MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ Saigon Co.op Phạm Trung Kiên: Sản xuất hữu cơ trong nước còn "yếu"!

04-06-2019 - 08:42 AM | Doanh nghiệp

Riêng Saigon Co.op dù triển khai được hơn 2 năm nhưng thực tế mà nói thì số lượng hàng organic hiện nay vẫn chưa ổn định, thậm chí còn bấp bênh về cả chất lượng, chủng loại…

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm organic của người dân ngày càng lên cao, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ nắm bắt cơ hội để tham gia cung cứng. Trên vai trò là một nhà bán lẻ lớn với chuỗi điểm bán từ siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, đến Co.op Food, Cheers… Saigon Co.op ngay từ năm 2017 đã chính thức triển khai dự án này, áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm organic hiện nay.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: "Hữu cơ trong nước hiện nay còn đang yếu lắm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải làm, và sẽ làm từng bước. Riêng Saigon Co.op dù triển khai được hơn 2 năm nhưng thực tế mà nói thì số lượng hàng organic hiện nay vẫn chưa ổn định, thậm chí còn bấp bênh về cả chất lượng, chủng loại…"

Do đó, Saigon Co.op dự kiến thời gian tới sẽ làm thêm một số hàng hữu cơ nhập, vì nhu cầu lớn tuy nhiên nguồn cung trong nước chưa đáp ứng hết được. Bởi, bên cạnh đồng hành triển khai chiến lược thúc đẩy sản xuất trong nước, thì Saigon Co.op vẫn hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ông Kiên nói.

Saigon Co.op cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp cùng các đơn vị khác, nhằm tìm cách phát triển sản xuất hữu cơ tăng trưởng. Trong đó, Saigon Co.op chủ yếu là phân phối, chúng ta thường biết cái khó khăn nhất của sản xuất nông nghiệp là đầu ra, nếu có đầu ra đảm bảo ổn định, chắc chắn người dân sẽ sản xuất, đồng thời đầu tư mạnh về mặt chất lượng sản phẩm.

Thực hiện chương trình xúc tiến tiêu thụ vải năm trước, nửa đầu năm 2019, Saigon Co.op tiếp tục xúc tiến cam kết bao tiêu trái vải thiều tươi được khai thác trực tiếp tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Ngoài cam kết sản lượng tiêu thụ vải, Saigon Co.op sẽ chủ động giảm lợi nhuận để giá bán chỉ bao gồm giá thu mua trực tiếp cộng thêm chi phí vận chuyển, từ đó đảm bảo tối đa quyền lợi của người nông dân.

Phó TGĐ Saigon Co.op Phạm Trung Kiên: Sản xuất hữu cơ trong nước còn yếu! - Ảnh 1.

Phạm Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op tại buổi xúc tiến tiêu thụ vải.

Sản phẩm trái vải thiều tươi thu mua trực tiếp từ thủ phủ vải thiều Lục Ngạn được Saigon Co.op vận chuyển bằng xe chuyên dụng và phân phối tập trung tại hơn 700 điểm bán của Saigon Co.op để phân phối cả nước. Song song đó, thông qua mạng lưới hợp tác xã, Saigon Co.op sẽ xúc tiến việc xuất khẩu đưa vải thiều ra thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Singapore.

Phân trần về sản phẩm vải, nhiều năm qua đối với vải Lục Ngạn – Bắc Giang thì người nông dân cung phụ thuộc vào nguồn đầu ra là Trung Quốc, bây giờ thì ổn định hơn nhờ những đối tác trong nước như Saigon Co.op, hơn nữa Saigon Co.op còn hỗ trợ kênh đầu ra khác chính là xuất khẩu thông qua sàn của chính doanh nghiệp, ví dụ qua Singapore hay một số đối tác trong Hợp tác xã quốc tế.

"100% sản phẩm trái vải đợt này đều đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, hoặc có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Tùy theo sức mua mà Saigon Co.op sẽ tiếp tục tăng cường nhập hàng, dự kiến sức tiêu thụ từ 500 tấn đến 700 tấn trong mùa vụ này, tăng 25% so với cùng kỳ", ông Kiên nhấn mạnh.

Được biết, riêng với sản phẩm vải organic, Saigon Co.op cũng đã bàn bạc với nhiều đối tác để triển khai thực hiện, tính đến nay đơn vị đã trồng thử nghiệm được một vùng diện tích vào khoảng 20ha tại khu vực Lục Ngạn (Bắc Giang).

"Bây giờ, chúng tôi cần phải thực hiện thêm vài bước nữa mới chính thức đi vào triển khai. Bởi vì sao, mình nói hữu cơ là cơ bản sản phẩm phải được nuôi trồng theo cách hữu cơ chính thống mới được cấp chứng nhận, hiện nay để thuyết phục người tiêu dùng về dòng organic thì bắt buột sản phẩm phải có được chứng nhận quốc tế. Như vậy, khách hàng mới đủ tin tưởng để lựa chọn".

Do đó, theo ông Kiên các đơn vị sản xuất hữu cơ phải có cách để lấy được chứng nhận đó, một số khu vực Saigon Co.op hỗ trợ để lấy được chứng nhận. Vai trò của Saigon Co.op ở đây là phân phối, tức xác định cho người nông dân thấy được cái đầu ra ổn định, chắc chắn. Lấy ví dụ nói rằng là bây giờ tôi sẽ mua với những chất lượng như thế này, chi phí như thế…

Không những vậy, một số vùng Saigon Co.op còn có đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hợp tác, hỗ trợ chi phí cho người dân làm sản phẩm organic, bên cạnh chỉ đơn thuần đóng vai trò phân phối đầu ra. Song, công tác đầu tư sâu rộng cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm, Saigon Co.op trước hết phải xây dựng được nhu cầu người tiêu dùng, rồi mới đi ngược lại nên đầu tư vào mấu chốt nào.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên