MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: "Tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi"

17-07-2021 - 16:30 PM | Bất động sản

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: "Tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi"

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thị trường bất động sản vẫn còn nhiều bất cập và vướng mắc điển hình như tính minh bạch chưa cao, xuất hiện rủi ro đến từ dự án chưa có tính pháp lý,...

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Tại Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã có nhận định, đánh giá về bức tranh chung của thị trường địa ốc hiện tại.

Theo ông Khởi, bất động sản xây dựng là ngành cấp I, có thể nói là tương đương với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Đóng góp của xây dựng bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11%, trong đó bất động sản đóng góp khoảng 4,5 % GDP và xây dựng khoảng gần 6%,...

 Như vậy, hoạt động bất động sản luôn luôn có một vai trò hết sức quan trọng, doanh thu của bất động sản chiếm khoảng hơn 2% và lợi nhuận chiếm khoảng 7% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tới 35 % ngành nghề lĩnh vực của nền kinh tế.

Vì vai trò quan trọng của lĩnh vực bất động sản, nên năm 2020, Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm, có những cơ chế tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Một số chính sách đã thúc đẩy cho thị trường trong năm 2020 như Luật Đầu tư sửa đổi và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã thông qua. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành một loạt Nghị định tác động trực tiếp đến thị trường.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và ngày 15/7, Thủ tướng đã ký Nghị định số 69 về cải tạo chung cư cũ. Theo ông Khởi, đây là một trong những bước tháo gỡ bên cạnh việc góp phần cải tạo chỉnh trang các khu chung cư cũ trên địa bàn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: Tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, các chính sách ban hành đã giải quyết được nhiều vấn đề điển hình như, từng bước tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như trong thị trường bất động sản như: chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, các hoạt động thẩm định thiết kế, thẩm định dự án đã tháo gỡ. Bên cạnh đó, các quy định cũng đơn giản hơn thủ tục hành chính đơn giản hơn và rút gọn hơn.

Những bất cập trên thị trường bất động sản

Dù đánh giá cao sự tác động, tháo gỡ của các chính sách đối với thị trường bất động sản, ông Khởi thẳng thắn thừa nhận trong thời gian vừa qua vẫn còn một số tồn tại, thực tế cần tiếp tục bàn bạc, nghiên cứu. Điển hình như, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn những quy định cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để hỗ trợ thị trường.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản vẫn còn chưa phù hợp với nguồn cung trong thị trường thời gian qua. Ví dụ như chung cư cao cấp trở nên nhiều hơn nhưng bất động sản trung bình, giá rẻ phục vụ cho đại đa số tầng lớp có nhu cầu thì chưa phát triển. Giá bất động sản đã thiết lập trên một mặt bằng mới mặc dù có đại dịch Covid-19 xảy ra.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, một số tình trạng các dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý vẫn tung ra thị trường, gây ra các rủi ro, các hoạt động kinh doanh không bình thường cho thị trường hoặc có biểu hiện lừa đảo trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Về tính minh bạch của thị trường, mặc dù đã có tháo gỡ, yêu cầu cung cấp công khai minh bạch thông tin, tuy nhiên tính minh bạch từ các hoạt động đầu tư tạo lập, đến các giao dịch mua bán vẫn còn có những cái cần phải tiếp tục nghiên cứu, để quy định chặt chẽ bảo đảm công khai hơn, kịp thời, chính xác hơn.

Đáng chú ý là tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi, nhất là các đô thị lớn, các khu vực có chủ trương tách nhập, nâng cấp, xuất hiện các tình trạng thổi giá cục bộ. Trong khi đó,  giao dịch bất động sản ở thị trường sơ cấp vẫn khó kiểm soát, có những rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động, đặc biệt là nguồn cung cấp ra thị trường thông qua các đơn vị môi giới, các sàn giao dịch bất động sản.

Một bất cập khác đó là về nguồn lực tài chính. Dù đã có quy định yêu cầu cung cấp tín dụng, các vấn đề cơ chế tài chính. Tuy nhiên cần nghiên cứu tiếp một số vấn đề để đảm tránh thị trường đi vào bong bóng bất động sản.

Ông Khởi cho rằng, đây là những vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước khi xuất hiện những diễn biến về đại dịch, những biến động mới trong phát triển kinh tế của đất nước.

Ông Khởi nhận định: "Giai đoạn 2021-2025  là một nhiệm kỳ mới của đất nước, của Quốc hội và các cấp chính quyền. Vậy chắc chắn những chính sách, quyết sách mới sẽ có và những chính sách này ít nhiều sẽ tác động đến thị trường bất động sản, vấn đề là thời gian, thời điểm và mức độ tác động như thế nào".

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ có một loạt những chính sách mới ban hành. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành những nghị định liên quan đến kinh doanh bất động sản. 

"Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi trình Chính phủ vào quý III- quý IV/2021 để Chính phủ ban hành những quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản. Tới đây, các doanh nghiệp cũng hãy tham gia đóng góp ý kiến tích cực để chúng tôi có cơ sở báo cáo Chính phủ"- ông Khởi nói. 

Nguyễn Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên