MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Cục trưởng Cục hàng không: Hệ thống pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của ngành, nhất là cơ chế quản lý đất đai

09-01-2020 - 08:44 AM | Doanh nghiệp

Hiện, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mảng đầu tư hạ tầng hàng không, và thị trường chỉ chờ dọn dẹp các cơ chế pháp lý để vào đầu tư.

Năm 2019 có thể xem là năm đánh dấu sự thay đổi đáng kể của ngành hàng không với sự tham gia của hãng hàng không thứ 5 - Bamboo Airways. Song song, nhiều tân binh mới như Vietravel Airlines, Vinpearl Air, Thiên Minh Airlines cũng đang xúc tiến các thủ tục xin cấp phép. Điều này vô hình chung gây áp lực lên các hãng hiện hữu trong bối cảnh ‘chật chội’ của toàn ngành.

Riêng Bamboo Airways, áp dụng chính sách giá vé hấp dẫn kết hợp với các dịch vụ của các hãng hàng không truyền thống (phục vụ suất ăn hàng không, miễn phí hành ý ký gửi) là lợi thế cạnh tranh của hãng. Đi cùng việc nhanh chóng mở rộng đội bay và tập trung khai thác các đường bay nội địa có nhu cầu lớn (SGN-HAN hay SGN-DAD), Bamboo Airways đã có được gần 6% thị phần sau năm đầu tiên hoạt động.

Theo giới phân tích, Bamboo Airways sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng đội bay, quy mô đội bay có thể tăng lên tới 30-35 chiếc trong năm 2020 (tăng 40-50% so với thời điểm cuối năm 2019). Sau khi nhận thêm máy bay mới, Bamboo Airways sẽ kết hợp triển khai mở mới đường bay quốc tế bên cạnh việc củng cố thêm thị phần nội địa của mình.

Nhìn chung, áp lực cạnh tranh của thị trường vận tải hàng không sẽ ngày càng gay gắt trong năm 2020. Chia sẻ tại diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: Cơ hội tăng tốc & bứt phá mới đây, ông Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm: "Với hàng không, tôi nghĩ bài toán chiến lược phải nhìn rộng hơn nữa. Số lượng công ty kinh doanh dịch vụ hàng không sắp tới là 8, nhiều quá cũng khó nhưng ít quá cũng khó, vậy 8 là nhiều hay ít? Có một số lĩnh vực dịch vụ quan trọng, cạnh tranh phải là số lượng hữu hạn. Nhưng hữu hạn là bao nhiêu thì là cả một câu chuyện".

Phó Cục trưởng Cục hàng không: Hệ thống pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của ngành, nhất là cơ chế quản lý đất đai - Ảnh 1.

Trong đó, mặc dù vẫn được đánh giá là một trong những thị trường hàng không hấp dẫn nhất thế giới (tốc độ tăng trường bình quân 2017-2040 dự ở mức 7,8%/năm), ngành hàng không nước ta đang đối mặt với áp lực về sự tăng trưởng chậm lại, đặc biệt dòng khách nước ngoài, đặn biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng chưa kịp đáp ứng.

Nút thắt hạ tầng hàng không sẽ là lực cản trong ngắn hạn của thị trường

Nhìn lại năm 2019, tốc độ tăng trưởng của lưu lượng hành khách hàng không ước tính duy trì ở mức 10%. Trong đó sản lượng hành khách quốc tế chậm lại (thấp hơn mức 21% của 2018) do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm trong lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu 2019.

Ngược lại, tăng trưởng của sản lượng hành khách nội địa lại có sự cải thiện, tăng tốc từ 5% trong năm ngoái lên 10%. Tăng trưởng này nhiều khả năng được thúc đẩy bởi lượng ghế cung ứng mới từ Bamboo Airways, người chơi mới trên thị trường hàng không, giới quan sát cho hay.

Phó Cục trưởng Cục hàng không: Hệ thống pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của ngành, nhất là cơ chế quản lý đất đai - Ảnh 2.

Bước sang năm 2020, thị trường hàng không kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, mặc dù có thể sẽ thấp hơn so với năm 2019 do chịu ảnh hưởng từ sự quá tải của một số sân bay chính, Chứng khoán Rồng Việt cho hay.

Trên thực tế, thị trường hàng không Việt Nam được hỗ trợ bởi yếu tố thuận lợi như (1) sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, (2) sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, và (3) triển vọng khả quan của lưu lượng hành khách hàng không quốc tế nhờ nỗ lực phát triển du lịch của Chính phủ.

Tuy nhiên, nút thắt hạ tầng hàng không sẽ là lực cản trong ngắn hạn của thị trường. Ghi nhận tốc độ mở rộng công suất của các cơ sở hạ tầng hàng không chưa tương xứng với mới mức tăng trưởng cao của thị trường đã dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều sân bay, đặc biệt là các sân bay lớn.

Ngoài việc nhà ga hành khách hàng tại các sân bay này đang phải hoạt động vượt quá công suất thiết kế, quỹ lượt cất hạ cánh mỗi giờ (slot bay) khả dụng tại đây cũng là một điểm hạn chế. Cụ thể, tại Tân Sơn Nhất, sân bay lớn nhất chiếm khoảng 40% lưu lượng hành khách hàng không cả nước, các hãng hàng không đã sử dụng hết các slot bay tại các khung giờ trong ngày trong kì bay mùa đông 2019/2020. Đây sẽ là rào cản ngắn hạn đối với các hãng hàng không trong việc tăng tần suất các chuyến bay tại đây.

Ngoài ra, các đường cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều khả năng những đường bằng này sẽ phải đóng cửa để phục vụ bảo dưỡng trong năm 2020, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của ngành.

"Chúng ta hiện rất vướng trong cơ chế về đầu tư"

Chia sẻ về trăn trở trên, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam - nói: "Trong lĩnh vực hàng không, hệ thống cơ chế pháp luật của chúng ta chưa theo kịp sự phát triển, nhất là liên quan đến cơ chế quản lý đất đai. Chúng ta hiện rất vướng trong cơ chế về đầu tư. Muốn đầu tư thì phải đấu giá đất, mà đất giá quá cao thì nhà đầu tư không vào mà đất giá thấp thì ngày nào đó lại thanh tra kiểm tra rất khó khăn".

Đồng quan điểm, đại diện Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - Asean, ông Vũ Tú Thành phân trần: "Về dịch vụ công ích trong hàng không, khi cổ phần hóa ACV lại không giao cho đơn vị nào của nhà nước, nên tạo khoảng trống. Chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ phải giao sớm cho một đơn vị nào đó khai thác. Sân bay Long Thành cũng đã có chủ trương giao cho tư nhân một cách công khai, minh bạch. Dù vậy, hiện nay chúng ta vẫn vướng nhiều thứ nên chưa dám quyết".

Hiện, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mảng đầu tư hạ tầng hàng không, và thị trường chỉ chờ dọn dẹp các cơ chế pháp lý để vào đầu tư.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên