Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Đầu tư lĩnh vực chiến lược, nâng cao giá trị của nền kinh tế
Đây là phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại cuộc họp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ ngành và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Chiến lược phát triển của SCIC, giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030, chiều 29/4, tại Trụ sở Chính phủ.
Phát huy tốt chức năng, vị thế để tạo giá trị thặng dư
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cơ bản nhất trí với Báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp.
Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả đầu tư của SCIC so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 13%; tiếp nhận, quản lý và nâng cao giá trị doanh nghiệp có hiệu quả; chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đầu tư.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, với đà phát triển đúng hướng, huy động được nhiều nguồn vốn tốt, bảo toàn và phát triển vốn thì SCIC sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần cùng các tập đoàn, tổng công ty khác trong Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tạo thêm sức mạnh và nguồn lực lớn của nền kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, ổn định lạm phát…
Tuy nhiên, quy mô của SCIC còn nhỏ khi so với mô hình tập đoàn Temasek của Singapore với số vốn khoảng 350 tỷ USD, trong khi SCIC chỉ có khoảng 3,5 tỷ USD. Do đó, cần có chiến lược tốt để thu hút vốn, điều chuyển vốn cho SCIC như vốn phát hành trái phiếu, vay ngân hàng, liên doanh liên kết, đầu tư dự án...
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng hoạt động đầu tư đã triển khai trong thời gian qua của SCIC vẫn chưa thực sự phát huy tốt chức năng, tiềm năng và nhiệm vụ được giao để tạo giá trị thặng dư, sinh lãi, phát triển vốn mạnh lên. Về định hướng, cần xây dựng chiến lược 10 năm, tầm nhìn 20 năm.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm chưa được phê duyệt; thẩm quyền ra quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên SCIC đối với các dự án nhóm B chưa được làm rõ; có sự chồng chéo, chưa rõ ràng trong việc xác định phạm vi, lĩnh vực SCIC được phép đầu tư, đặc biệt đối với một số lĩnh vực bị hạn chế đối với các doanh nghiệp nhà nước như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, kinh doanh bất động sản…
SCIC thực hiện chức năng xuyên suốt là đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của pháp luật nhưng có phần chủ động trên tinh thần bảo toàn và phát triển vốn. SCIC không cạnh tranh với bên ngoài làm một số việc không thiết thực nhưng vẫn phải nhạy cảm với thị trường, chủ động trong khuôn khổ cho phép, góp phần ổn định kinh tế, không để gia tăng lạm phát…
Xác định rõ mục tiêu, chiến lược phát triển của SCIC
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Cơ chế thoái vốn hiện hành đối với các khoản đầu tư mới chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư tài chính; sự hợp tác, phối hợp giữa SCIC và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc tìm kiếm, tiếp cận, đánh giá cơ hội đầu tư và cùng tiến hành hoạt động đầu tư nhìn chung còn hạn chế.
Xác định rõ mục tiêu, chiến lược của SCIC. Nếu muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ hay quỹ đầu tư nhà nước cần có sự phát triển lớn mạnh hơn nữa như số vốn lớn, năng lực, đầu tư có lãi…
Về phạm vi đầu tư, SCIC cần đầu tư vào ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật như nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực chủ đạo của Nhà nước như công nghệ thông tin, công nghệ cao, kinh tế số, hệ thống cơ sở dữ liệu, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, các dự án hạ tầng công nghiệp như đường bộ, hàng không, đường sắt, đa dạng và linh hoạt các hình thức đầu tư dài hạn, ngắn hạn tuỳ thuộc vào tính chất của từng khoản đầu tư và tình hình cụ thể, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đối với mô hình của SCIC, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần tập trung xây dựng là nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ, đồng thời cũng mở ra hướng nghiên cứu, đề xuất về mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ vì có căn cứ vào vốn liếng, kinh nghiệm, năng lực về nguồn vốn và con người.
Về phương hướng, đề nghị chú ý hành lang pháp lý và mối quan hệ với các bộ, ngành của SCIC, khi các bộ ngành không can thiệp vào hoạt động của SCIC nữa mà chỉ là kiểm soát, giám sát việc sử dụng nguồn vốn, thẩm định các dự án. Do đó, phải phân định cái gì thuộc bộ ngành, cái gì thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cái gì thuộc SCIC để kinh doanh có hiệu quả.
Chỉ giữ vốn tại các doanh nghiệp cần thiết để duy trì dịch vụ công, lĩnh vực tư nhân không muốn làm, không đủ năng lực để tham gia. Mục tiêu này được Thủ tướng nhấn mạnh rõ là không đi bán bia, bán rượu, không cạnh tranh với dân doanh. Do đó, SCIC thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh thuần tuý nhỏ lẻ, không cần thiết.
Đầu tư vào lĩnh vực có tính chiến lược nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, bảo đảm vị thế cạnh tranh quốc gia trong tương lai, vốn thu về từ cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của SCIC và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ làm gì theo quy định của pháp luật như nộp ngân sách nhà nước hay là vốn tăng thêm của mình?
Chiến lược của SCIC cần mang tính kiến tạo, đi vào lĩnh vực mang tính dẫn dắt của nền kinh tế. Đầu tư nhiều nhưng không dàn trải, khi có lãi thì có thể chuyển nhượng lại dự án, thu hồi vốn.
Về các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo cơ chế chính sách như không quay lại cái cơ chế cũ, nếu nghiên cứu xây dựng mô hình mới cần làm rõ quy mô, năng lực thế nào, từng bước phấn đấu và có chiến lược phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng cho xây dựng mô hình mới.
Chinhphu.vn