Phát triển mạnh và chạm "chuẩn quốc tế", ACB định hướng tăng trưởng thế nào 5 năm tới?
Tính đến thời điểm hiện tại, ACB là một trong 7 ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) chấp thuận chuẩn áp dụng tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II (thông tin 41/2016/TT-NHNN).
Được NHNN chấp thuận áp dụng Basel II sớm hơn thời hạn quy định một lần nữa khẳng định cam kết của ACB trong việc nâng cao năng lực quản trị theo các quy chuẩn quốc tế.
2018 là năm kinh doanh tốt nhất, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới
Năm 2018, kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, như tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất 10 năm, lạm phát trong tầm kiểm soát và xuất nhập khẩu vượt kế hoạch. Chính sách tiền tệ được hoạch định và điều hành hợp lý, góp phần hạn chế đà tăng của lãi suất huy động để ổn định lãi suất cho vay. Tổng tài sản và lợi nhuận của các tín dụng đều cải thiện so với năm 2017.
Trong bối cảnh đó, ACB ghi nhận tổng tài sản và tiền gửi khách hàng lần lượt đạt 98% và 95% kế hoạch, với dự nợ tín dụng hoàn thành 101% kế hoạch của cả năm.
Ông Võ Văn Thuần, Cục phó Cục Thanh tra giám sát ngân hàng, cho biết kết quả kinh doanh của ACB năm 2018 là tốt nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. Đại diện của Cục Thanh tra đánh giá cao ACB trong việc hạn chế đầu tư vào lĩnh vực rủi ro cũng như có thể quản lý rủi ro chặt chẽ, đúng quy trình.
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy cho biết năm qua là năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2018 – 2023 của HĐQT và Ban kiểm soát. Vì vậy, HĐQT ý thức được nhiệm vụ vừa phải kế thừa được kinh nghiệm từ thế hệ đi trước vừa phải đưa ra được chiến lược mới phù hợp sao cho ACB vừa hoạt động an toàn vừa tăng thêm năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn.
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy
Định hướng tăng trưởng của ACB theo chuẩn Basel II
Theo đánh giá của HĐQT ACB, việc áp dụng chuẩn Basel II cho thấy thêm một bước tiến của ACB trong việc đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế khi duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hơn 9% theo thông tư 41 cao hơn yêu cầu là 8%.
Kinh tế thế giới năm 2019 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng kéo dài với nhiều hệ lụy, sự bất ổn tài chính - tiền tệ ngày càng trở nên khó lường. Với những yếu tố này, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ xoay quanh 6,8% với chỉ số lạm phát dưới 4%, lãi suất giữ tương đối ổn định quanh mặt bằng hình thành cuối 2018 và đầu 2019.
Trong bối cảnh đó, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 15%, tín dụng đạt mức tăng trưởng theo phê duyệt của NHNN (hiện nay là 13%), tỷ lệ nợ xấu dưới 2% và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 7.279 tỷ đồng. Năm 2019, ngân hàng dự kiến chia cổ tức 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Cũng trong năm 2019, ACB dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.741 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho cổ đông, tương đương phát hành tối đa thêm hơn 374 triệu cổ phiếu. Tổng vốn điều lệ dự kiến tăng từ gần 12.886 tỷ lên tối đa 16.627 tỷ đồng. Tỷ lệ vay trung - dài hạn dự kiến duy trì ổn định ở mức 50% nhằm đảm bảo thanh khoản và lịch trả nợ.
Chiến lược của ACB trong thời gian tới được HĐQT cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng thu nhập phi tín dụng so với các khoản cho vay. ACB đặt mục tiêu thu nhập từ 3 mảng lớn tăng trong năm 2019, gồm bancassurance (tăng gấp 3 lần so với 2018), thẻ (tăng trưởng 40%), thu phí bảo lãnh, thanh toán nước ngoài (tăng 30%).
Trên cơ sở khả năng hoàn thành kế hoạch hoạt động năm 2019, lợi nhuận sau thuế dự kiến của tập đoàn đạt 5.823 tỷ đồng. Ngoài ra, để tăng vốn cho hoạt động kinh doanh, HĐQT trình phương án bán cổ phiếu quỹ trong năm, với tổng số lượng dự kiến bán tối đa 6,222 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Hoạt động quản lý rủi ro cũng được HĐQT ACB tăng cường giám sát thông qua tuyên bố khẩu vị rủi ro cùng cơ chế kiểm soát được tổ chức theo các nguyên tắc của Ủy ban Basel. Chính sách quản lý các rủi ro trọng yếu đã được ban hành và triển khai thực hiện để đảm bảo an toàn hoạt động, trong năm 2018 các chính sách này được cập nhật để phù hợp với Thông tư 13/2018/NHNN-TT (quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ - Trụ cột 2 của Basel). Mô hình 3 tuyến phòng vệ độc lập đã được ACB triển khai bên cạnh các phương pháp, mô hình đo lường rủi ro từng bước được nâng cao là cơ sở để ACB tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Nhìn vào tầm nhìn chiến lược đến năm 2024, ACB sẽ tập trung vào mảng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở cân đối giữa mục tiêu kinh doanh và rủi ro phát sinh cùng năng lực quản trị rủi ro nội tại, đặt mục tiêu dẫn đầu về trải nghiệm khách hàng, đồng thời tạo ra mức lợi nhuận hấp dẫn và bền vững. Mức ROE trung bình trên 20% là mục tiêu tham vọng trong bối cảnh ngành ngân hàng cạnh tranh khốc liệt, không chỉ giữa các đối thủ truyền thống mà còn giữa đối thủ phi truyền thống.