Phát triển logistics để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu
Phát triển logistics để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, đó là kiến nghị của doanh nghiệp tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19”, diễn ra sáng nay (18/1).
- 18-01-2022Vì sao giá đất cụ thể thường cao hơn giá đất trong bảng giá đất?
- 18-01-2022VNDIRECT: GDP Việt Nam dự kiến tăng 7,5% vào năm 2022, thúc đẩy bởi hàng không, FDI và gói kích thích kinh tế sắp tới
- 17-01-2022Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... làm gì để khống chế việc ảo giá bất động sản?
Hội thảo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM tổ chức.
Theo Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn 2021 –2025 bình quân 9,5%/năm. Tuy nhiên, do tác động nặng nề của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020.
Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của TP.HCM kim ngạch xuất khẩu đều giảm, như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7%... Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp khó phục hồi sớm.
Doanh nghiệp khó khăn do thiếu lao động, giá cước vận tải biển tăng cao, thiếu container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở, khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chi phí logistics tăng rất cao. Một số thị trường xuất khẩu có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
TP.HCM đang đẩy mạnh cải cách thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, như: hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan luồng xanh chiếm đến 80%, luồng đỏ 2%. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính vẫn còn khó khăn, hạn chế. Trong đó, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa tiện lợi cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, đại biểu cho rằng, TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển logistics để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, vì hiện nay, việc kết nối vận chuyển đường bộ, thủy chưa đồng bộ, làm chi phí tăng cao.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, cần tận dụng tốt các hiệp định tự do thương mại đang có lộ trình cắt giảm thuế. Doanh nghiệp cần lưu ý về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vì hiện nay một số nơi có xu hướng áp dụng phòng vệ thương mại, nếu doanh nghiệp bị áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại thì mức thuế sẽ cao gấp nhiều lần.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch bệnh, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Cải cách thủ tục hành chính, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp các thủ tục thông quan hàng hóa. Sở cũng có kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, Sở triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tham gia vào các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới để xúc tiến, xuất khẩu”./.
VOV