Phó thủ tướng: Không vội mở cửa du lịch khi vẫn còn Omicron
Theo Phó Thủ tướng, việc mở ra đóng vào còn nguy hiểm hơn là chuẩn bị và mở một cách chắc chắn. Trong thời. gian tới, mục tiêu chính vẫn là Việt Nam thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
- 26-12-2021CEO Indochina Capital: “Suốt 30 năm tôi ở Việt Nam, thị trường bất động sản đã có sự đổi ngôi ngoạn mục”
- 26-12-2021Thêm 3 khoản phí, lệ phí được giảm trong năm 2022
- 26-12-2021Cách đăng ký cấp lại sổ BHXH qua VssID
Xu hướng du lịch nào sẽ lên ngôi sau COVID-19?
Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Đoàn Văn Việt cho rằng, việc dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát tương đối tốt là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong những giai đoạn tới.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người. Đồng thời, cũng khiến cho xu hướng du lịch sau đại dịch có nhiều thay đổi.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt - Ảnh: Bộ VH-TT-DL
"Do đó, sau đại dịch sẽ có một số xu hướng du lịch lên ngôi như xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực", ông Việt nhận định.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, nhiều tỉnh/thành trong cả nước đã sẵn sàng chuẩn bị các phương án để tái khởi động, phục hồi du lịch nội địa, hướng tới chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế dự kiến vào giữa năm 2022.
Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu các quy định và điều kiện đảm bảo an toàn chưa được thống nhất và kiểm soát thật tốt. Song, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, một tương lai sống chung với COVID-19 là điều hoàn toàn có thể xảy ra và khi ấy, nhu cầu du lịch của con người chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Ông Việt cho rằng, du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
"Để làm được như vậy, một lộ trình tái khởi động và phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá trong tương lai khi đại dịch đi qua", ông Việt nói.
Không vội mở cửa du lịch khi vẫn còn Omicron
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, trước đại dịch COVID-19, Bộ Chính trị đã có nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều việc đang được triển khai đúng hướng.
Du lịch Việt Nam đã có những bước đổi sắc rất rõ. Tuy nhiên, 2 năm qua, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đưa ra một số quan điểm đối với phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Thứ nhất là tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hoá dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các doanh lớn, đồng thời giúp người dân cải thiện sinh kế, tiếp cận với văn minh bên ngoài qua du khách.
Thứ hai là cần khẩn trương số hoá các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là văn hoá.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh cần phải thực hiện thật tốt trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Việt Nam không nên vội mở cửa du lịch khi biến chủng virus mới vẫn còn khó lường. Ảnh: VGP
"Việc mở ra đóng vào còn nguy hiểm hơn là chuẩn bị và mở một cách chắc chắn. Trong thời gian tới, mục tiêu chính vẫn là Việt Nam thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Khẩn thiết nhất là đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho toàn dân, triển khai rộng rãi thuốc điều trị, đề phòng mối đe dọa từ chủng mới Omicron. Trong thời gian này, ngành du lịch cần tự đổi mới mình, để sẵn sàng đón khách", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông, mở cửa du lịch không nên quá nóng vội, thay vào đó là từng bước như thí điểm ở Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam hiện nay.
Về giải pháp cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã phối hợp cùng Bộ Ngoại giao công nhận hộ chiếu vaccine của 77 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời ban hành mẫu quy trình cấp hộ chiếu vaccine cho người Việt và đề nghị các quốc gia khác công nhận.
Về quy trình nhập cảnh, Bộ Y tế đã thực hiện thí điểm đón khách và chỉ yêu cầu tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính ngày thứ 3, trước khi di chuyển, du lịch bình thường ở Việt Nam.
Báo cáo về tiến độ đón khách quốc tế, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết chủng virus Omicron đang có những ảnh hưởng nhất định. Cụ thể, theo kế hoạch tháng 12, tỉnh sẽ đón đoàn khách từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia với 160-290 khách/chuyến, tuy nhiên do xuất hiện chủng virus mới mà một số chuyến đã dời thời gian khởi hành. Tới nay Kiên Giang đón 3 chuyến bay với 412 khách quốc tế. Dự kiến tháng 1/2022 sẽ có thêm 10-12 chuyến bay từ Dubai, Hàn Quốc, Malaysia...
Lãnh đạo tỉnh đề xuất trong thời gian tới Việt Nam sẽ đơn giản hóa thủ tục với doanh nghiệp lữ hành đăng ký tham gia chương trình thí điểm. Ngoài ra thủ tục visa thông thoáng, thuận tiện hơn cho khách du lịch.