MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp: Thị trường thanh toán 2020 không còn “cửa” cho startup, mà dành cho những tay chơi lớn với hệ sinh thái riêng

11-02-2020 - 17:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau việc đầu tư vào MV "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh trong phim Mắt Biếc, MoMo tiếp tục ra Game "Lắc Xì" với tổng giải thưởng lên tới 200 tỷ đồng, nhưng đồng sáng lập Nguyễn Bá Diệp cho rằng MoMo không đốt tiền. "Khái niệm ‘đốt tiền’ chỉ áp dụng cho những công ty khởi nghiệp. Hiện MoMo đã qua giai đoạn này", ông Diệp nói.

"MoMo không còn là một Startup", ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo khẳng định.

Trong cuộc trò chuyện với Trí thức trẻ, đồng sáng lập Ví MoMo rất thẳng thắn về câu chuyện "đốt tiền" cũng như đưa ra bức tranh về thị trường thanh toán trong năm 2020.

* Sau khi xuất hiện khá nhiều trong MV "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh - OTS phim Mắt Biếc, MoMo lại tiếp tục ra game Lắc Xì. Hai lần xuất hiện này, MoMo đã "đốt" bao nhiêu tiền?

Phó Chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp: Thị trường thanh toán 2020 không còn “cửa” cho startup, mà dành cho những tay chơi lớn với hệ sinh thái riêng - Ảnh 1.

Khái niệm ‘đốt tiền’ chỉ áp dụng cho những công ty khởi nghiệp, cần phải bằng mọi cách có khách hàng để chứng minh mô hình kinh doanh. Hiện nay, MoMo đã qua giai đoạn này. Từ năm 2019, mỗi đồng tiền chúng tôi sử dụng đều mang lại lợi nhuận cho cổ đông và lợi ích cho khách hàng.

Sự thành công của MoMo không tự nhiên mà có, đấy là kết quả của sự đặt cược vào tương lai, trong khi những người khác không dám làm.

Việc đầu tư vào MV ‘Có chàng trai viết lên cây’ của Phan Mạnh Quỳnh trong phim Mắt Biếc cũng nằm trong triết lý đấy. Trong khi rất nhiều người nghi ngờ về độ hấp dẫn của Mắt Biếc, chúng tôi đã có niềm tin và đặt cược vào sự thành công của bộ phim, trong đó có video clip của Mạnh Quỳnh. Khi chúng ta đến với nhau bằng niềm tin và sự sẻ chia về tương lai, thì chi phí rất thấp.

Phó Chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp: Thị trường thanh toán 2020 không còn “cửa” cho startup, mà dành cho những tay chơi lớn với hệ sinh thái riêng - Ảnh 2.

* Game Lắc Xì thì sao? Tổng giải thưởng tới 200 tỷ đồng thì chi phí bỏ ra cho cả chiến dịch này là bao nhiêu?

Phải nói chương trình năm nay vượt xa con số của năm trước về số người tham gia và lượt lắc, chỉ 3 tuần ra mắt chúng tôi đã có 7 triệu khách hàng tham gia với hơn 200 triệu lượt lắc.

Về chi phí thì cũng toàn là ‘cây nhà trồng được’. Trò chơi thì chúng tôi tự thực hiện, các đối tác tham gia tặng quà cho khách hàng, vì đấy là khách hàng chung của hai bên.

* Vì sao MoMo chọn game làm phương thức Marketing mà không phải các phương thức Marketing/quảng cáo khác?

Mục tiêu của "Lắc xì" là mang lại niềm vui cho khách hàng hiện hữu của MoMo trong dịp xuân về, tặng khách hàng các món quà may mắn đầu năm, chứ không phải là một chương trình quảng cáo hay marketing. Các khách hàng dùng MoMo đều thường xuyên sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nên không cần phải quảng cáo nữa, mà phải làm cho họ vui và hạnh phúc.

Chúng tôi cảm thấy rất vui, khi chương trình đã tạo ra hiệu ứng truyền thông tốt và giúp khách hàng giải trí trong dịp Tết. Đấy chính là sự thành công của Lắc Xì!

* Nhiều người cho rằng mảng thanh toán điện tử sau khi dừng đốt tiền, khách hàng có thể đổi sang ví điện tử hoặc sử dụng phương thức thanh toán khác. MoMo có lo ngại điều này không?

Việc mang tiền đi làm khuyến mại, thường chỉ những công ty mới, phục vụ cho mục tiêu thị trường ngắn hạn, vì nếu sản phẩm không tốt, lấy xong khuyến mại khách hàng sẽ đi chọn dịch vụ nào tốt thì dùng, không ai lại gắn bó với một dịch vụ lởm khởm cả.

Phó Chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp: Thị trường thanh toán 2020 không còn “cửa” cho startup, mà dành cho những tay chơi lớn với hệ sinh thái riêng - Ảnh 3.

Chúng tôi chia sẻ quan điểm với Steve Job của Apple, giá trị của sản phẩm là cốt lõi, để sản phẩm lên tiếng với khách hàng, còn nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng phục vụ khách hàng chu đáo nhất, và khách hàng hài lòng sẽ là những đại sứ bằng xương bằng thịt cho sản phẩm MoMo. Đây là những thứ mà tiền không mua được, và có đốt bao nhiêu cũng không có được.

* Ông nhìn nhận thế nào về dịch virus Corona hiện tại? Corona có phải cơ hội cho các lĩnh vực online, đặc biệt là thanh toán điện tử?

Hiện nay, dịch Corona đang hoành hành trên cả thế giới. Khi có dịch thì điều đầu tiên người dân sẽ thấy được là giao dịch điện tử là một phương thức phòng dịch phù hợp. Thay vì phải rồng rắn xếp hàng, đến những nơi công cộng thì chúng ta nên giao dịch điện tử để tăng độ an toàn. Có thể thấy ngay các dịch vụ công trực tuyến, thông tin điện tử, các dịch vụ giải trí trực tuyến (phim, truyền hình, âm nhạc...), mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử sẽ được ưu tiên sử dụng trong những dịp này.

* 2019, rất nhiều Fintech trong mảng thanh toán của Việt Nam gọi được vốn đến vài trăm triệu USD. Ông nhận định thị trường thanh toán điện tử sẽ ra sao trong năm 2020?

Một điều rất đáng mừng cho Fintech là có nhiều công ty nhận đầu tư lớn để phát triển thị trường. Theo tôi, năm 2020 thị trường thanh toán sẽ không có chỗ cho các công ty khởi nghiệp, mà dành cho những tay chơi lớn với hệ sinh thái riêng.

Sự khác biệt lớn nhất của thị trường Việt Nam là không có ai thống trị toàn bộ hệ sinh thái, mà mỗi đơn vị mạnh ở một ngách thị trường khác nhau. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm phát triển sâu về dịch vụ, thay vì phát triển theo chiều rộng như các năm trước. Việc này hứa hẹn khách hàng sẽ được phục vụ ngày một tốt hơn và có nhiều sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của mình.

Năm 2019, hai thương vụ gọi vốn thành công nổi bật trong mảng thanh toán số là MoMo và VNPay.

MoMo gọi vốn thành công một khoản đầu tư Series C từ quỹ đầu tư Warburg Pincus (Mỹ). Đây là vòng gọi vốn đầu tư lần thứ 3 của MoMo, sau dòng vốn 28 triệu USD từ hai đối tác ngoại (Goldman Sachs 3 triệu USD và Standard Chartered Private Equity 25 triệu USD).

Mặc dù các điều khoản về tài chính của vòng gọi vốn không được công bố, nhưng tại thị trường Việt Nam, Warburg Pincus có 4 khoản đầu tư bao gồm Vincom Retail, Lodgis, Techcombank, BW Industrial Development JSC và không có khoản đầu tư nào quỹ này rót vốn dưới 100 triệu USD.

GIC và Softbank Vision Fund hoàn thành đầu tư vào tập đoàn VNLIFE, đơn vị sở hữu VNPay. Số tiền đầu tư không được tiết lộ. Theo Deal Street Asia, con số đầu tư có thể ở mức 300 triệu USD.


Theo Bảo Bảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên