử dụng hình ảnh vệ tinh trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng ngừa rủi ro thiên tai.

Hai bên hoan nghênh các khoản đầu tư của Pháp vào lĩnh vực logistics và hạ tầng cảng biển, cho phép tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai nước và cam kết duy trì hợp tác trong lĩnh vực này nhằm tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, hai bên ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực đô thị bền vững, đặc biệt là tại Hà Nội với các dự án giao thông và quy hoạch đô thị, triển khai chợ đầu mối trong tương lai.

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Không gian

Theo thông tin từ tập đoàn Airbus, ngày 3-11, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) và Airbus đã ký Ý định thư về việc hợp tác triển khai vệ tinh Quan sát Trái Đất dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Pháp và Thủ tướng Việt Nam.

Sự hợp tác này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai "Chương trình Công nghệ Vũ trụ Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030".

Sau khi hệ thống vệ tinh Quan sát Trái Đất đầu tiên mang tên VNREDSat-1 do Airbus chế tạo được được phóng lên quỹ đạo vào năm 2013 vẫn đang hoạt động hiệu quả, VAST hiện đang nghiên cứu phát triển Chương trình VNREDSat-2 tiếp theo. Chương trình này sẽ góp phần đáng kể vào việc mở rộng năng lực trong lĩnh vực không gian của Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu của đất nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và nâng cao kiến thức phục vụ cho xã hội.

Trong khuôn khổ chương trình VNREDSat-2, Airbus sẽ làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định giải pháp cho hệ thống Quan sát Trái Đất của Việt Nam trong tương lai, bao gồm cả việc chuyển giao chương trình công nghệ.

Trong khi đó, CNES và VAST sẽ tiếp tục tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện chương trình VNREDSat-2, đặc biệt là việc hợp tác liên quan đến khí hậu trong khuôn khổ chương trình dữ liệu khu vực đồng bằng sông Cửu Long VietSCO, xây dựng năng lực và giáo dục.

Việt Nam mở cửa thị trường với các sản phẩm từ trứng của Pháp

Cũng tại Tuyên bố chung, Pháp và Việt Nam tái khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trên tinh thần này, hai bên sẽ tổ chức Đối thoại cấp cao kinh tế, diễn đàn chính của đối thoại kinh tế song phương, trong tháng 1-2022 nếu điều kiện cho phép theo một hình thức giúp đạt được những tiến bộ cụ thể.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ và nhanh chóng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, có hiệu lực từ tháng 8-2020. Về việc này, hai bên nhấn mạnh cam kết tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định, trong đó có lĩnh vực phát triển bền vững, tạo điều kiện cho trao đổi thương mại và tiếp cận thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên hoan nghênh việc Việt Nam mở cửa thị trường với các sản phẩm từ trứng của Pháp và hợp tác song phương tốt đẹp về quản lý dịch bệnh động vật nhằm giảm thiểu tác động đến thương mại song phương.

Hai bên tiếp tục và tăng cường hợp tác trong việc phát triển ngành thủy sản bền vững, phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và EU.

Việt Nam và Pháp, đặc biệt thông qua cơ quan Business France, tiếp tục có những hoạt động cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối và trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp tầm trung của Pháp và Việt Nam, theo các trục hợp tác ưu tiên.

Việt Nam và Pháp ghi nhận sự đóng góp của các công ty Pháp ở nước ngoài (EFE) đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và đối với mối quan hệ song phương.

Theo Dương Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên