MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo 16,4 triệu người Việt Nam sẽ không có lương hưu vào năm 2030: Khuyến nghị thiết lập khoản hưu trí lấy từ nguồn thuế

Ảnh: Wi Bing Tan/Flickr

Ảnh: Wi Bing Tan/Flickr

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, nhiều quốc gia đã theo đuổi cách tiếp cận mở rộng bao phủ dựa vào một hệ thống hưu trí đa tầng thường bao gồm một hợp phần lương hưu cào bằng lấy từ nguồn thuế, một hợp phần hưu trí bắt buộc đóng góp theo thu nhập và một hợp phần hưu trí bổ sung.

Theo Báo cáo tóm lược các phương án xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng ở Việt Nam của ILO, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển dịch cơ cấu dân số nhanh chóng thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia có dân số trẻ với tỷ lệ phụ thuộc của người già là 6,6%. Tuy nhiên, số người trên 60 tuổi sẽ tăng từ 9,1 triệu người vào năm 2015 lên tới 33 triệu người vào năm 2105. So với các nước khác, kể cả các nước phát triển và đang phát triển thì Việt Nam có tốc độ già hóa rất nhanh. 

Cụ thể là thời gian cần thiết để chuyển từ “giai đoạn đang già hóa” sang “giai đoạn đã già hóa” ở Việt Nam ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Việt Nam sẽ chỉ cần 18 năm, trong khi Pháp cần 115 năm, Mỹ cần 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc cần 26 năm. 

Dự báo 16,4 triệu người Việt Nam sẽ không có lương hưu vào năm 2030: Khuyến nghị thiết lập khoản hưu trí lấy từ nguồn thuế - Ảnh 1.

Với tình hình phát triển kinh tế xã hội như hiện nay, thì xu thế này có thể trở thành một thách thức đối với Việt Nam và chắc chắn phải cần điều chỉnh đáng kể hệ thống hưu trí, ILO nhận định.

Báo cáo cũng cho rằng, tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm đi sẽ làm gia tăng số người già cần được bảo vệ đầy đủ khi về già. Nhóm dân số trong độ tuổi lao động sẽ có nguy cơ bị “kẹt” giữa việc chăm sóc cho con cái và cha mẹ của mình, phải đối mặt với gánh nặng tài chính ngày càng tăng khi phải chăm sóc cả ba thế hệ, con cái, bản thân, và cha mẹ. Gánh nặng này trở nên trầm trọng hơn do số người trong tuổi lao động ít đi và họ có ít anh chị em hơn để cùng chia sẻ gánh nặng.

Dự báo 16,4 triệu người Việt Nam sẽ không có lương hưu vào năm 2030: Khuyến nghị thiết lập khoản hưu trí lấy từ nguồn thuế - Ảnh 2.

Ảnh: Manan Vatsyayana/AFP

Theo báo cáo Đánh giá tác động của chính sách Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2021, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực tiễn thực hiện Luật bảo hiểm xã hội cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân; hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác nên diện bao phủ còn thấp. Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.

BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Mặt khác, số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm. Trong giai đoạn 2012 - 2020, mỗi năm bình quân có khoảng 700 nghìn người hưởng BHXH một lần dẫn đến số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ là gần 600 nghìn người; tức là cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

Dự báo 16,4 triệu người Việt Nam sẽ không có lương hưu vào năm 2030: Khuyến nghị thiết lập khoản hưu trí lấy từ nguồn thuế - Ảnh 3.

Theo ILO, việc mở rộng các cơ chế hưu trí tài trợ từ nguồn thuế là chìa khóa cho việc thu hẹp khoảng trống bao phủ. Nếu không mở rộng đáng kể các cơ chế lấy từ nguồn thuế thì trong số 20,7 triệu người trên tuổi về hưu theo luật vào năm 2030, có 16,4 triệu người - hay 79% người cao tuổi có nguy cơ không có khoản trợ cấp nào. 

Ngay cả khi gia tăng số người đóng bảo hiểm, thì cũng cần ít nhất vài chục năm mới có thay đổi đáng kể số người hưởng lợi được hưởng hưu trí có đóng góp. Cho tới lúc đó, theo ILO, giải pháp duy nhất để mở rộng diện bao phủ hiệu quả trong bối cảnh này là xây dựng một hệ thống hưu trí rộng khắp lấy từ nguồn thuế, tích hợp vào hệ thống hưu trí đa tầng.

Theo ILO, nhận thức được những thách thức về diện bao phủ hiện nay trong hệ thống, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu từng bước thu hẹp khoảng trống bao phủ bằng cách kết hợp hai yếu tố đóng góp và không đóng góp trong cùng một hệ thống bảo trợ xã hội đa tầng, và bằng cách cụ thể là xây dựng một cơ chế theo nguyên tắc thẩm tra hưu trí nhằm bao phủ cho toàn bộ người cao tuổi hiện không được nhận lương hưu từ hệ thống có đóng góp. 

Nhiều quốc gia đã theo đuổi cách tiếp cận mở rộng bao phủ dựa vào một hệ thống hưu trí đa tầng thường bao gồm một hợp phần lương hưu cào bằng lấy từ nguồn thuế, một hợp phần hưu trí bắt buộc đóng góp theo thu nhập và một hợp phần hưu trí bổ sung. 

Dự báo 16,4 triệu người Việt Nam sẽ không có lương hưu vào năm 2030: Khuyến nghị thiết lập khoản hưu trí lấy từ nguồn thuế - Ảnh 4.

Ảnh: Nhac Nguyen/AFP

Tầng 1 của hệ thống thường bao gồm một hợp phần do Chính phủ hỗ trợ từ các nguồn thu công để đảm bảo an sinh tuổi già cơ bản cho mọi người. Cách tiếp cận này đã chứng tỏ là một trong những cách hiệu quả nhất nhằm mở rộng bao phủ trong ngắn hạn và trung hạn, kể cả cả những người không tích lũy đủ số năm đóng góp hoặc những người không có đóng góp gì. 

Tầng 2 là một cơ chế cố định mức hưởng (DB) lấy nguồn tài chính từ cơ sở tọa thu tọa chi hoặc tài trợ một phần, tương tự như hệ thống hiện nay của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Cuối cùng, Tầng 3 thường là hợp phần hưu trí bổ sung, cố định mức đóng (DC) để cho phép người dân có thể hưởng mức hưu trí cao hơn.

Từ đó, báo cáo đưa ra các khuyến nghị như sau:

Thiết lập một hệ thống đa tầng tích hợp: Việt Nam cần phải thiết lập một hệ thống hưu trí hiệu quả ngay hôm nay nhằm giảm gánh nặng cho các thế hệ tương lai. 

Thiết lập một hợp phần hưu trí hiệu quả lấy từ nguồn thuế (ví dụ, Tầng 1) được tích hợp vào hệ thống đa tầng: Các khoản hưu trí được lấy từ nguồn thuế là cách duy nhất, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại, để chi trả cho rất nhiều người đang làm làm những công việc phi chính thức và không có khả năng đóng góp khi còn đi làm. Tầng bảo hiểm xã hội sẽ không thể bao phủ cho phần lớn dân số trong tương lai có thể thấy trước được do nền kinh tế phi chính thức quá lớn.

Khuyến khích những người có khả năng tham gia tầng 2: Điều này đòi hỏi việc giảm các điều kiện hưởng và đưa ra các mức lương hưu tối thiểu khác nhau nhằm tăng ưu đãi cho những người có đóng góp vào hệ thống. Các phương án khác như cung cấp khoản trợ cấp trẻ em cào bằng trong hệ thống đóng góp cũng có thể giúp khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội. 

Quan tâm tới bình đẳng giới trong xây dựng chính sách: Phụ nữ thường có khả năng thiếu an sinh tuổi già hơn so với nam giới. Họ nhận mức lương hưu không đủ sống do thời gian đóng ngắn hơn và thu nhập thấp hơn. Vì phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới, nên cần có cơ chế an sinh để đảm bảo thu nhập tuổi già. 

Từng bước triển khai cải cách: Một điều quan trọng là các thay đổi hệ thống an sinh xã hội cần phải được triển khai từng bước và có tuyên truyền hiệu quả tới công chúng để họ có thể chuẩn bị cho các thay đổi này. Mặc dù tầng thứ nhất là cần thiết để đảm bảo mức an sinh xã hội cơ bản tối thiểu, chính phủ cũng nên có nỗ lực để thúc đẩy chính thức hóa nền kinh tế nhằm mở rộng cơ sở đóng góp. 

Tích hợp các cách tiếp cận ở cấp độ chính sách và thực thi: Sự gắn kết về mặt chính sách và kết nối giữa các tầng chính là bí quyết thành công. 

Đối thoại cấp quốc gia: Sau khi có quyết định về thiết kế hệ thống, chính phủ cần xem xét các chi tiết thiết kế, bao gồm giá trị trợ cấp và phạm vi mở rộng, thông qua đối thoại cấp quốc gia với các đối tác xã hội.

https://cafef.vn/phia-sau-du-bao-164-trieu-nguoi-viet-nam-se-khong-co-luong-huu-vao-nam-2030-khuyen-nghi-thiet-lap-khoan-huu-tri-lay-tu-nguon-thue-20220226174446136.chn

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên