Phó Chủ tịch Korcham Việt Nam: Samsung khó chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam vì thiếu lao động có tay nghề
Chưa tính đến công nghệ thì số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp Hàn khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Tại Samsung, có thời điểm, kỹ sư, công nhân Hàn Quốc sang Việt Nam trung bình 2.000 người/ngày.
- 30-05-2018Nhà đầu tư Hàn Quốc bạo chi rót hơn 1 tỉ USD vào Việt Nam
- 15-05-2018Đầu tư gián tiếp từ Hàn Quốc: 3 tỷ USD là còn khiêm tốn
- 09-05-2018Chưa vội mừng khi khách Hàn Quốc tăng đột biến
Hàn Quốc trong nhiều năm qua luôn là quốc gia đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư Hàn đến Việt Nam ngày một nhiều, ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Korcham Việt Nam nói và đưa ra con số khoảng 6.000 doanh nghiệp. Tính riêng năm 2017, ông Kim thống kê là có hơn 1.000 doanh nghiệp.
"Câu hỏi đặt ra ở đây là Việt Nam có đủ sức để tiếp nhận số lượng doanh nghiệp như vậy không?", ông Kim nêu vấn đề. Khả năng tiếp nhận ở đây được vị Phó Chủ tịch đặt ra là nguồn lao động mà chưa bàn đến công nghệ.
"Dù có nhiều trung tâm nghiên cứu nhưng chúng tôi vẫn phải đưa người Hàn sang Việt Nam làm việc", ông Kim chia sẻ.
Lấy ví dụ ở Samsung, Phó Chủ tịch Korcham cho biết Tập đoàn này có 170.000 nghìn lao động, trong đó 30.000 người là kỹ sư. "Samsung luôn mong muốn tuyển dụng thêm kỹ sư người Việt trình độ cao để không phải đưa người từ Hàn sang", ông nói.
Lý do là bởi chi phí rất cao. Để tuyển một người từ Hàn sang làm việc, ước tính doanh nghiệp phải chi trả 40.000 USD. Ở Samsung, theo ông Kim có thời điểm trung bình lượng lao động di chuyển từ Hàn sang Việt Nam là 2.000 người. Đến nay lượng lao động này đã giảm xuống còn 1.000 người nhưng vẫn là con số rất cao.
Việc thiếu hụt lao động chất lượng cao là một nguyên nhân cản trở rất lớn đối với quá trình chuyển giao công nghệ vốn được quốc gia tiếp nhận FDI kỳ vọng.
"Việc chuyển giao sẽ không nhanh chóng được đâu", ông Kim nói và cho biết kỹ năng và công nghệ là hai thứ khác nhau. Theo đó, người lao động phải có kỹ năng trước mới học được công nghệ.
Vẫn tiếp tục lấy ví dụ ở Samsung, đơn vị đóng góp hơn 20% vào kim ngạch xuất khẩu tại Việt Nam, ông Kim nói rằng dù muốn chuyển giao công nghệ bán dẫn cho các doanh nghiệp bản địa nhưng Samsung rất khó làm được vì thiếu hụt người lao động có tay nghề. Do vậy, doanh nghiệp FDI đành phải đi từng bước một.
Thiếu hụt lao động trong các ngành sản xuất cũng đến từ nghịch lý được Korcham khảo sát khi 20 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam có rất ít các trường đào tạo về công nghệ.
Phó Chủ tịch Korcham cho biết Chính phủ hai nước trong năm 2017 đã có thoả thuận xây dựng Viện Khoa học Công nghệ Việt – Hàn với khoản tài trợ hơn 20 triệu USD đến từ Hàn Quốc. Không dấu kỳ vọng, ông Kim bày tỏ hi vọng sớm có một thế hệ kỹ sư trẻ người Việt trưởng được tạo lập từ đây, bổ sung cho thị trường lao động vốn đang rất thiếu hụt.