Phó Chủ tịch Hội Điện lực VN: Tính giá điện lũy tiến 6 bậc thang là nguyên nhân tiền điện tăng cao
Theo GS Long, ngoài nắng nóng, dùng nhiều thiết bị làm mát thì một nguyên nhân quan trọng khác làm tiền điện của người dân tăng cao là do việc tính giá điện lũy tiến 6 bậc thang.
- 23-06-2020EVN sẽ phúc tra các khách hàng có hoá đơn tiền điện tăng đột biến
- 22-06-2020Thủ tướng yêu cầu EVN làm rõ thông tin hoá đơn tiền điện cao bất thường
- 20-06-2020EVN: Nắng nóng kéo dài khiến 1 triệu hộ dùng điện cao gấp rưỡi tháng trước
Thời tiết nắng nóng chỉ là 1 trong những nguyên nhân tăng giá điện
Theo lý giải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài ở Hà Nội và nhiều địa phương ở Bắc, Trung Bộ nên dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.
EVN cũng cho rằng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tiền điện tăng.
Trao đổi với PV, GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cho hay, lý giải của EVN chính xác, nhưng đây chỉ là 1 trong những nguyên nhân giá điện tăng.
GS Long nói, do thời tiết nắng nóng gay gắt trong thời gian qua nên rất nhiều nhà sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, cũng như các thiết bị làm mát khác.
"Các máy điều hòa thường có công suất lớn và vì thời tiết nắng nóng, thậm chí đặc biệt gay gắt dẫn đến phải làm việc liên tục nhiều giờ, nên lượng điện tiêu thụ của các gia đình sử dụng sẽ tăng lên nhiều so với những ngày bình thường. Đó là điều dễ hiểu", GS Long nói.
Ông cho biết thêm, chính gia đình nhà ông, vào các tháng mùa hè do việc sử dụng điều hòa, các thiết bị làm mát nhiều nên tiền điện phải trả thường tăng gấp đôi so với các tháng bình thường.
"Việc chúng ta kêu thì cứ kêu nhưng thực tế vẫn diễn ra như vậy", GS Long bày tỏ.
Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng chỉ rõ, ngoài nguyên nhân nắng nóng, dùng nhiều thiết bị làm mát thì một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tiền điện của người dân tăng cao là do việc tính giá điện lũy tiến 6 bậc thang.
Ông nêu, hiện nay, việc tính giá điện bậc thang không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng.
GS Trần Đình Long.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng thời gian tới, khi thị trường điện lực phát triển, áp dụng thành công thị trường bán lẻ điện theo hướng cạnh tranh, thì việc áp dụng biểu giá điện bậc thang sẽ bộc lộ nhiều bất cập.
Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh), trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, thì sự khác biệt không có nhiều.
Số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không lớn. Nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh.
"Những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, khách hàng sử dụng nhiều phương tiện làm mát như điều hoà, máy lạnh, quạt, dẫn đến lượng điện năng sử dụng lớn.
Lượng điện năng sử dụng lớn thì sẽ từ bậc thang thấp nhảy lên bậc thang cao, như vậy giá điện sẽ tăng lên rất cao", ông Long chỉ rõ.
Trước câu hỏi, với những bức xúc của dư luận về giá điện trong thời gian qua thì có nên tiếp tục tồn tại biểu giá điện bậc thang không, GS Long cho rằng, hiện nay vẫn rất cần biểu giá điện này. Bởi khả năng sản xuất điện của Việt Nam còn hạn chế và chưa kể tình trạng thiếu điện có thể còn xảy ra trong một vài năm tới. Do vậy, việc hạn chế mức sử dụng điện ở mỗi hộ tiêu thụ là cần thiết.
Ông nói thêm, việc tính giá điện theo bậc thang với mục đích giúp người dân hạn chế sử dụng điện quá mức – vừa ảnh hưởng đến "túi tiền" người sử dụng vừa lãng phí tài nguyên. Bên cạnh đó, nếu chúng ta sử dụng càng nhiều điện thì vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu càng nặng nề hơn.
"Đối với biểu giá điện bậc thang hàng năm vẫn được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp và Bộ Công Thương đang kiến nghị sử dụng 5 bậc thay cho 6 bậc như hiện nay. Ngoài ra, tiến tới khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được xây dựng hoàn chỉnh thì giá điện sẽ chỉ còn một bậc.
Tương lai này không xa lắm, bởi theo phê duyệt của Thủ tướng thì từ 2022 sẽ bắt đầu và 2024 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh", GS Long thông tin.
Còn theo một chuyên gia trong lĩnh vực điện lạnh, trong thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng, số tiện tăng, dẫn đến việc giá điện cao.
Trong đó, thiết bị hiện đang tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong hộ gia đình là điều hoà nhiệt độ. Theo tính toán, với điều hoà công suất 800-850 W, 1 ngày có thể tiêu thụ 20,4 kWh, như vậy 1 tháng, số tiền hộ gia đình phải trả lên tới hơn 1,5 triệu đồng.
Thậm chí, nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng giảm 1 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5-3%.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng không nhận được phản ánh
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, dự kiến từ ngày mai (25/6), Hội sẽ tham gia đoàn của EVN cùng các đơn vị chức năng đi kiểm tra liên quan đến việc tăng giá điện gây bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây.
Theo ông Hùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam không nhận được các ý kiến khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến giá điện tăng đột biến.
Lý giải về việc này, ông Hùng cho rằng, các công ty điện lực hiện nay đều có trung tâm chăm sóc khách hàng nên nhu cầu của người tiêu dùng đến Hội giảm đi.
"Trước đây, người tiêu dùng đến Hội khiếu nại rất nhiều, nhưng từ khi các đơn vị có Trung tâm chăm sóc khách hàng với bộ máy chuyên nghiệp thì ít đi.
Việc giá điện tăng đột biến đối với một số hộ dân thời gian qua là có thật và phía EVN cũng đã công bố nên giờ phải tiến hành kiểm tra, làm rõ xem nguyên nhân vì đâu. Nếu phát hiện sai sót thì đơn vị làm sai phải sửa, chịu trách nhiệm, nếu không cũng phải chỉ rõ ra cho người tiêu dùng hiểu, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay", ông Hùng nói.
Chủ tịch Hội người tiêu dùng Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc đi kiểm tra này không chỉ có riêng Hội mà còn các cơ quan có liên quan, thậm chí là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng là đơn vị kiểm định đồng hồ (công tơ điện).
Tổ Quốc