MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát bệnh vì dùng điều hòa sai cách

14-07-2022 - 18:15 PM | Sống

Ngày 14/7, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết sử dụng điều hòa thường xuyên sẽ khiến nhiệt độ và độ ẩm không khí trong phòng giảm thấp. Điều này khiến da bị mất nước, khô ráp, sần sùi, bong tróc, nặng hơn là đỏ, ngứa, nứt nẻ.

Ngoài ra, với những làn da dầu, dễ mất nước qua thượng bì sẽ kích thích các tuyến bã nhờn, khiến da đổ dầu nhiều hơn, gây bít tắc lỗ chân lông, hình thành nhân mụn trứng cá.

Với những làn da nhạy cảm, làm việc trong môi trường có độ ẩm thấp lâu ngày sẽ khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương nặng nề hơn. Lúc này, da bị mất đi lớp màng ẩm tự nhiên, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của da nhạy cảm như da khô, căng kéo, châm chích, đỏ, ngứa.

"Nếu tình trạng mất nước kéo dài khiến da thiếu ẩm, giảm độ đàn hồi và đẩy nhanh quá trình lão hóa da với các biểu hiện như khô, xỉn màu, thiếu sức sống", bác sĩ nói.

Ngồi điều hòa nhiều cũng dẫn đến tình trạng khô mắt, phải dùng thuốc nhỏ mắt. Tình trạng này thường gặp ở người làm việc văn phòng, tiếp xúc nhiều với máy tính, màn hình điện thoại. Bạn chỉ nên ngồi 45 phút sau đó dành 5-10 phút nhìn xa cho mắt nghỉ ngơi.

Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội), khuyến cáo chênh lệch nhiệt độ khi đi từ bên ngoài vào phòng bật điều hòa, hoặc ngược lại cũng khiến cơ thể không phản ứng kịp với nhiệt độ, dẫn đến co mạch đột ngột, choáng váng. Nhiều trường hợp sốc nhiệt, thậm chí đột quỵ ở nhóm có nguy cơ như người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người lao động làm việc ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng.

"Lúc này, cơ thể cần một giai đoạn chuyển tiếp để hạ nhiệt và thích nghi dần với nhiệt độ, không đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại", bác sĩ nói.

Ngoài ra, phòng sử dụng điều hòa thường rất kín, không có chỗ thoáng khí nên dễ tích bụi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus; nấm mốc phát triển. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh đường hô hấp gồm ho, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản...

Bác sĩ cho biết thêm, hiện biến chủng BA.5 của Omicron lây lan ngoài cộng đồng, những nơi thường xuyên bật điều hòa, thông khí kém cũng có nguy cơ cao là "ổ lây nhiễm" virus. Do đó, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách và tiêm phòng để bảo vệ bản thân.

Phát bệnh vì dùng điều hòa sai cách - Ảnh 1.

Vệ sinh điều hòa từ hai đến ba lần trong năm, tùy vào mức công suất, thời gian sử dụng để loại trừ vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh. Ảnh: Fresh Living

Các bác sĩ khuyến cáo, bạn cần kiểm soát nhiệt độ phòng, tuyệt đối không để dưới 26-28 độ C. Khi căn phòng đủ mát, nâng nhiệt độ lên tối thiểu 27-28 độ C.

Uống nhiều nước, thoa kem dưỡng ẩm, không chỉ cho vùng da mặt, mà còn ở các vùng da khác như cổ, tay, chân... giúp da mềm mại, mịn màng hơn. Khi da bị khô căng, bạn có thể dùng kèm xịt khoáng, hạn chế sử dụng các loại sữa rửa mặt có tính xà phòng, không rửa mặt bằng nước nóng. Kết hợp đắp mặt nạ một đến hai lần mỗi tuần để bổ sung các dưỡng chất làm ẩm da.

Gia đình có trẻ nhỏ nên duy trì nhiệt độ phòng trong khoảng 26-27 độ C, giữ bé tránh xa luồng không khí lạnh trực tiếp từ điều hòa. Thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý tránh khô mắt, khô mũi. Cha mẹ cần theo dõi thân nhiệt, đo nhiệt độ và bổ sung dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch. Nếu con bị sốt cao, thở khò khè thì nên chuyển sang máy làm mát, quạt hơi nước, quạt trần,...

Vệ sinh và bảo trì điều hòa từ hai đến ba lần một năm để loại bỏ các ổ vi khuẩn gây bệnh. Trang bị máy tạo độ ẩm để giúp cân bằng lại độ ẩm trong phòng.

Theo Thùy An

VnExpress

Trở lên trên