Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình một số vấn đề về sản xuất nông nghiệp
Chỉ ra những điểm hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với năng lực sản xuất và chưa gắn với nhu cầu của thị trường, vượt xa chỉ tiêu thực phẩm đặt ra.
Cuối giờ sáng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình một số nội dung về nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những điểm hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với năng lực sản xuất và chưa gắn với nhu cầu của thị trường, vượt xa chỉ tiêu thực phẩm đặt ra. Dự báo trong quy hoạch thiếu chính xác, cao hơn nhu cầu thị trường như ngành chăn nuôi mà ĐBQB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đã đề cập. Công tác điều chỉnh quy hoạch chậm, việc thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, đầu tư theo phong trào rất phổ biến. Đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ nông thôn chưa đạt yêu cầu do vốn đầu tư khó khăn. Diện tích canh tác theo đầu người thấp, quy mô sản xuất mạnh mún khó áp dụng khoa học công nghệ, thị trường bấp bênh, thiếu ổn định.
“Do đó rất cần giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước hết, phải hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, KH - CN... để sản xuất hàng hóa. Đây là nhóm giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp.
Thứ hai, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực hình thành các vùng chuyên canh lớn. Ví dụ như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung hóa sản xuất đòi hỏi phải tích tụ đất đai, nhưng gặp điểm nghẽn là hạn điền, nên cần sửa đổi pháp luật liên quan đến đất đai.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các các vùng, ngành, thậm chí của sản phẩm, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Chúng ta có quy hoạch rồi nhưng phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, với thích ứng biến đổi khí hậu. Phải phân định rõ các nguồn vốn cho hạ tầng, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng chính, nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chế biến phục vụ nông nghiệp, nguồn vốn của người dân tham gia vào sản xuất.
Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Ở đây phải giảm các khâu trung gian để giảm giá thành, và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà băng. Trong đó, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ trang trại là trung tâm là động lực cho quá trình phát triển. Nông dân đóng vai trò là người sản xuất và được hưởng lợi ích phân phối từ lao động và đóng góp của mình, có chính sách hỗ trợ nông dân khó khăn.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, để giải quyết việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn.
Thứ bảy, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học.
Thứ tám, tổ chức lại thương mại, sản xuất nông sản trong nước.
Thứ chín, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và trang bị kiến thức, để nông dân có đủ kiến thức nắm bắt thị trường, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu trên thị trường.