Phó Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên
Ông Trần Thanh Tân cho rằng sinh viên nên định hướng sau ra trường, tới 30-40 tuổi mình sẽ làm gì, ước mơ có thể đạt được những gì.
Trong tọa đàm "Từ thất bại tới thành công" diễn ra ngày 6/1 với gần 500 sinh viên tại đại học Kinh Tế Tài Chính TP.HCM (UEF), ông Trần Thanh Tân - Phó Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) đã chia sẻ kinh nghiệm, thành công và cả những thất bại của chính mình. Đồng thời, ông đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích, định hướng nghề nghiệp tới lớp trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên.
Sẵn sàng đón nhận thất bại để thành công
Theo ông Tân, các bạn trẻ hiện nay (hay còn gọi thế hệ Gen Z) không có nhiều thuận lợi hơn thế hệ của ông cách đây 30 năm. Trước tiên là do hoàn cảnh khách quan, dịch bệnh Covid-19 căng thẳng khiến cơ hội việc làm cũng thấp đi.
Hơn nữa, xã hội phát triển không ngừng, các bạn trẻ đang ở trong tình trạng "có tất cả", phải cạnh tranh với rất nhiều người giỏi, trình độ cao với nhiều bằng cấp quốc tế....
"Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa thế hệ Gen Z không có cơ hội. Bởi trong bất kỳ khoảnh khắc nào, chúng ta cũng có thể tìm kiếm được cơ hội mới và lớn hơn, nếu như bạn sống nhiệt tình và cố gắng hết mình", ông Tân nói.
Do vậy, để tồn tại trong một điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt, các bạn sinh viên cần phải năng động hơn, biết quan sát, tìm hiểu và có thể làm tất cả để thích ứng trong xu hướng mới như công nghệ thông tin, tiền kỹ thuật số, metaverse... Quan trọng hơn cả, giới trẻ nên sẵn sàng chấp nhận thất bại để có được những bài học đưa tới thành công.
"Thành công chỉ có thể đến khi chúng ta đã thất bại. Nếu như chúng ta thành công quá dễ dàng, chưa từng vấp ngã thì ý nghĩa thành công không nhiều. Giống như chỉ khi có ban đêm, chúng ta mới cảm nhận được ánh mặt trời ban ngày đẹp như thế nào", ông Tân khẳng định.
Ông Tân cho biết, năm 1994, cùng ông Dominic Scriven và các cộng sự khác thành lập Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), với số vốn ban đầu là 30.000 USD. Đến nay tổng tài sản mà DCVFM đang quản lý đạt gần 7 tỷ USD (tại ngày 31/12/2021), và ẩn chứa đằng sau những con số thành công trên là cả một quá trình, từ thất bại đến thành công, từ thất vọng đến hy vọng.
"Tấm huy chương nào cũng có 2 mặt. Những gì chúng ta thấy được chỉ là mặt lấp lánh của nó, còn mặt xù xì đằng sau đó là rất nhiều nỗ lực, cố gắng, đau khổ mà không phải ai cũng biết", ông Tân chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Tân, một khách mời khác của chương trình là bà Dương Vân Anh - Trưởng phòng Nhân sự kiêm phụ trách Kế toán Công ty Dầu khí SOCO Exploration Vietnam, cho rằng, thất bại chính là một phần của thành công. Như chủ đề của chương trình "Từ thất bại đến thành công", thực tế cuộc sống trước khi có thành công, đa số phải trải qua tới 95% là thất bại, vấp ngã. Ngay cả khi lên đến đỉnh cao cũng sẽ có thể gặp thất bại. Hãy coi thất bại là yếu tố tất yếu và bình thản đón nhận, nếu biết rút ra bài học và vượt qua được, thành công sẽ còn lớn hơn.
Xây dựng ước mơ với tính kỷ luật cao
Từng trải qua quãng thời gian vừa học vừa làm vất vả, ông Tân rất thấu hiểu tâm tư và hoàn cảnh của các bạn sinh viên - những người luôn giàu ước mơ và hoài bão. Vì vậy, ông Tân khuyên các bạn sinh viên hãy cứ ước mơ, miễn ước mơ đó là đúng đắn và chân chính, là cả điều mà cả đời mình muốn hướng tới.
Theo đó, sinh viên đang ngồi trên giảng đường, hoặc các bạn đã và sắp tốt nghiệp nên định hướng sau ra trường sẽ khởi nghiệp thế nào, tới 30 tuổi mình sẽ làm gì, đến năm 40 tuổi mình sẽ làm gì, ước mơ có thể đạt được những gì.
Xây dựng một ước mơ để theo đuổi, các bạn sinh viên sẽ xác định được một vị trí, một mục tiêu trong cuộc đời mình. Và để ước mơ thành sự thật, các bạn sinh viên phải nỗ lực và có tính kỷ luật. Nếu một người thật sự có tính kỷ luật trong cuộc sống, tập trung vào mục tiêu đã đặt ra thì sẽ vượt qua được mọi thất bại để thành công.
"Để biến ước mơ thành sự thật, chúng ta phải biết được những tố chất cần phải có là gì, phải xây dựng được tính kỷ luật và nỗ lực không ngừng khi học tập và làm việc. Chúng ta không cần những kỹ năng đối phó trong công việc, trong quan hệ đồng nghiệp, quan hệ giữa nhân viên và sếp", ông Tân cho hay.
Tiếp ý ông Tân, bà Vân Anh khẳng định, ước mơ thoát nghèo hay làm giàu, đảm bảo được cuộc sống cho mình và người thân là động lực để đi tới thành công. "Cuộc đời con người không phải là một đường thẳng. Đó là con đường quanh co, có khi gập ghềnh theo đồ thị hình Sin. Vì vậy, dám ước mơ, vô tư đón nhận và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, thất bại bằng tinh thần kỷ luật sẽ giúp người ta có nhiều lựa chọn hơn dẫn đến thành công", bà Vân Anh nói.
Cuối cùng, ông Tân chia sẻ những kinh nghiệm giúp các bạn sinh viên phỏng vấn xin việc thành công. Đó là trang bị cho mình một cách chắc chắn những kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, để giúp cho bản thân có được sự nổi trội so với các ứng viên khác trong mắt nhà tuyển dụng.
Ông Tân cho rằng, không cần thể hiện cái tôi quá lớn, các bạn sinh viên hãy chứng tỏ mình là người phù hợp, xứng đáng được nhà tuyển dụng lựa chọn bằng kiến thức, sự năng động, nhanh nhẹn biến ứng và khả năng xoay chuyển tình thế.