Phó Thủ tướng yêu cầu lấy ý kiến việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không
Trong thời gian Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý chưa được phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý.
- 16-01-2020Vì sao Forbes coi Bamboo Airways là hãng hàng không đáng mong chờ của năm 2020?
- 14-01-2020Những hãng hàng không 'chết yểu' tại Việt Nam
- 11-01-2020Thay đổi trong "miếng bánh" thị phần hàng không Việt hiện nay
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về các vấn đề liên quan phương án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.Vẫn đang nghiên cứu việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý - Ảnh: Dương Ngọc
Vẫn đang nghiên cứu việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý - Ảnh: Dương Ngọc
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý; trên cơ sở đó, lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Thông báo số 349/TB-VPCP ngày 2-10-2019 của Văn phòng Chính phủ.
Trong thời gian Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý chưa được phê duyệt, Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan duy trì hoạt động bảo trì thường xuyên, liên tục, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải hàng không thông suốt, an toàn và hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật.
Thời gian qua, đường băng, đường lăn tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài xuống cấp nghiêm trọng song hơn 3 năm qua không được tiến hành bất cứ đợt sửa chữa lớn nào do ngân sách nhà nước không bố trí được vốn, trong khi Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp khai thác cảng - lại không có chức năng sửa chữa, đầu tư đối với hạng mục khu bay do đã cổ phần hóa vào năm 2016. Theo quy định, khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay) là kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước quản lý. Trước khi ACV cổ phần hóa, khu bay tại các sân bay là tài sản của DN này. Sau khi ACV cổ phần hóa từ năm 2017, toàn bộ tài sản này được xác định là của nhà nước. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa khu bay này do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 1.876 tỉ đồng,còn ở Nội Bài là 2.276 tỉ đồng.
Trong khi chờ cơ chế quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong bối cảnh ngân sách Nhà nước không có kế hoạch cấp vốn cho 2 dự án này, ACV đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý, khai thác trong giai đoạn từ năm 2019 đến khi Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được phê duyệt, để đầu tư.
Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ 3 phương án bố trí vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay này, gồm sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn ACV và phương án sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý (ACV đề xuất).
Trước đó, để giải quyết rốt ráo vấn đề này, Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV để doanh nghiệp này trở lại là doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện bảo đảm cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không. Hoạt động của ACV sau cổ phần hóa gặp nhiều vướng mắc do chưa có cơ chế xử lý dứt điểm những khúc mắc về quyền tài sản, trong đó có nội dung liên quan đến đầu tư, sửa chữa hạ tầng khu bay.
Liên quan đến phương án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư quản lý (trong đó có khu bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất), Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà đã có văn bản gửi Bộ GTVT ủng hộ phương án giao tài sản khu bay cho ACV quản lý theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV thông qua việc tăng vốn điều lệ của ACV trên cơ sở cổ đông Nhà nước góp vốn bằng tài sản khu bay.
Việc này được thực hiên sau khi thực hiện định giá, đánh giá lại giá trị tài sản khu bay đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị tài sản của Nhà nước.
Người lao động