Phát triển nhiệt điện than: Đang vay mượn và chuyển rủi ro cho tương lai
Nhiên liệu phải nhập khẩu, nguồn tài chính quốc tế cho các dự án mới ngày càng khó khăn khiến nhiệt điện than trở nên đắt đỏ trong khi không nhận được sự ủng hộ của các địa phương và người dân.
- 15-06-2021Chưa thể “đoạn tuyệt” nhiệt điện than, thậm chí cần xây thêm để đảm bảo năng lượng?
- 25-03-2021Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đánh giá kỹ cơ cấu nguồn nhiệt điện than
- 25-03-2021CREA: Việt Nam có thể thiệt hại 270 triệu USD/năm nếu phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VIII
Tại Việt Nam, nhiệt điện than hiện đang là nguồn cung cấp điện chủ đạo. Công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện than đã tăng đáng kể từ khoảng 3 GW năm 2010 lên 20,2 GW năm 2019 (chiếm khoảng 36% tổng công suất điện lắp đặt). Tính đến hết tháng 5/2021, sản lượng điện từ nhiệt điện than vẫn chiếm 51,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Quy hoạch Điện VIII đang được hoàn thiện và trình phê duyệt cũng nêu rõ, đến năm 2030, nhiệt điện than vẫn chiếm khoảng 27% và giảm còn 18% năm 2045.
Môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam thời gian qua mặc dù được đầu tư công nghệ xử lý môi trường hiện đại, đạt hiệu quả cao như hệ thống ESP lọc bụi tĩnh điện, khử SOx, NOx…, đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam song vẫn có tác động tiêu cực đến môi trường không khí. Do đó, nếu Việt Nam tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than thì việc chất lượng không khí sẽ tiếp tục bị tác động mạnh hơn nữa là điều khó tránh khỏi.
Vấn đề đảm bảo môi trường trong quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam ngày càng được quan tâm và thực hiện rất hiệu quả. Nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới đến năm 2045 là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, cũng rất khó khả khi vì nguồn tài chính quốc tế cho điện than ngày càng khó khăn hơn, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ hơn khi nguồn nhiên liệu than phải nhập khẩu, các địa phương và người dân cũng không ủng hộ.
TS. Trần Bá Quốc – Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch sẽ thải ra môi trường không khí nhiều chất thải nguy hại. Quá trình đốt than ở các nhà máy nhiệt điện thải ra 84/187 chất thải nguy hại trong không khí (được xác định bởi Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ).
“Các cuộc khảo sát người dân sống tại các tỉnh có nhà mà nhiệt điện than như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tỉnh, Trà Vinh, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương… đều cho rằng chất lượng không khí ngày càng xấu đi kể từ khi dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động. Việc phơi nhiễm lâu ngày với môi trường ô nhiễm không khí sẽ làm gia tăng khả năng bùng phát Covid-19. Tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ dẫn đến gia tăng ô nhiễm môi trường không khí, từ đó sẽ góp phần làm gia tăng tính dễ bị tổn thương bởi Covid-19. Đây là một trong những yếu tố cần được lưu tâm trong quá trình ra quyết định liên quan đến quy hoạch phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam”, TS. Trần Bá Quốc khuyến cáo.
Cũng đánh giá từ góc nhìn môi trường, GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cảnh báo, nhà máy Nhiệt điện than có rất nhiều mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân. “Ngay cả khi áp dụng công nghệ với hiệu suất cao, các dự án điện than theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII với công suất khoảng 37GW vẫn phát thải 247 tấn bụi/h, và lượng tro xỉ là khoảng 44 triệu tấn vào năm 2030. Với những tác động như vậy, việc hạn chế phát triển điện than và tăng cường phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là cần thiết”, GS.TS. Lê Vân Trình nêu ý kiến.
Cẩn trọng với các dự án điện than mới
Với góc nhìn tài chính, ThS. Phạm Xuân Hòe – Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án nhiệt điện than dang dở chậm tiến độ chủ yếu là do không thu xếp được nguồn vốn. “Việc các ngân hàng thương mại cho vay các dự án nhiệt điện than sẽ vượt xa mức cho vay 15% vốn tự có cho một khách hàng hoặc 25% cho một nhóm khách hàng. Điều này sẽ mang đến nhiều rủi ro cho các ngân hàng thương mại, đi ngược lại với xu thế phát triển ngân hàng xanh, ngân hàng bền vững trên toàn thế giới và có thể đe dọa sự phát triển của cả nền kinh tế Việt Nam. Tiếp tục phát triển nhiệt điện than là sự vay mượn của các thế hệ tương lai, chuyển rủi ro cho tương lai”, ThS. Phạm Xuân Hòe nêu cảnh báo.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), trong số khoảng 32,5 GW điện than dự kiến phát triển trong Quy hoạch điện VIII, khoảng 20,7 GW (tương ứng với 14 dự án) là rất khó khả thi để triển khai trong bối cảnh nguồn tài chính cho nhiệt điện than ngày càng thắt chặt. “Nếu tiếp tục đưa những dự án này vào quy hoạch điện VIII, nguy cơ cao sẽ lặp lại sai lầm của Quy hoạch điện VII điều chỉnh và ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo cung cấp điện, bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn Xanh”, bà Khanh khuyến cáo.
Một báo cáo do Tổ chức tài chính Carbon Tracker công bố mới đây cho thấy, 5 quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch xây dựng hơn 600 nhà máy điện than mới, với tổng công suất hơn 300GW sẽ đe dọa các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Báo cáo cảnh báo rằng, 92% các dự án này sẽ không mang lại lợi ích kinh tế, cho dù vẫn hoạt động bình thường và có thể gây lãng phí tới 150 tỷ USD.
Trưởng bộ phận Năng lượng & Tiện ích của tổ chức Carbon Tracker - bà Catharina Hillenbrand Von Der Neyen cho rằng, những thành trì điện than cuối cùng này đang đi ngược lại xu hướng, trong khi năng lượng tái tạo mang đến một giải pháp ít tốn kém hơn nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Các nhà đầu tư nên cẩn trọng với các dự án điện than mới, nhiều dự án trong số đó có thể gây thua lỗ ngay từ lúc mới đầu./.
VOV