Phạt một công ty chứng khoán vì tự ý tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu khi chưa được Uỷ ban chứng khoán cấp phép
Trong năm 2021, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được cấp phép
Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 819/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 03, 59 Quang Trung, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền 250.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 24 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép.
Trong năm 2021, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép nghiệp vụ bảo lãnh phát hành).
Vừa qua, Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam đăng ký chào bán 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, công ty chỉ chào bán thành công 12,6 triệu cổ phần, thu về 126 tỷ đồng.
Số cổ phần không được đặt mua 2,4 triệu đơn vị được công ty phân phối tiếp cho những đối tượng có đủ năng lực tài chính, chấp nhận điều kiện hạn chế chuyển nhượng 1 năm: Công ty Bất động sản Hướng Việt mua 1,2 triêu, Công ty Đầu tư An House cũng mua vào 1,2 triệu.
Kết thúc quý 3, công ty đạt doanh thu 52,5 tỷ đồng, cao gấp đôi lợi nhuận cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 19,2 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ. Tổng tài sản đạt 254 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh tế