Phát triển công nghiệp bền vững cần sự thay đổi chiến lược
Các chuyên gia cho rằng, nếu không có sự thay đổi trong chiến lược, giá trị công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam khó có thể thay đổi.
- 28-07-2018Không xuất khẩu quặng nguyên khai, tinh quặng vàng, đồng
- 27-07-2018Đồng Nai kiểm tra tất cả cửa hàng Con Cưng
- 27-07-2018Ô tô miễn thuế đổ bộ về Việt Nam: Thái Lan, Indonesia chiếm ưu thế trên thị trường xe nhập khẩu
Trong 6 tháng đầu năm 2018, khu vực công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% - mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đang tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tăng trưởng nhưng chưa bền vững
Theo đánh giá của ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện trong 6 tháng đầu năm tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ, là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng trên 9%).
“Mặc dù nhóm ngành khai khoáng giảm mức tăng trưởng 1,3% trong 6 tháng đầu năm nhưng lại có những thuận lợi như giá dầu thô, giá một số loại khoáng sản tăng, tình hình tiêu thụ ngành than tăng hơn so với cùng kỳ. Cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản của Chính phủ, một số loại khoáng sản đã tiêu thụ được lượng tồn kho”, ông Hưng cho biết.
Đứng ở góc độ là đơn vị cung cấp năng lượng trực tiếp cho các hộ sản xuất, kinh doanh, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, xét từ tốc độ tăng trưởng điện cho sản xuất công nghiệp trong 6 tháng tăng 11,65% (cao hơn cùng kỳ năm trước 11%), sản xuất có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là với công nghiệp chế biến, chế tạo.
Do đó, để đáp ứng mức tăng trưởng điện, thời gian tới, ngành điện sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào vận hành các dự án nhà máy điện theo kế hoạch, đồng thời, tập trung giải pháp tăng cường tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng, triển khai mạnh mẽ các chương trình kiểm toán năng lượng.
Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhưng theo dự báo của Tổng cục Thống kê, công nghiệp 6 tháng cuối năm có thể tăng trưởng chậm lại, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển bền vững các ngành kinh tế nói chung, lĩnh vực công nghiệp nói riêng.
PGS. TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu không có sự thay đổi trong chiến lược, giá trị công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam khó có thể thay đổi.
“Samsung có kim ngạch xuất khẩu rất ấn tượng, nhưng đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam vào việc sản xuất ra những sản phẩm của Samsung chưa được bao nhiêu. Từ đó cho thấy, tính lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối sản xuất công nghiệp vẫn còn rất hạn chế, nên khâu này cần phải có tính toán kỹ lưỡng hơn. Chỉ khi nào năng lực của công nghiệp hỗ trợ được nâng cao, các doanh nghiệp mới hy vọng bắt vào được chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI”, ông Thắng cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng có chung nhận xét, mặc dù công nghiệp đóng góp lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế, nhiều lĩnh vực công nghiệp đã đi vào chiều sâu hơn, mang tính bền vững hơn, nhưng các dự án công nghiệp lớn chưa có tính lan tỏa vẫn đang là thực tế. Do đó, cần tăng cường liên kết gắn với nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp, để chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng, qua đó đưa công nghiệp tăng trưởng bền vững hơn.
Công nghiệp phải được coi trong hơn
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, cần phải nhanh chóng triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 23 của Trung ương (ban hành ngày 22/3/2018) vừa qua về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra. Bởi lẽ, Nghị quyết đã định hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp quan trọng như chế biến, chế tạo…
Theo TS. Lưu Bích Hồ, điểm yếu nhất của công nghiệp Việt Nam chính là ở khâu thực thi các chủ trương, chính sách vào thực tiễn. Trong tái cơ cấu nền kinh tế thì tái cơ cấu ngành công nghiệp là một phần quan trọng nhất và cần đặt công nghiệp trong nền kinh tế như thế nào cho phù hợp.
“Bộ Công Thương đã đặt ra ưu tiên phát triển công nghiệp khu tập trung vào những ngành mà chúng ta có lợi thế, có khả năng, có thị trường và phù hợp với đà tiến chung của thế giới và nhất là tận dụng được cuộc CMCN4.0 với sự đổi mới sáng tạo sẽ là cốt lõi của quá trình tái cơ cấu công nghiệp và các chính sách công nghiệp”, TS. Lưu Bích Hồ cho biết.
Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp; trong đó, tập trung thúc đẩy sản xuất chế biến chế tạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
“Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy nhanh công tác xây dựng hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp công nghiệp…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, ngành công thương sẽ triển khai thực hiện một cách quyết liệt Đề án và Kế hoạch hành động xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém để khơi thông nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp./.
Cần có giải pháp để sản xuất công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo VOV.VN - 6 tháng năm 2018, chỉ số phát triển ngành công nghiệp của TP HCM giảm. Từ nay đến cuối năm cần có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của ngành này.
VOV