MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam: Vẫn ngổn ngang thách thức

26-10-2017 - 07:40 AM | Thị trường

Chất lượng tôm giống, quản lý dịch bệnh và quy hoạch vùng nuôi là những thách lớn đặt ra cho phát triển nuôi tôm Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có tiềm năng, lợi thế về phát triển mặt hàng thủy sản, đặc biệt là con tôm, mỗi năm xuất khẩu tôm mang về nguồn ngoại tệ hơn 3 tỷ USD cho đất nước. Tuy được xem là vùng trọng điểm và là lợi thế, nhưng thời gian qua, vùng ĐBSCL gặp không ít khó khăn, thách thức từ quy hoạch vùng nuôi tôm, con giống và kiểm soát dịch bệnh...

Năng suất thấp, giá thức ăn và dịch bệnh tăng

Được xem là thế mạnh của nhiều địa phương vùng ĐBSCL, thời gian qua, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào các vùng nuôi tôm đã được một số địa phương thực hiện nhằm kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng con tôm. Tuy nhiên, quy mô nuôi tôm ở ĐBSCL còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, trong khi giá thành thức ăn và dịch bệnh ngày một tăng. Đây là những nguyên nhân đang đè nặng lên đôi vai người nuôi.

Có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm, ông Phan Văn Bằng, ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau chia sẻ: Với diện tích đất hơn 3ha, gia đình ông thả 2 vụ chính trong năm. Mỗi lần thả khoảng 100.000 con, sau đó cứ khoảng 2 tháng ông lại tiến hành thả dặm thêm khoảng 10 – 15 ngàn con giống, tùy theo số lượng tôm đang có trong vuông.


Hiện Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ cao trong phát triển nuôi tôm.

Hiện Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ cao trong phát triển nuôi tôm.

Ông Kỷ cho biết thêm, nếu như trước đây, nuôi tôm trúng do môi trường còn sạch, chất lượng con giống tốt thì nay thả nuôi thất thường, lúc trúng lúc thất nên khó xác định được tôm giống nào chất lượng. Thị trường tôm giống hiện có rất nhiều công ty bán khiến người nuôi không thể phân biệt được thực chất chất lượng tôm giống.

“Mua tôm giống rất khó vì thị trường quá nhiều nhà cung cấp. Nhiều khi mua giống tôm vẫn có giấy kiểm dịch nhưng tôm giống vẫn bị chết như thường”, ông Bằng băn khoăn.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng, chất lượng tôm giống có vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng, do đó cần quản lý chặt vấn đề tôm giống. Cùng với đó, giá thành thức ăn tăng làm chi phí sản xuất tôm tăng theo.

Bên cạnh đó, một số vấn đề lớn cần phải giải quyết của ngành tôm hiện nay là vấn đề kháng sinh và tiếp cận chuỗi; trong đó vai trò quản lý nhà nước cần theo xu hướng thị trường, đòi hỏi các chứng nhận nhanh và thuận tiện.

Cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn

Mặc dù phát triển 20 năm nhưng những ngành phụ trợ, hạ tầng đi theo ngành nuôi tôm ở ĐBSCL hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Phần lớn các ao nuôi của người dân bị thất bại do chưa kiểm soát được dịch bệnh và sự tác động của môi trường làm cho dịch bệnh ngày càng phát sinh.

Việc kiểm dịch tôm giống thời gian qua còn buông lỏng; có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống không đảm bảo, gây thiệt hại cho người nuôi. Ngoài ra, hệ thông thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa đáp ứng điều kiện cấp và thoát nước.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tôm Việt – Australia cho rằng, hệ thống thủy lợi dành cho ngành tôm hầu như bắt đầu từ con số 0. Nguồn nước sạch đầu vào cần phải được quy hoạch tạo điều kiện hơn nữa cho người nuôi tôm.

Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm tôm nuôi cũng vô cùng quan trọng. Trong quá trình nuôi tôm, thức ăn hoặc các yếu tố khác có khả năng xảy ra mầm bệnh, làm hư hại môi trường. “Tập đoàn đang kết hợp với một tập đoàn hàng đầu của Australia để ứng dụng công nghệ tảo xử lý nước đầu ra, đây là giải pháp khả thi nên tập đoàn đang cố gắng hết sức để triển khai”, ông Tuấn cho biết.

TS. Phạm Anh Tuấn, chuyên gia về ngành tôm chia sẻ, muốn phát triển ngành tôm cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn. Nhà nước cần quản lý chặt chất lượng đầu vào để giảm thiệt hại. Thứ hai, cần thay đổi tư duy của người nuôi, tránh tư tưởng mất 1 - 2 vụ nhưng thắng 1 vụ thì vẫn hòa vốn.

Cũng theo TS. Phạm Anh Tuấn, hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống không đạt chất lượng khiến người nuôi thiệt hại về kinh tế. Đã có thời gian, xã hội hóa công tác làm giống, nhưng trong điều kiện hiện nay đã không còn phù hợp nên giờ phải thay đổi theo khuynh hướng thị trường là an toàn sinh học.

Quan trọng hơn là cần phải tổ chức lại sản xuất, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến để giảm chi phí đầu vào. Đây là vấn đề gốc rễ để giải bài toán phát triển con tôm hiện nay.

“Cần phải có giải pháp tiếp cận khác về nguồn thức ăn, không nên trông chờ vào việc các nhà máy giảm giá, bởi đấy là bản chất kinh doanh phụ thuộc nguyên liệu. Do đó, cần bắt đầu từ tổ chức sản xuất, thay vì quá nhiều đại lý, từ đó chiết khấu và tăng tính tiếp cận nhiều hơn giữa người nuôi tôm với nhà sản xuất, đồng thời cần tính đến những công nghệ nuôi để làm sao giảm chi phí, nhất là về thức ăn”, TS. Phạm Anh Tuấn chỉ rõ.

Từ thực thế cho thấy, ngành tôm hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc từ chất lượng tôm giống, quản lý dịch bệnh và quy hoạch vùng nuôi. Đây là những thách lớn đặt ra cho con tôm Việt Nam khi mô hình sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết.

Tại một số địa phương, công tác quản lý dịch bệnh còn buông lỏng khiến dịch bệnh chưa thể kiểm soát, ngoài ra hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp là những vướng mắc đang khiến cho com tôm Việt Nam chưa thực sự vươn mình./.

Theo Phạm Hà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên