Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: '30 năm trước thì giải quyết câu chuyện alo, còn hiện nay là câu chuyện chuyển đổi số'
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu chúng ta khơi dậy được sự sáng tạo, sự quyết tâm, khát vọng thì chúng ta có thể làm được. Nếu chúng ta không thay đổi, không đổi mới mạnh mẽ hơn, thì không chỉ không tận dụng được cơ hội mà chúng ta sẽ tụt hậu, thậm chí nhiều ngành sẽ chết.
- 12-01-2021Bộ Thông tin Truyền thông lựa chọn BizFly vào danh sách các nền tảng xuất sắc Make in Vietnam
- 12-01-2021Phó Cục trưởng phụ trách Cục tin học hóa: Năm 2021, mỗi xã phổ cập 1 dịch vụ số cho người dân
- 12-01-2021Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Nếu công nghiệp ICT là Make in Vietnam, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia công nghệ'
Ngày 12/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bô Thông tin và Truyền thông. Tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu: "Năm 2020 là năm đặc biệt. Đặc biệt ở 2 chữ 'khó khăn'. Có những khó khăn lường trước được, nhưng có những khó khăn chúng ta không lường trước được - chính là dịch bệnh Covid-19".
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, Việt Nam có những bước tiến rất ngoạn mục. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua". Chúng ta đã đạt được những kết quả vượt bậc, trong khi cả thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương với mức 2,91%, tất cả các cán cân lớn đều được đảm bảo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong sự thành công đó, có sự đóng góp của ngành Thông tin và Truyền thông.
Cụ thể, khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành truy vết những người mắc Covid-19. Việt Nam cũng là nước đầu tiên yêu cầu khai y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh. Nhờ đó mà chúng ta là một trong số ít quốc gia kiểm soát thành công dịch bệnh.
Đối với ngành bưu chính, Phó Thủ tướng nhận định, suốt quá trình đổi mới, ngành bưu điện, bưu chính được giao trách nhiệm quan trọng, như một dấu ấn tiên phong đổi mới. Thế giới bước vào giai đoạn chuyển đổi số, ngành Bưu chính đã đi đầu và làm được những việc dường như không thể làm được.
"Nhớ lại thời điểm 2 năm trước, chúng ta đã từng rất căng thẳng về tin xấu độc và sự lấn lượt của các công ty nước ngoài trên thị trường internet Việt Nam. Lúc ấy, an toàn an ninh mạng của Việt Nam đứng thứ 100, thậm chí có những mảng đứng bét thế giới. Thế nhưng, đến thời điểm này, chúng ta đã cơ bản khống chế được những thông tin xấu độc và một loạt các nền tảng ứng dụng của Việt Nam ra đời", Phó Thủ tướng Đam cho hay.
"Nếu chúng ta khơi dậy được sự sáng tạo, sự quyết tâm, khát vọng thì chúng ta có thể làm được. Nếu chúng ta không thay đổi, không đổi mới mạnh mẽ hơn, thì không chỉ không tận dụng được cơ hội mà chúng ta sẽ tụt hậu, thậm chí nhiều ngành sẽ chết".
Đối với viễn thông, Phó Thủ tướng khẳng định, từ mấy chục năm nay, viễn thông đã rất oai hùng. "Trong đó, những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu phải là nơi tiên phong thực hiện chuyển đổi số. 30 năm trước, chúng ta cùng nhau giải quyết 'câu chuyện alo', còn hiện nay, chúng ta phải cùng nhau giải quyết câu chuyện dữ liệu, chuyển đổi số".
Phó Thủ tướng nói thêm: "2G chúng ta đi nhanh so với thế giới, 3G đi vào top trung bình, 4G đi chậm, 5G vươn lên đi nhanh. Nếu chúng ta đi nhanh được 5G thì thời cơ lại quay về tay chúng ta. Bởi 5G không chỉ đơn thuần là tốc độ, nó sẽ thay đổi toàn bộ. Đây là thời cơ chúng ta bứt phá, là thời cơ mà mơ ước về phát triển một nền công nghiệp thông tin được khẳng định".
Về việc triển khai "Make in Vietnam", Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù đạt được những thành tựu nhất định nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa. "Chúng ta có thị trường trăm triệu dân, đủ sức để ươm mầm ngay tại thị trường trong nước, làm sao để 5-10 năm nữa trên bản đồ sản xuất thiết bị viễn thông có tên Việt Nam".
Liên quan đến việc triển khai Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng kết luận: "Nếu như trước đây khi nói về Chính phủ điện tử hay Chuyển đổi số, thường chúng ta chỉ nói từ cao xuống thấp, từ những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM hay từ những ngành lớn, thì đến thời điểm hiện tại, chúng ta nhận ra rằng, thời cơ và cách làm để làm nhanh chuyển đổi số là làm theo 2 mũi, một là từ trên xuống và 2 là từ dưới lên, từ chỗ khó khăn nhất".