MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Có thể ở nhà xấu, đi xe xấu nhưng không ai chấp nhận thuốc kém"

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mọi người ở thế giới đều nói, có thể ở nhà xấu hơn, đi xe xấu hơn nhưng thuốc thì không ai chấp nhận thuốc kém hơn.

Sự thấu hiểu, chia sẻ cũng mang lại động viên lớn cho ngành y tế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 28/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước; Phương án phân bổ ngân sách Trung ương và Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, báo cáo của Chính phủ và phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, của các thành viên Chính phủ đã nêu rất rõ những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chúng ta để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vượt qua đại dịch.

Nhớ lại hơn một năm trước, từ lúc tình hình rất căng thẳng, chúng ta đã có nghị quyết và chuyển sang một tâm thế mới, chúng ta mạnh dạn nhưng có cơ sở khoa học, chúng ta thực hiện thích ứng linh hoạt, bởi vì trước đó chúng ta chưa thể tiếp cận vắc xin.

Sau đó, chúng ta đã tiếp cận được và rất khẩn trương đạt được những kết quả rất toàn diện, thể hiện rõ nhất qua các tốc độ tăng trưởng kinh tế và các cân đối vĩ mô. Điều đặc biệt hơn nữa, cũng như rất nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về xã hội, không chỉ trực tiếp là y tế mà giáo dục và các vấn đề an sinh xã hội. Chúng ta vẫn duy trì chỉ tốt, có những bước tiến bộ khá toàn diện trong lĩnh vực này.

Chúng ta nhớ lại là chúng ta liên tục được xếp top đầu trong các chỉ số trên thế giới về phục hồi sau Covid-19. Đến ngày hôm nay thì thế giới cũng chưa công bố hết dịch và chúng ta cũng như vậy. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là về vắc xin thì chúng ta có một tâm thế tự tin hơn và có thể rất mạnh mẽ để thực hiện các biện pháp mạnh để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, lấy lại 2 năm đã mất.

Chúng ta có nhiều biện pháp nhưng vắc xin đến giờ phút này đã tiêm hơn 260 triệu liều và nếu so với thế giới, Việt Nam là một trong top nước tiêm tốt nhất, bao phủ mũi cơ bản, mũi tăng cường tốt nhất. Chúng ta chỉ đứng sau vài nước và những nước này thì nước nhiều nhất cũng dưới 20 triệu, còn trong số các quốc gia đông dân từ 20 triệu trở lên thì chúng ta tiêm bao phủ tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nói rằng, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trên thế giới. Ở Việt Nam thì dân số đứng thứ 15, số người chết trên 1 triệu dân, đứng thứ 139, nhưng dù sao cũng là những tổn thất rất nặng.

Bên cạnh đó, những khó khăn, bất cập của cả hệ thống, không riêng về vấn đề y tế, giáo dục mà cả vấn đề an sinh xã hội và cả về kinh tế tích tụ từ nhiều năm. Có những việc chúng ta đã nhận diện ra thì bây giờ cũng nhận diện rõ hơn, có những tồn tại, bất cập tích tụ thì bây giờ bộc lộ ra sau đại dịch.

Không riêng Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển nhất cũng rất khó khăn, phải đối phó với tình trạng này, chúng ta dễ thấy là lạm phát, có những nước thiếu trầm trọng nhân lực y tế đến mức thay thế chính sách nhập cư để có được nhân lực y tế trong tương lai. Có những nước rất phát triển nhưng đã phải tuyên bố chính thức là nguy cơ sinh viên sẽ bỏ học đại học do giá thuê nhà trọ quá cao.

Thậm chí, có những nước rất phát triển mà nghe không tưởng tượng được là bắt đầu phải cắt khẩu phần ăn trong các bữa ăn tập thể nhà trường của học sinh. "Ở Việt Nam chúng ta mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng như các báo cáo đã thấy, chúng ta vẫn lo rất tốt cho bà con, không chỉ ở vùng đô thị, đặc biệt là cả các vùng núi, vùng dân tộc" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.

Làm rõ hơn một số vấn đề về giáo dục và y tế, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là 2 lĩnh vực từ rất nhiều các kỳ Quốc hội trước đây cũng như kỳ này được các đại biểu và nhân dân đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp lần này toát lên một sự thấu hiểu sâu sắc với những thách thức và chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành y tế và ngành giáo dục, chủ động nêu rất nhiều các giải pháp, các kiến nghị.

Phó Thủ tướng chia sẻ, tối khuya hôm qua, một lãnh đạo bệnh viện có nói với tôi rằng: "Em vẫn đang trực, theo dõi rất sát Quốc hội, mặc dù rất khó khăn và rất mệt mỏi cả về sức lực và tâm lý nhưng nghe phản ánh và đọc bản tin thì thấy rất mừng vì Quốc hội, tức là toàn dân đã chia sẻ được những khó khăn, vất vả của những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Người bác sĩ đó cũng nói với tôi, rất nhiều vấn đề chắc chắn bọn em biết chưa thể giải quyết được ngay, nhưng ít nhất sự thấu hiểu, chia sẻ cũng mang lại một sức động viên rất tốt cho toàn ngành trong lúc này".

Phó Thủ tướng cũng cảm ơn tất cả các thầy giáo, các thầy thuốc mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người, vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân, không chỉ là các lực lượng sẵn sàng hy sinh theo đúng nghĩa đen trong chống dịch, ngay giờ phút này vẫn hàng ngày, hàng giờ để cứu chữa bệnh nhân, trong khi còn rất nhiều khó khăn như chúng ta đã biết. Các thầy cô giáo gần đây nhất ở các vùng lũ, vùng sâu, vùng xa cũng như vậy.

"Kỳ vọng vào giáo dục và y tế là có thật ở tất cả các quốc gia và luôn căng thẳng"

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, do tính ưu việt của chế độ, do truyền thống của dân tộc Việt Nam và sự nỗ lực của cả hệ thống, đặc biệt là của ngành y tế và giáo dục nên 2 ngành này đều được đánh giá có mức phát triển và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Ví dụ như giáo dục phổ thông chúng ta đứng trong top 50 quốc gia hàng đầu, đại học phấn đấu ở top 70, giáo dục nghề nghiệp đã tiến bộ những năm vừa qua rất mạnh, bây giờ khoảng thứ 90.

Về y tế không có xếp hạng chính thức toàn diện, nhưng nhiều chỉ số về y tế thì được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rằng Việt Nam ở mức rõ rệt hơn rất nhiều so với các nước có cùng trình độ thu nhập và chúng ta cũng khoảng vào thứ 70. Kỳ vọng vào giáo dục và y tế là có thật ở tất cả các quốc gia và luôn luôn rất căng thẳng, không chỉ ở các nước đang phát triển.

Nói chung, tất cả các nước phát triển cũng như đang phát triển cả về y tế, giáo dục thì có rất nhiều vấn đề, nhưng tựu chung lại có 3 thứ chung và rất giống chúng ta.

Thứ nhất, làm sao giữa yêu cầu, kỳ vọng của người dân, những yêu cầu mang tính chuyên môn của ngành giáo dục và ngành y tế cân đối với khả năng đảm bảo của nền kinh tế và của cả hệ thống. Đặc biệt, y tế và giáo dục cũng như lĩnh vực văn hóa, xã hội là những lĩnh vực trước mắt không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Thành tích cũng như hạn chế không thấy được ngay. Muốn có thành tích cũng phải nhiều năm, những bất cập thì cũng nhiều năm mới bộc lộ, khi bộc lộ thì thường cũng mất nhiều năm mới khắc phục được.

Thứ hai, vấn đề bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục y tế ở tất cả các nước đều là vấn đề rất lớn, kể cả những nước phát triển nhất, mặc dù người ta đã có các cơ chế như học bổng, bảo hiểm y tế tiến bộ hơn ta rất nhiều nhưng không thể nào đảm bảo được bình đẳng tuyệt đối.

Thứ ba, quản trị các cơ sở giáo dục, y tế, chúng ta hay gọi là tự chủ. Thế giới từ này dịch có khác nhau mhưng tóm lại là làm sao để quản trị các cơ sở công mà vẫn quản trị được, vẫn thúc đẩy được cơ sở tư nhân và có mức bình đẳng tương đối giữa 2 thành phần. Ở Việt Nam chúng ta cũng giống như các nước, cũng đối mặt với những vấn đề như vậy, ngoài ra chúng ta còn có thêm mấy đặc trưng rất khác biệt.

Một là, bởi vì chúng ta theo đường lối chủ nghĩa xã hội, cho nên chúng ta cũng có những nền tảng từ trước, cùng với đó là kỳ vọng và đòi hỏi sự công bằng cao hơn nhiều. Dân tộc ta hiếu học, rất nhân nghĩa nên đòi hỏi chất lượng giáo dục và y tế cũng cao hơn. Chúng ta phát huy tinh thần làm chủ của người dân, cho nên cũng góp ý nhiều.

Hai là, đặc biệt của chúng ta là thu ngân sách không như các nước phát triển, phần nhiều họ không phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng ta hằng năm vẫn dành 30% ngân sách để chi cho đầu tư hạ tầng, cho nên chúng ta trình độ kinh tế đã thấp hơn, nhưng lại phải dành một khoản rất lớn 1/3 ra để đầu tư cho hạ tầng.

Vì vậy, năng lực của chúng ta không bằng các nước, thu nhập của người dân cũng thấp hơn, cho nên khả năng chi trả của người dân cũng không được như các nước. "Mọi người ở thế giới đều nói, có thể ở nhà xấu hơn, đi xe xấu hơn nhưng thuốc thì không ai chấp nhận thuốc kém hơn" - Phó Thủ tướng nói.

Ba là, khác của chúng ta đó là biên chế sử dụng ngân sách nhà nước rất lớn. Hiện nay nói số tròn chúng ta có 2 triệu biên chế, trong đó giáo dục là 1.150.000, y tế khoảng 250.000, 2 ngành này chiếm tuyệt đại đa số. Chúng ta không có năng lực để trả lương cao như các nước.

"3 vấn đề chung của thế giới cộng với 3 đặc thù của chúng ta làm nên tình trạng luôn luôn căng thẳng của giáo dục và y tế. Chúng ta dù có hứa, có nói gì thì vấn đề căng thẳng này cũng không thể được giải quyết trong 1, 2 năm mà phải tính bằng hàng chục năm và đây là điều rất bình thường trên thế giới" - Phó Thủ tướng nêu.

Về biên chế, Bộ Giáo dục và đào tạo lo đào tạo nguồn giáo viên, lo chuẩn về giáo viên và đương nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn rằng cứ ở đâu có học sinh phải có giáo viên đủ các môn học và số lượng học sinh trên lớp ít nhất có thể.

Ở các nước tiên tiến khoảng 20 người, chúng ta hiện nay chuẩn đề ra phấn đấu khoảng 35 cháu/1 lớp, nhưng vẫn thiếu. Đương nhiên, ngành giáo dục lo đào tạo giáo viên, mong có đủ giáo viên, nhưng để có đủ giáo viên chúng ta phải tăng biên chế và muốn tăng biên chế mà không phát triển giáo dục ngoài công lập được thì chúng ta phải tăng ngân sách, tăng ngân sách thì không có tiền.

"Muốn vậy chúng ta phải đồng bộ rất nhiều. Đầu tiên phải phát triển nhanh hơn để có nguồn thu nhiều hơn, nhưng sau đó phải làm sao để giáo dục cũng như y tế ngoài công lập phát triển được, phải là thực chất" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với y tế cũng tương tự. Hiện nay, chúng ta rất nỗ lực cả về chuyên môn, bác sĩ, nhiều bác sĩ chúng ta không hề kém so với các nước phát triển. Nhưng ở các nước một bác sĩ sẽ có đến 3, 4 điều dưỡng viên để chăm sóc người bệnh, không chỉ trị bệnh.

Ở chúng ta 1 bác sĩ mới có chưa đến 1,5 người điều dưỡng viên. Có những nước như Nhật Bản 1 bác sĩ 9 điều dưỡng viên và nếu để đảm bảo mức bằng trung bình thế giới, chúng ta phải tăng gấp đôi biên chế ngành y tế như hiện nay, trong khi hiện nay chúng ta vẫn yêu cầu phải giảm.

Về vấn đề về học phí, viện phí, theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã rất cố gắng, nỗ lực và phải nói rằng các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao là với nguồn kinh phí như vậy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và y tế tốt hơn rất nhiều so với những nước có cùng mức chi, nhưng cũng chỉ có giới hạn, không thể nào chúng ta đòi hỏi một chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới, trong khi thu nhập của người dân và chi ngân sách cho dịch vụ đấy lại ở mức thấp trên thế giới, người dân cũng không thể chi trả hơn được...

Theo Quỳnh Nga - Lan Anh

Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên