MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển bền vững không phải là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Một điều thấy rất rõ, với những doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững thì trong bối cảnh đại dịch họ đã trụ vững khá tốt, thậm chí có nhiều cơ hội để phát triển...

Theo ông Vũ Tiến Lộc, thực tiễn năm qua đã mang lại bài học quý giá cho doanh nghiệp  Việt Nam trong việc định hình lại tương lai cũng như mô hình, chiến lược kinh doanh của mình, hướng tới phải phát triển bền vững, coi trọng vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội... 

Một điều thấy rất rõ, với những doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững thì trong bối cảnh đại dịch họ đã trụ vững khá tốt, thậm chí có nhiều cơ hội để phát triển. Còn những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng tới mô hình phát triển bền vững thì mỗi khi có biến động thị trường lập tức rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phá sản, giải thể...

ĐAU ĐÁU VỀ CÁC MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN 

Covid-19 như một lần thử lửa và rất có thể sẽ có những thay đổi lớn trong giới kinh doanh Việt, thưa ông?

Đây là một năm vô cùng gian nan với cộng đồng doanh nghiệp, nhưng cũng là năm sự kiên cường, khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện khá rõ. Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, sự vững chãi của họ là một trong những nguyên nhân quan trọng để Việt Nam có được kết quả tăng trưởng dương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Đây là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ hơn yêu cầu về tăng cường khả năng chống chịu và phát triển bền vững của mình.

Trong bối cảnh bình thường khi nói về phát triển bền vững, khả năng chống chịu thì sức thuyết phục còn hạn chế, nhưng khi dịch bệnh, chiến tranh thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xảy ra đã dạy cho chúng ta bài học về tăng cường khả năng chống chịu là phải đi theo con đường phát triển bền vững. Một điều rất rõ, các doanh nghiệp trong những năm qua đã âm thầm định hướng con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp mình nên trong bối cảnh đại dịch họ trụ vững khá tốt, thậm chí họ có cơ hội để phát triển. Còn những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng tới mô hình phát triển bền vững thì mỗi khi có biến động thị trường lập tức rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phá sản, giải thể, rút lui khỏi thị trường.

Thực tiễn năm qua đã mang lại bài học quý giá cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc định hình lại tương lai cũng như mô hình, chiến lược kinh doanh của mình, hướng tới phải phát triển bền vững, coi trọng vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội ... đó là lựa chọn không thể khác được. Điều này không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn hay những nhà quản trị quốc gia mà phải trở thành tâm thế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Kinh doanh có trách nhiệm, bền vững là đạo kinh doanh nếu chúng ta muốn đi dài trên con đường kinh doanh.

Tôi thấy chưa bao giờ doanh nhân Việt lại bàn nhiều và thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về quản trị rủi ro, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ. Tôi cảm nhận được khát vọng thực sự của họ về sự vượt lên, thay đổi.

Mặc dù Chính phủ đã kiểm soát bệnh dịch rất tốt, nhưng Covid-19 cũng đã buộc hàng ngàn doanh nghiệp phải dừng lại, đóng cửa. Vậy theo ông, các chính sách Chính phủ đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp đã trúng chưa?

Dưới góc độ của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi thấy những đối sách của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid là hết sức chính xác và kịp thời. Chỉ trong thời gian ngắn Chính phủ đã đưa ra một hệ thống các gói giải pháp hỗ trợ toàn diện từ tín dụng, tiền tệ, tài khoá, thị trường, đặc biệt nhấn mạnh tới giãn, hoãn, giảm trong chính sách thuế, tín dụng. Nếu hệ thống giải pháp này được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp, trợ giúp lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng.

Có thể nói phần lớn các chính sách đã phát huy tốt tác dụng nhưng vẫn còn một bộ phận chính sách do việc thiết kế chính sách chưa thực sự bám sát thực tiễn cuộc sống. Như các thủ tục hành chính còn phiền hà, các tiêu chí, định mức cũng như các đối tượng chưa rõ ràng nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Tức là: tư tưởng chính sách thì rất tuyệt vời, thiết kế chính sách đâu đó còn có vấn đề, việc triển khai chính sách còn nhiều trở ngại. Chính vì vậy, tác động thực tiễn của hệ thống chính sách đó có phần hạn chế. Thiết kế chính sách và tổ chức thực thi chính sách đang có khoảng cách khá lớn. Chính sách ban hành rất đúng đắn nhưng đưa vào thực tiễn chưa thực sự thiết thực nên kết quả thực hiện còn hạn chế.

Nguyên nhân khiến khoảng cách từ thiết kế tới việc thực thi chính sách còn xa nhau theo ông là gì?

Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong cả định hình và thực thi chính sách. Chúng tôi đã thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát tình hình doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để phản ánh với Chính phủ. Phần lớn ý kiến của doanh nghiệp được Chính phủ tiếp thu và thiết kế vào trong chính sách.

Tuy nhiên, thời gian qua ở một số cơ quan, tổ chức của Chính phủ khi thực thi chính sách thì thủ tục hành chính của chính sách đó còn khá phiền hà. Tức là các chính sách đó vẫn được thiết kế như khi chưa có đại dịch, còn khi đại dịch xảy ra đây là bối cảnh đặc biệt, "chống dịch phải như chống giặc". Nghĩa là việc ứng phó của đại dịch phải trên tinh thần của thời chiến. Như vậy các biện pháp thúc đẩy phải mạnh mẽ, thủ tục phải đơn giản.

Bây giờ chúng ta đang tiến tới trạng thái bình thường mới chứ không phải là trạng thái bình thường cũ, do vậy động thái chính sách, các thủ tục đảm bảo thực hiện chính sách phải khác đi. Và trong bối cảnh đại dịch càng tạo nên áp lực, cũng như cơ hội trong việc cải cách các thủ tục hành chính. Nếu các thủ tục hành chính được cải thiện tích cực theo hướng đơn giản hoá, chúng ta có thể giải quyết rất nhiều vấn đề của doanh nghiệp mà không chỉ bằng gói giải pháp về tài chính để thúc đẩy đưa nhanh các dự án kinh doanh vào hoạt động trong bối cảnh hiện nay.

TẠO ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI TỪ CHÍNH SÁCH 

Vậy làm thế nào để tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp lên một mức cao hơn nữa, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Một mặt chúng ta nâng cao năng lực phát triển bền vững và khả năng chống chịu của doanh nghiệp, mặt khác, phải có một hệ thống chính sách Nhà nước dẫn đường và yểm trợ cho những nỗ lực đó. Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã thống nhất với UNDP sẽ cùng các đối tác xây dựng chương trình nâng cao năng lực để chống chịu, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh cho các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một loạt chính sách sẽ được đề xuất và triển khai, một loạt các giải pháp tăng cường quan hệ đối tác công - tư cũng như sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây sẽ là giải pháp vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Việc tạo nên hình hài cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, những biến động thị trường là những điều quan trọng mà Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đang cố gắng nỗ lực.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng những điều gì ở chính sách điều hành của Chính phủ trong năm 2021, xa hơn là những năm tiếp theo, thưa ông?

Doanh nghiệp kỳ vọng các chính phủ trên thế giới phối hợp ngăn chặn được dịch bệnh, đó là điều quan trọng để doanh nghiệp định hướng hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian tới. Muốn doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững chúng ta cần hệ sinh thái thích hợp, hệ thống chính sách của Chính phủ ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chúng ta có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư nhưng tới thời điểm hiện nay chúng ta chưa đạt mục tiêu đặt ra là trở thành một trong 4 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN. Cộng đồng doanh nghiệp hy vọng 5 năm tới chúng ta sẽ đạt mục tiêu này. Nếu làm được điều này tôi tin doanh nghiệp sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.

Về phía doanh nghiệp, tôi vẫn khuyến nghị, cần nâng cấp hoạt động quản trị của mình, nỗ lực định hình lại tương lai của mình. Phát triển bền vững và chuyển đổi số không phải là lựa chọn mà là con đường bắt buộc. Sắp tới, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm lan toả mô hình, giúp doanh nghiệp từ mới sinh ra đã đặt mình trong trào lưu phát triển bền vững và chuyển đổi số. Như vậy, cần sự nỗ lực tiếp theo của Chính phủ trong việc tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh...

Theo Hương Loan

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên