MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại Thương: "Nhà trường không buồn vì đứng thứ 23, quan trọng là nhìn nhận của xã hội"

08-09-2017 - 08:32 AM | Xã hội

Chỉ xếp thứ 23/49 các trường ĐH top tại Việt Nam trong BXH vừa được công bố, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết: “Đây chỉ là quan điểm cá nhân của nhóm chuyên gia, mang tính chất tham khảo, quan trọng là nhìn nhận của xã hội về trường”.

Chiều 6/9, nhóm 6 chuyên gia đến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam năm học 2016-2017. Bảng xếp hạng này gồm 49 trên tổng số 100 trường được thực hiện thu thập thông tin và đưa lại kết quả khá bất ngờ: ĐH Ngoại thương đứng thứ 23, sau Đại học Vinh khi trường này xếp thứ 21.

Bảng xếp hạng 49/100 trường đại học ở Việt Nam

Bảng xếp hạng được thực hiện trong gần 3 năm mà theo nhóm tác giả là không có tài trợ, khách quan và không liên quan tới lợi ích nhóm.

Nhóm chuyên gia chỉ áp dụng 3 tiêu chí nên kết quả chỉ mang tính chất tham khảo

Trước vấn đề trên, ngày 7/9, trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho biết bản thân bà và lãnh đạo nhà trường đều đã nắm được thông tin về bảng xếp hạng do nhóm chuyên gia trên công bố.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương.

Theo bà Thủy, về vấn đề bảng xếp hạng các trường đại học này chỉ là nghiên cứu của một nhóm chuyên gia, họ có cách tiếp cận theo quan điểm của họ. "Vị trí của một trường Đại học cũng như nhìn nhận của xã hội về trường đó sẽ thể hiện rõ thông qua: các đánh giá của người học, kết quả đầu ra của sinh viên, sự lựa chọn của các em, uy tín từ thương hiệu của nhà trường. Tuy nhiên, xếp hạng đại học cũng là cái rất hay để cho các trường nhìn thấy trường của mình ở một vị trí nào đó để cho xã hội, học sinh và phụ huynh có một căn cứ để lựa chọn", bà Thủy nói.

Bà Thủy cho rằng, để kết quả mang tính thuyết phục thì bộ tiêu chí cũng như trọng số của các tiêu chí và cơ sở dữ liệu để đánh giá nguồn dữ liệu thu thập phải mang tính thuyết phục đối với cộng đồng, đối với số đông thì mọi người mới đặt niềm tin vào bảng xếp hạng đó. "Tôi không bình luận về kết quả xếp hạng do nhóm chuyên gia công bố vì trên thế giới xếp hạng các trường đại học sẽ phụ thuộc tiêu chí đánh giá, tỉ trọng các tiêu chí cũng như phương pháp thu thập dữ liệu...", bà Thủy nói.

Các chuyên gia trong buổi công bố bảng xếp hạng các trường ĐH tại Việt Nam.

"Theo nhóm chuyên gia, họ đang áp dụng ba tiêu chí xếp hạng là nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%). Nên chỉ cần thay đổi tỉ trọng các tiêu chí trong bảng xếp hạng thì trường A lại xuống thứ hạng, trường B lại lên top. Đó là do quan điểm của nhóm nghiên cứu độc lập cá nhân. Đến cả ngay trong kết quả nghiên cứu, chính những chuyên gia cũng đã nói rằng nghiên cứu này vẫn còn hạn chế về tiêu chí cũng như về tỉ trọng, dữ liệu... cho nên kết quả chỉ mang tính chất tham khảo", bà Thủy chia sẻ.

"Nhà trường không buồn vì đứng thứ 23, quan trọng là nhìn nhận của xã hội"

Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cũng cho biết, phía nhà trường không buồn vì bảng xếp hạng trường chỉ đứng thứ 23 vì bà cho rằng nếu theo một tiêu chí khác, nhà trường sẽ xếp hạng cao hơn. Quan trọng là nhìn nhận của xã hội.

Bà Thủy cho rằng, nhà trường không buồn vì đứng thứ 23 trong BXH quan trọng là nhìn nhận của xã hội.

"Tỷ trọng giữa các tiêu chí cái nào là quan trọng nhất, cái nào quan trọng thứ 2 hoặc nguồn dữ liệu để cung cấp có cùng thời điểm hay không, có cập nhật đầy đủ hay không. Tất cả yếu tố đó mới thuyết phục được kết quả đánh giá", bà Thủy đưa ra vấn đề.

Bà cũng cho biết thêm, bản thân phía nhà trường cũng đang làm nghiên cứu về xếp hạng các trường đại học tại Việt Nam. Hiện công việc đang triển khai được hơn 1 năm nay và đang xây dựng các tiêu chí đánh giá.

Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn trường Đại học Ngoại thương cũng cho biết, chưa biết các chuyên gia đánh giá phụ thuộc vào yếu tố gì nhưng bản thân cũng hơi giật mình khi ĐH Ngoại thương đứng thứ 23/49 trường đại học.

"Việc công bố này không ảnh hưởng đến nhà trường vì ĐH Ngoại thương đã mang thương hiệu, là trường danh tiếng khi điểm đầu vào liên tục tăng và chất lượng đầu ra tốt. Phía nhà trường đang tiếp tục hoàn thiện, lấy lại tỷ số theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, tỉ lệ GS, PGS, TS tăng hàng năm. Hiện tại, số lượng hơn 3000 sinh viên chính quy một năm, loại hình khác với tổng số khoảng 5000-6000 người, có khoảng 750 giảng viên, trong đó có hàng trăm giảng viên đang nghiên cứu bên nước ngoài để phục vụ công tác giảng dạy.

Theo Định Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên