MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không để cam kết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chỉ là hình thức

Không để lễ ký cam kết hỗ trợ phát triển DN chỉ là hình thức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo các DN phải dành thời gian để đọc các văn bản luật về thúc đẩy khởi nghiệp và đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho phát triển DN.

Dành gần một giờ đồng hồ để chia sẻ về những định hướng của Chính phủ đối với việc hỗ trợ DN tại Lễ ký cam kết của 21 địa phương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu việc ký kết này không được làm để có “hình thức”, bởi cộng đồng DN đang nhìn vào ứng xử của Chính phủ với vấn đề này.

Nghị quyết 35 về hỗ trợ cho DN phát triển được ban hành chỉ ngay sau cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng DN vào 30/4, theo Phó Thủ tướng đó là sự cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng trong việc luôn coi trọng DN, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong xây dựng và phát triển kinh tế.

“Không chỉ mất bao công sức và kinh phí về Hà Nội để lễ ký kết này chỉ là hình thức, mà cộng đồng DN trên địa bàn đang nhìn vào động thái này của lãnh đạo tỉnh, để tạo nên niềm tin với DN rằng Trung ương và địa phương đang rất nỗ lực hỗ trợ DN. Ta ký hôm nay nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào, để cam kết thành hiện thực” – Phó Thủ tướng nói.

Trong cam kết của một số tỉnh đưa ra về chỉ tiêu thành lập DN mới đang còn khiêm tốn, nên Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh nào chưa cam kết thì phải có số liệu cụ thể, tăng số lượng. Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà trực tiếp là Tổng cục Thống kê, cùng VCCI xây dựng bộ chỉ số định kỳ hàng năm, theo dõi tình hình hoạt động của DN để công bố công khai, minh bạch việc thực hiện chỉ tiêu này của các tỉnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo các tỉnh rằng, đăng ký chỉ tiêu thành lập mới không phải chỉ để có “thành tích”. Vấn đề là DN ra đời rồi nhưng có hoạt động và tồn tại được không? Việc DN bị đào thải là theo quy luật của thị trường, nhưng hỗ trợ làm sao để DN đào thải ít đi và DN hoạt động ngày càng tăng lên. Bộ chỉ số đánh giá này sẽ đánh giá hiệu quả thực chất, trên cơ sở thông tin cụ thể lợi nhuận các DN tạo ra trên địa bàn, cùng với tổng thu nhập của người lao động được hưởng.

Hiện nay Chính phủ đang nỗ lực rất lớn để cụ thể hóa hệ thống pháp luật. Bên cạnh Nghị quyết 19 về đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã Ban hành nội dung về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh dành thời gian đọc kỹ nội dung này để có định hướng cụ thể hỗ trợ DN khởi nghiệp.

Để hỗ trợ DN, Phó Thủ tướng cho biết hiện Chính phủ đang soạn thảo một Luật để sửa đổi nhiều luật liên quan môi trường đầu tư kinh doanh. Thông tin mới nhất, bên cạnh 12 Luật đã có trong dự thảo, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 3 luật nữa, liên quan đến các thủ tục kiểm tra chuyên ngành về hải quan để tháo gỡ vướng mắc cho thông quan xuất nhập khẩu. “Đây vấn đề ít nhưng tác động cực lớn nên Chính phủ thống nhất trình Quốc hội sửa một Luật liên quan 15 luật” - Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, đối với dự án luật hỗ trợ DNNVV, sẽ đưa nội dung liên quan đến DN khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp. Trên cơ sở nâng cấp và củng cố tăng cường năng lực quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, cho phép thành lập quỹ đầu tư, tài trợ vốn cho DN khởi nghiệp.

Được biết, hiện Hà Nội và TPHCM đang bàn về việc thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, theo mô hình hợp tác công tư. Có nghĩa, Chính phủ sẽ hỗ trợ đất, trụ sở và tài trợ vốn, đổi lại sẽ thu phí dịch vụ. Mục tiêu là tạo thuận lợi cho DN, để làm sao DN tiếp cận thị trường hay rút khỏi thị trường dễ dàng nhất song theo nguyên tắc thị trường.

Đồng thời, có chính sách để nâng cao năng lực các hộ kinh doanh thành các DN. Thống kê chưa đầy đủ hiện có 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể và theo quy định của Luật DN, hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động sẽ phải thành lập DN. Do đó, sẽ đưa quy định vào Luật DNNVV điều luật hỗ trợ khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN.

Để thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương làm tốt việc kêu gọi đầu tư FDI, gồm cả Tập đoàn lớn và các DNNVV của nước ngoài, các nhà đầu tư của địa phương. Việc thu hút nhằm tạo xung lực cho phát triển và có nhiều niềm tin để nhà đầu tư chiến lược vào mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực DNNVV đang có, để hoạt động hiệu quả hơn. Chú trọng theo dõi phong trào khởi nghiệp, bởi môi trường khởi nghiệp đang tốt lên.

M. Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên