MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hiện "lạ" của chuyên gia từ nghịch lý trong thu ngân sách năm 2020

Phát hiện "lạ" của chuyên gia từ nghịch lý trong thu ngân sách năm 2020

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, nghịch lý trong thu ngân sách năm 2020 đó là nhiều tỉnh đóng góp ngân sách lớn nhưng thu không đạt dự toán, trong đó TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc. Trong khi đó, rất nhiều tỉnh vượt dự toán lại là những tỉnh nghèo, bởi họ có nguồn thu ngân sách lớn từ đất đai và tài nguyên.

Vấn đề thứ nhất là dư địa chính sách tài khóa cho gói hỗ trợ lần 2   

Bàn về gói hỗ trợ phát triển kinh tế cho giai đoạn tới, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia kinh tế, cho biết, chính sách tài khóa vẫn còn dư địa song cần phải hướng đến một số đối tượng cụ thể và phải có giải pháp để gỡ nút thắt về khuôn khổ thể chế với sự phối hợp của nhiều bên. Bối cảnh bất thường thì cần có chính sách bất thường.

Trước hết, năm 2020, để thực hiện gói hỗ trợ phát triển kinh tế thì Việt nam có thực hiện các chính sách về thuế. Nhưng cuối cùng số thu ngân sách theo ước tính hết ngày 31/12 đạt khoảng 98% dự toán 2020, mà dự toán 2020 được xây dựng dựa trên nền dự toán 2019 - do vậy rất cao, nhưng vẫn đạt. Theo chuyên gia, có nhiều lý do để giải thích kết quả này trong đó có nỗ lực thu thuế nói chung và các khoản thu tồn đọng nói riêng của ngành tài chính.

Một lý do rất quan trọng khác là chính sách thuế Việt Nam sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2020 mới chủ yếu là hoãn, giãn chứ không tập trung vào miễn giảm, dẫn đến số thu cũng ảnh hưởng nhưng không quá nhiều. Đây cũng là chính sách thận trọng vì chúng ta cũng chưa biết dịch Covid sẽ diễn biến thế nào?

Tiếp theo là vấn đề liên quan đến chi tiêu. Theo ông Cường, trong năm vừa qua có một điểm tích cực là tốc độ giải ngân đầu tư công cao hơn cùng kỳ các năm. Song, thực tế thì tỷ lệ thực hiện so với dự toán cao hơn không nhiều bình quân cả giai đoạn. Theo luật thì đến 31/12, nhiều khoản chi vẫn chưa được tập hợp hết về và những cam kết thực hiện của năm trước vẫn có thể được thực hiện vào tháng 1. Do đó, số liệu quyết toán cuối cùng của các năm trước vẫn không quá thấp so với năm 2020.

Ông nhận định: "Năm 2020 có được tác động tích cực là giải ngân sớm hơn nên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Vì nếu giải ngân muộn quá thì tác động lại đến vào năm sau. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phép chuyển những dự án PPP mà không kịp chuyển sang đầu tư công". Đây là những nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Với cân đối ngân sách tốt giai đoạn 2016-2020, Việt nam còn dư địa cho hỗ trợ chính sách tài khóa năm 2021 song có vấn đề mà ông Cường nhắc đến đó là các thách thức với gói hỗ trợ doanh nghiệp 2021. Về lý thuyết, Việt Nam vẫn còn dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ như vấn đề miễn giảm thuế hay chuyển lỗ nhưng thực tế lại liên quan đến một thách thức rất lớn là khuôn khổ pháp lý cho thực thi chính sách.

Hiện quy định của Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về sau chứ không cho phép chuyển lỗ về trước. "Ví dụ như năm 2021 lỗ thì có thể chuyển lỗ sang năm 2022, 2023 nhưng đến năm 2022, 2023 không biết doanh nghiệp còn tồn tại không để hưởng chuyển lỗ này".

Vấn đề thứ 2 là vấn đề phân cấp và phối hợp liên vùng trong tài chính ngân sách.

Hiện nay do phân cấp ngân sách rất mạnh, các địa phương chỉ tập trung vào các dự án sử dụng các nguồn lực của địa phương thuộc thẩm quyền của họ. Trong khi đó những nguồn lực như để xử lý vấn đề liên vùng rất ít được chú ý. Hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ chế nào để phối hợp liên vùng trong việc xử lý các vấn đề tài chính, ngân sách. Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu sớm.

Lấy ví dụ về điều này, ông Cường chỉ ra trường hợp xử lý bãi rác Đa Phước của TP. HCM. Trước đây đã có quy hoạch xây dựng bãi rác cho TP. HCM tại Long An, tuy nhiên thì hiện chưa có cơ chế chia sẻ lợi ích – chi phí tài chính giữa Long An và TP. HCM, vì vậy mà chưa có cách nào để thực hiện dự án này. Trách nhiệm quy hoạch bãi rác cũng không phải của Chính phủ, tức là Bộ KH&ĐT không thể can thiệp xây dựng khu xử lý rác. Tính phối hợp vùng kém: "Đó là lý do vì sao nhiều người nói Việt Nam có 63 nền kinh tế riêng lẻ" ông nhận định.

Thách thức với chính sách tài khóa trong trung hạn và dài hạn

Có một nghịch lý trong thu ngân sách năm 2020 đó là nhiều tỉnh giàu, đóng góp ngân sách lớn thu không đạt dự toán, trong đó có TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc. Điều này do những tỉnh này thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Trong đó rất nhiều tỉnh vượt dự toán lại là những tỉnh nghèo, bởi họ có nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào đất đai và tài nguyên.

"Số thu ngân sách phụ thuộc vào đất đai và tài nguyên sẽ dẫn tới vấn đề trong kinh tế gọi là căn bệnh Hà lan, về dài hạn nếu không thay đổi sẽ không khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất mà chỉ tập trung vào khai thác đất đai, tài nguyên bởi tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đất đai quá lớn. Do vậy, cần phải có chính sách thuế để điều chỉnh vấn đề này", PGS., TS Vũ Sỹ Cường cho hay.

Đây sẽ là thách thức lớn trong giai đoạn 2021-2025 và dài hạn, vì ngân sách địa phương phụ thuộc rất nhiều vào nguồn này, nhưng chỉ có thể thu một lần. "Chúng ta có nguy cơ chịu hậu quả về việc này trong vòng 5-10 năm nữa. Bởi vì các địa phương có thể có tiền đầu tư xây dựng trường, đường, các công trình hạ tầng… nhưng ngân sách chi thường xuyên thì không đủ đáp ứng được nhu cầu duy tu, bảo dưỡng".

Vì vậy, chính sách cải cách chính sách thuế là một trong những vấn đề trọng tâm giai đoạn 2021-2025, nếu không thì ngân sách địa phương sẽ gặp những rủi ro rất lớn. Có thể trong ngắn hạn, tác động vẫn chưa rõ bởi nguồn thu không sụt giảm quá nhiều ngay cả khi có Covid, nhưng vấn đề sẽ đến trong dài hạn.

Về nguồn lực cho đầu tư công 2021-2025, chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường cho rằng: "Có nhiều lo lắng về nợ công, dẫn đến gây ra áp lực lớn về liệu có nên vay nợ nhiều hơn. Năm 2020, tận dụng tốt cơ hội, chúng ta vay nợ trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm vừa qua lãi suất trung bình chỉ là 2,82% và kì hạn dài hơn rất nhiều. Đây là thành công.

Nhu cầu đầu tư của giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, nếu khi chúng ta vay một khoản mới mà có cơ hội như năm 2020 với nguồn vốn rẻ như vậy thì sẽ rất tốt để có nguồn lực lớn hơn cho giai đoạn 2021-2025. Nhưng trong giai đoạn này, khi mà Covid-19 được khống chế, mọi thứ quay trở lại bình thường thì nguồn vốn rẻ có thể không còn nữa. Đây chính là thách thức trong việc huy động nguồn đầu tư công cho giai đoạn tiếp theo".

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên