Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai nói gì về việc chuyển condotel sang nhà ở?
Khi được hỏi liệu có được chuyển đổi căn hộ du lịch (condotel) sang nhà ở được không, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài Nguyên - Môi trường) khẳng định: Không thể chuyển được.
Ông Phấn cho rằng, từ chủ trương đầu tư, đề xuất đầu tư, giao đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính, phê duyệt… của căn hộ du lịch (codotel) tất cả đã được xác định là đất sản xuất kinh doanh dịch vụ. Còn nếu bây giờ chuyển sang là đất ở, tiêu chí của giao đất ở (các dự án phát triển nhà ở) khác với tiêu chí giao vào đất sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Như vậy, không thể hợp thức hóa cho chuyện là đầu vào là đất sản xuất kinh doanh mà đầu ra lại xác định là đất ở (cấp lâu dài). “Chắc chắn một điều rằng sẽ không thực hiện được”, ông Phấn khẳng định.
Theo vị Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục quản lý đất đai, chúng ta cứ hiểu là cứ có tài sản, cứ có đường đi lối lại là được là đất ở. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đối với nhà ở có rất nhiều tiêu chí phải đi kèm theo như đường, trường, trạm…Trong khi đó, tiêu chí căn hộ du lịch chỉ là lưu trú ngắn hạn, chưa kể việc thẩm định công năng của căn hộ du lịch cũng khác với công năng của nhà ở.
Ông Phấn khẳng định không thể chuyển condotel thành đất ở
“Yêu cầu của chúng ta là bảo vệ sự an toàn tính mạng cho người dân hay là căn cứ cấp giấy cho NĐT thứ cấp. Câu chuyện ở đây vừa là tính tuân thủ pháp luật, vừa phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người mua nhà, chúng ta không thể đánh đòng khái niệm này được”, ông Phấn nhấn mạnh.
Nói về hướng xử lý giấy chứng nhận đã cấp “nhà ở không hình thành đơn vị ở” ở một số khu vực như Đà Nẵng, Nha Trang, ông Phấn cho hay, việc này ở Đà Nẵng và Nha Trang đã thu hồi rồi. Quy định điều 106 của Luật Đất đai, đây là cấp sai đối tượng, cấp sai mục đích thì phải thu hồi chứ làm gì có chuyện cho tồn tại được.
“Thu hồi lại và đưa nó về đúng bản chất của nó, đúng quy định pháp luật là đất sản xuất kinh doanh dịch vụ. Còn về thời hạn thì đang vướng mắc ở chỗ là khấu trừ đi thời gian đã sử dụng. Theo quy định thì là thời hạn còn lại của dự án, anh đã sử dụng trước đó rồi thì phải khấu trừ đi. Đáng lẽ ra cấp ngay từ đầu là 50 năm nhưng chính quyền cấp lâu dài, anh vẫn sử dụng từ lúc được cấp đến bây giờ, cho đến lúc thu hồi, có ai vào đây chiếm dụng đâu. Bây giờ thời gian còn lại là thời gian còn lại của dự án đã được pháp luật quy định rất rõ ràng rồi”, ông Phấn nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nếu chuyển condotel sang nhà ở thì giống như một cuộc tháo chạy, khủng hoảng còn nhiều hơn
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) ý kiến: Trong hợp đồng mua bán là mua bán căn hộ du lịch thì giờ lại bảo chuyển sang mua bán nhà ở thì xử lý hợp đồng đó, chẳng nhẽ lại đi kí lại hợp đồng à?
Theo ông Khởi, khi đầu tư xây dựng nhà ở, đưa ra rất nhiều yêu cầu chứ không phải chỉ đầu tư xây dựng căn hộ dịch vụ. Do đó, không phải tự nhiên tự chuyển là chuyển được. Chương trình phát triển nhà ở của địa phương, quy hoạch có để chỗ đó là nhà ở không mà bây giờ lại chuyển được. Hạ tầng như nào, tiêu chuẩn PCCC khác hoàn toàn với condotel. Một căn nhà 4- 5 người ở lâu dài khác hẳn với lưu trú ngắn hạn.
“Mọi thứ từ hạ tầng, trường học ở đâu, đâu phải cứ “trọc trọc” vài cái nhà rồi mai kia con em đi học ở đâu. Tiêu chí về nhà ở gắn với rất nhiều thứ chứ không đơn giản chúng ta nói chuyển là chuyển được. Đó là lý do Luật nhà ở quy định rất chặt chẽ các quy định về đầu tư xây dựng nhà ở là vì thế, cái quan trọng nhất là để phục vụ cho người dân sau này”, ông Khởi nhấn mạnh.
Còn theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh và Quan hệ quốc tế, trường ĐH kinh tế Tp.HCM, nếu chuyển condotel sang nhà ở thì giống như một cuộc tháo chạy, khủng hoảng còn nhiều hơn.