MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ Kalapa: Sắp tới, công nghệ eKYC sẽ kết hợp giữa khuôn mặt và giọng nói

Phó TGĐ Kalapa: Sắp tới, công nghệ eKYC sẽ kết hợp giữa khuôn mặt và giọng nói

Đâu là những rủi ro mà các tổ chức tài chính Việt Nam sẽ gặp phải khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ eKYC? Trong thời gian tới, công nghệ này sẽ có phát triển ra sao giúp khả năng bảo mật cao hơn?

Ông Nguyễn Duy Thiện, Phó TGĐ Công ty cổ phần Kalapa đã có cuộc trao đổi với Trí Thức Trẻ về sự phát triển của công nghệ này tại Việt Nam.

Vấn đề lớn nhất khi triển khai eKYC là gì?

Cùng với việc hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ tại Việt Nam đồng loạt đẩy mạnh chiến lược ngân hàng số, eKYC được coi như “chìa khóa vàng” cho việc thúc đẩy sự phát triển. Ở góc nhìn của một nhà cung cấp dịch vụ eKYC, anh thấy vấn đề lớn nhất mà các nhà băng đang gặp phải với eKYC là gì?

Hiện nay, các hình thức gian lận, giả mạo khi giao dịch trực tuyến ngày càng xuất hiện nhiều và trở nên tinh vi hơn. Kẻ xấu có thể tạo ra nhiều tài khoản khác nhau nhằm tìm ra lỗ hổng trong quá trình thực hiện các giao dịch để trục lợi.

Vì vậy, vấn đề lớn nhất với các ngân hàng hay tổ chức khi áp dụng eKYC là nhận diện được các mô thức gian lận và đảm bảo được các tiêu chuẩn an toàn dữ liệu.

Còn với các ví điện tử thì sao?

Từ trước tới nay, việc mở tài khoản ví điện tử thường không phải tới quầy giao dịch, vì đặc tính “điện tử” của nó ngay từ đầu. Tuy nhiên, việc xác minh khách hàng bằng nhận dạng và giấy tờ tùy thân rất quan trọng để ví điện tử xây dựng điều khoản sử dụng, hạn mức, và quy mô dịch vụ cung cấp cho từng tài khoản.

Ví dụ, đối với khách hàng đã cung cấp giấy tờ tùy thân thông qua các bước eKYC, so sánh trùng khớp với nhận dạng qua camera và được xác thực, khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ tín dụng dễ dàng hơn, được hưởng mức lãi suất tốt hơn. Đặc biệt điều này rất cần thiết cho nhóm người dùng khó tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Với góc nhìn của một nhà cung cấp về dịch vụ eKYC cho nhiều định chế tài chính trên thị trường, anh thấy có những tiêu chí nào để đánh giá dịch vụ eKYC nói chung?

Có 2 tiêu chí chính, một là công nghệ bao gồm nhận diện hình ảnh, ký tự, nhận diện các mẫu giấy tờ tùy thân, công nghệ so sánh hình ảnh trên giấy tờ tùy thân và ghi hình trực tiếp qua camera. Hai là tiêu chuẩn an toàn dữ liệu.

Về công nghệ, các nhà phát triển đều sử dụng mô hình machine learning (máy học) để nhận diện hình ảnh, ký tự và các chi tiết riêng biệt khác, nhanh chóng ghi nhận và phát hiện các bất thường. Như chúng ta đã biết, eKYC không chỉ dừng lại ở bước nhận diện, mà nó thể hiện sự ưu việt bằng khả năng so sánh. Ví dụ như so sánh hình ảnh trên CMT/CCCD của người dùng với hình ảnh người dùng hoạt động trực tiếp qua camera.

Công nghệ eKYC trong trường hợp này cần kiểm tra mức độ trùng khớp giữa khuôn mặt trên giấy tờ tùy thân và khuôn mặt hoạt động qua camera, bên cạnh đó còn phải tìm kiếm khả năng CMT/CCCD bị dán ảnh giả hoặc hình ảnh đang được thu nhận bởi camera là từ các thiết bị công nghệ khác mà không phải từ người thật.

Về tiêu chuẩn an toàn dữ liệu, việc này phụ thuộc rất nhiều vào kiến trúc hạ tầng hệ thống và thiết kế cơ sở dữ liệu của từng nhà phát triển. Trên thế giới và ở tại Việt Nam đều có các đơn vị được cấp phép kiểm định an toàn dữ liệu và có những bộ tiêu chuẩn cụ thể.

Phó TGĐ Kalapa: Sắp tới, công nghệ eKYC sẽ kết hợp giữa khuôn mặt và giọng nói - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Thiện - Phó TGĐ Công ty cổ phần Kalapa

Những ngành sẽ sử dụng nhiều eKYC

Đâu là rủi ro lớn nhất mà những định chế tài chính hay các công ty sử dụng dịch vụ eKYC cần lưu ý?

Rủi ro về năng lực quản lý an toàn và bảo mật thông tin là rủi ro lớn nhất mà các công ty sử dụng cần lưu ý. Nếu xảy ra rò rỉ, thất thoát dữ liệu thì hậu quả đối với bản thân doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung là rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, do quy mô số lượng giao dịch trực tuyến là rất lớn, nên công nghệ eKYC dù được phát triển inhouse hay thuê ngoài đều phải đáp ứng được tốc độ tăng trưởng cực kỳ cao mà vẫn phải đảm bảo các chỉ số về tính chính xác. Đây cũng là một trong những rủi ro mà các tổ chức phải đối mặt.

Giải pháp về eKYC của Kalapa có gì khác biệt so với những công ty khác trên thị trường?

Các kỹ sư ở Việt Nam rất nhanh nhạy và có trình độ cao nên hiện nay chúng ta có nhiều nhà cung cấp dịch vụ eKYC đưa được sản phẩm ra thị trường, một số ngân hàng cũng đã phát triển công nghệ này và áp dụng thành công.

Từ góc nhìn mà tôi có chia sẻ phía trên, Kalapa tập trung vào công nghệ nhận diện hình ảnh và phát hiện gian lận, song song với việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an ninh dữ liệu, trong đó phát hiện gian lận là điểm mạnh nhất của Kalapa so với các nhà cung cấp dịch vụ khác trên thị trường.

Kalapa xây dựng rất nhiều các mô hình machine learning được cập nhật theo cấu trúc mới nhất để đảm bảo luôn tìm kiếm, so sánh, gợi ý các khả năng gian lận trong quá trình người dùng thực hiện các bước eKYC (phát hiện phông chữ giả, phôi giả, dán ảnh…). Vì vậy, dịch vụ của Kalapa đang được các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng sử dụng với độ tín nhiệm cao.

Cơ hội phát triển của dịch vụ eKYC trong năm 2022 nằm ở những lĩnh vực nào?

Trong tương lai, khi thị trường phát triển, dịch vụ eKYC sẽ được sử dụng ở rất nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến như lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, giao vận, bảo hiểm.

eKYC là một trong các công nghệ góp phần quan trọng trong việc giảm các chi phí cho người dùng trực tuyến, vì vậy cơ hội ứng dụng dịch vụ là vô cùng rộng lớn trong những năm tới.

Ví dụ, trong lĩnh vực giao vận, người làm tài xế ở xa trung tâm, để được xác minh danh tính và tham gia vào các nền tảng công nghệ sẽ không cần mất chi phí đi lại để đăng ký như trước đây, mà chỉ cần thực hiện eKYC qua điện thoại.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, người dùng bảo hiểm thông qua eKYC sẽ giảm được chi phí cung cấp bằng chứng yêu cầu bảo hiểm, giảm chi phí gặp gỡ, khai báo và còn nhiều ví dụ khác nữa, mà chúng ta sẽ thấy trong tương lai.

Sắp tới có những nâng cấp nào về công nghệ có thể áp dụng giúp cho dịch vụ eKYC thuận tiện và an toàn hơn?

Công nghệ “Voice Recognition & Verification” là một trong những công nghệ mới đang được nghiên cứu và áp dụng cho dịch vụ eKYC, cho phép so khớp giọng nói của người dùng với giọng đã đăng ký trước đó, khi kết hợp với so khớp gương mặt sẽ tạo nên lớp bảo mật an toàn hơn khi gặp phải các hình thức giả mạo danh tính. Tuy nhiên, độ khó của công nghệ này nằm ở mức cao hơn nên chưa có nhiều đơn vị áp dụng hiệu quả.

Ngoài ra, trong tương lai công nghệ nhận dạng sự sống (liveness detection) chắc chắn sẽ được nâng cấp nhằm ngăn chặn tối đa các hình thức giả mạo bằng video, giả mạo bằng công nghệ AI (deepfake). Hiện tại, người dùng cần thực hiện nhiều động tác để có thể xác minh nhưng về sau khi công nghệ phát triển các động tác sẽ được giản lược mà vẫn đem lại kết quả chính xác.

Cảm ơn anh!

https://cafef.vn/pho-tgd-kalapa-sap-toi-cong-nghe-ekyc-se-ket-hop-giua-khuon-mat-va-giong-noi-20220225100507966.chn

Anh Tuấn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên