MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ đã tính toán thời điểm tăng giá điện nhưng không dự đoán được "hoa sữa nở tháng 5"

Thời điểm tăng giá điện đã được Chính phủ tính toán hết sức kỹ lương nhưng hàng loạt diễn biến bất thường về thời tiết, khiến hoa sữa nở giữa tháng 5, làm cho việc tiêu thụ điện của người dân biến động mạnh mẽ.

Nói tăng giá điện bù lỗ đầu tư ngoài ngành cho EVN là "hoàn toàn sai"

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh điện là vật tư chiến lược, là một trong những cân đối lớn của vĩ mô. Việc sản xuất, kinh doanh và phân phối điện lực phải giải quyết các vấn đề: Thứ nhất là phải đủ điện cho sản xuất. Bình quân 3 năm qua, mỗi năm sản lượng điện tăng 10,21%. Trước đây, muốn tăng 1% GDP phải mất 2% điện nên để tăng 7% GDP cần mất 14% điện. Tuy nhiên, con số này đã được giảm xuống.

Theo dự báo, tổng công suất điện năm 2019 phải tăng 11,23% mới đảm bảo yêu cầu sản xuất, đời sống nhân dân và tăng trưởng. Chính vì vậy, cần có một chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư cho đảm bảo cân đối điện. Thực tế, sản lượng điện do EVN tự sản xuất đang giảm. Điện đang chủ yếu phải mua từ thị trường.

Phó Thủ tướng cho biết điện từ EVN có tới 78,81% phải mua từ các thành phần kinh tế khác. Nếu không có một mức giá hợp lý, sẽ không có ai bỏ tiền ra đầu tư. Hiện tại, hệ thống điện của Việt Nam đang thiếu cả nguồn cung và thiếu cả hạ tầng lưới điện. Trong khi đó, điện mặt trời và điện gió, dù đã được đưa vào sản xuất, nhưng chi phí lại rất cao.

Hiện tại, 1 kw điện mặt trời được mua với giá 9,35 cent. Với tỷ giá 23.000 VNĐ đổi 1 USD hiện nay, chi phí cho 1 kw điện mặt trời còn cao hơn cả mức bậc cao nhất theo giá điện bán lẻ. Năng lượng tái tạo là tốt nhưng nó phải được phát triển theo lộ trình mà khả năng của ngân sách có thể chịu được. Không có chính sách hợp lý, EVN rất khó tái đầu tư. Các nhà sản xuất khác cũng vậy.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ đã tính toán thời điểm tăng giá điện nhưng không dự đoán được hoa sữa nở tháng 5 - Ảnh 1.

"Khoản 3 điều 17 của Luật Điện lực nói rằng Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực để đảm bảo bền vững an toàn và ổn định có hiệu quả. Trong những năm qua, ngành điện có nhiều cố gắng. Chính phủ cũng yêu cầu ngành điện tiết giảm chi phí. Trong báo cáo chính thức, năm  2017, ngành điện tiết kiệm 2.228 tỷ đồng. Năm 2018 là 2.326 tỷ đồng và mục tiêu của năm 2019 là 2.517 tỷ. Giảm tổn thất điện năng cũng đang được làm tốt với tỷ lệ 6,83% của 2018, thấp hơn so với kế hoạch Chính phủ giao", Phó Thủ tướng cho hay.

Đề cập tới việc thoái vốn ngoài ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh EVN đã cơ bản thoái hết. Số vốn đầu tư 2.214 tỷ đồng đầu tư đã thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư 127 tỷ đồng cho thấy các khoản đầu tư đều có lãi.

"Nếu thông tin nào nói rằng giá thành điện gánh cả chi phí của đầu tư ngoài ngành là thông tin không chính xác. Tôi xin khẳng định lại và Chính phủ cũng đưa vấn đề này vào trong báo cáo", Phó Thủ tướng cho hay.

Vì sao giá điện tăng?

Việc tăng giá điện được Chính phủ căn cứ dựa vào các thông số đầu vào. Năm 2019, riêng than bán cho sản xuất điện đã tăng giá 2 đợt, làm tăng 7.332 tỷ đồng. Hiện tại, than được khai thác ở độ sâu trung bình 300m so với mực nước khiển, khiến chi phí sản xuất tăng lên. Đây cũng là lý do khiến chi phí đầu vào của ngành than tăng lên, dẫn tới việc điều chỉnh giá bán than.

Bên cạnh đó, giá khí đốt đầu vào của ngành điện cũng tăng 5.852 tỷ đồng. Việc tăng giá khí đốt được Quốc hội thông qua trong nghị quyết năm 2014 nhưng đến nay Chính phủ mới thực hiện được. Lý giải cho việc chậm trễ này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết vướng mắc 3 bên, từ bên bán khí, nhà máy điện mua khí và nhà máy điện bán lại cho điện lực chính là lý do.

"Đây là những nhà máy BOT, có yếu tố nước ngoài nên làm cho sự việc phức tạp. Vừa rồi, Chính phủ phải dùng tất cả luật quốc tế và luật trong nước để đàm phán mới điều chỉnh được các hợp đồng BOT này. Đấu tranh pháp lý, đấu tranh kinh tế, rồi các bên phải cùng ngồi lại đàm phán mới có thể đạt được thỏa thuận", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Riêng 2 khoản này đã khiến chi phí đầu vào tăng tới 13.000 tỷ đồng.Mức chi phí này chưa từng xuất hiện trong năm 2018. Kết hợp với các khoản chênh lệch tỷ giá và những yếu tố khác khiến chi phí đầu vào tăng thêm tới 20.000 tỷ đồng dù Chính phủ chỉ cho phép EVN duy trì lợi nhuận định mức là 3%.

"Theo tính toán, giá điện phải tăng 8,36%. Dù Bộ Công thương có toàn quyền quyết định mức tăng giá điện dưới 10% nhưng nếu ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, việc tăng giá phải do Thủ tướng quyết định. Chính phủ đã phải họp nhiều với các tập đoàn, tổng công ty rồi mới lựa chọn mức tăng 8,36% thay vì tăng 9,36% như đề xuất trước đó. Mức tăng này làm làm CPI tăng 0,29% và làm giảm GDP cả năm là 0,22%", ông Huệ cho hay.

Ngay cả việc điện tăng giá vào ngày 20/3 cũng đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng. "Có ý kiến thắc mắc tại sao lại tăng giá điện vào mùa hè. Tuy nhiên, 20/3 đâu có phải hè.Có câu thơ là ‘Tháng 3 đột ngột mưa rào, để cho em trộm bước vào đời anh’. Tháng 3 mới vừa Tết xong.Thường 20/3 còn chưa tới rét nàng Bân", Phó Thủ tướng giải thích.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ đã tính toán thời điểm tăng giá điện nhưng không dự đoán được hoa sữa nở tháng 5 - Ảnh 2.

Hoa sữa nở giữa tháng 5. Ảnh: CAND

Theo quy luật, CPI thường tăng cao vào tháng 2 do tháng Tết và giảm mạnh vào tháng 3. Thực tế cho thấy ngay cả khi tăng giá điện vào tháng 3 nhưng CPI vẫn giảm 0,21%. Như vậy, nó giúp hạn chế hiệu ứng lạm phát kỳ vọng. Trên thực tế, lạm phát kỳ vọng, về tâm lý, có tác động rất lớn. Đó là lý do Chính phủ chọn tăng giá điện vào tháng 3.

"Tuy nhiên, Chính phủ không thể dự đoán rằng tháng 4 sẽ nắng như đổ lửa. Trước đây, nhiều bãi biển ngày 30/4 vẫn rét tới mức không tắm được. 10 ngày trước 30/4, trời vẫn nóng như đổ lửa nhưng tháng 5 lại lạnh như mùa đông. Hoa sữa năm nay nở vào tháng 5. Chẳng chính phủ nào có thể dự báo được hoa sữa nở vào tháng 5", Phó Thủ tướng nhắc tới điều kiện thời tiết khác thường của năm nay, điều khiến tăng giá điện tác động tới đời sống nhân dân nhiều hơn so với tính toán.

Dẫu vậy, việc tăng giá điện vào tháng 3 cũng được đánh giá là hợp lý nhất. Điện không thể tăng giá vào Tết. Tháng 4, tháng 5 thì còn gần mùa hè hơn. Nếu tăng vào tháng 6 hoặc tháng 7 thì mức tăng phải gấp đôi 8,36% mới có thể bù đắp được con số hơn 20.000 tỷ đồng. Tăng giá điện 16 đến 17% sẽ gây sốc nền kinh tế, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Điều chắc chắn nhất là "không có gì là chắc chắn cả"

Thông thường, khi bắt đầu tháng 3, giá xăng dầu thế giới thường giảm. Tuy nhiên, do Mỹ tiến hành các biện pháp cấm vận dầu thô Iran và bỏ loại trừ cấm vận với 8 nhà nhập khẩu hàng đầu của Tehran khiến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Điều này Chính phủ cũng không thể dự đoán được. Nó bất quy tắc và không phụ thuộc vào quy luật mà do những biến động địa chính trị.

"Trao đổi với các giáo sư đầu ngành của Harvard, họ cũng phải thốt lên rằng cái chắc chắn nhất là không có gì chắc chắn cả. Hỏi dự báo về FED hay chính sách tiền tệ, tài khóa của Mỹ, chẳng ai có thể dự đoán được. Thế giới đang bất định", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Lấy ví dụ đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ bể vào giờ chót, thượng đỉnh Mỹ - Triều không tìm được tiếng nói chung vào phút cuối, Phó Thủ tướng cho rằng thế giới đang rất khó đoán và khó lường. Dù vậy, công tác dự báo của Việt Nam vẫn phải tăng cường nhưng việc đoán định được chính xác là điều rất khó.

Trở lại với vấn đề giá điện, Phó Thủ tướng cho biết 71,5% số hộ gia đình ở Việt Nam dùng dưới 200 số điện. Chính vì thế, biểu giá điện đang áp dụng có lợi với người nghèo. Các nước khu vực và thế giới cũng dùng biểu giá điện bậc thang bởi nó bảo hộ cho người nghèo và người thu nhập thấp.

Giá điện cũng được giám sát theo cơ chế minh bạch. Hàng năm, đều có kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm tra giá điện. Việc kiểm soát chi phí đầu vào được một hội đồng do Bộ Công thương, Bộ Tài chính, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng và Phòng Công nghiệp Việt Nam thực hiện. Kết quả kiểm toán được họp báo công khai.

"Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục thanh tra, nhất là khâu tính biểu giá điện. Đoàn kiểm tra vừa rồi ngắn ngày quá.Sẽ kiểm tra kỹ hơn và công bố để toàn dân biết. Tôi cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán lại vấn đề này.Sắp tới, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước sẽ cùng kiểm tra", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Về giá xăng dầu, việc giá tăng được Phó Thủ tướng giải thích do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Xăng thành phẩm đã tăng 30,6 đến 46,2%.Từ 1/1/2019, Việt Nam lại áp biểu thuế môi trường mới, khiến giá mỗi lít xăng tăng thêm 1.000 đồng. Tuy nhiên, giải pháp điều hành và công cụ bình ổn giá giúp điều chỉnh giá xăng ở Việt Nam chỉ là 17,2 và 27,1%.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên