MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phố Wall đang bị ảnh hưởng thế nào từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

13-07-2018 - 08:32 AM | Tài chính quốc tế

Nhà đầu tư vẫn thấp thỏm trong bối cảnh xung đột thuế quan giữa Mỹ và các nước không có dấu hiệu dừng lại.

Kể từ đầu năm, phố Wall liên tục nhận những tác động tiêu cực từ đe doạ thuế quan của Mỹ đối với một số đối tác thương mại lâu đời. Những diễn biến căng thẳng gần đây khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Đây có phải là chiến tranh thương mại toàn diện không? Nếu không, làm sao để xác định khi nào chiến tranh thương mại bắt đầu?

Ngày 10/7, chính quyền Mỹ công bố danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có thể phải chịu thuế suất 10%, chỉ 4 ngày sau khi thuế quan lên 34 tỷ USD hàng nước này có hiệu lực. Tổng thống Donald Trump nói sẽ đưa tổng giá trị hàng hóa mục tiêu lên tới 550 tỷ USD - cao hơn cả mức Trung Quốc xuất sang Mỹ vào năm ngoái (506 tỷ USD).

Bất chấp lời đe dọa, Bắc Kinh áp dụng biện pháp trả đũa tương đương chỉ vài giờ sau khi thuế quan của Washington có hiệu lực. Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc Washington "khơi mào cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế".

Ngoài đối thủ châu Á, ông Trump nhắm đến cả đồng minh Liên minh châu Âu (EU) và 2 nước láng giềng Canada - Mexico. Ngày 31/5, Canada công bố thuế quan với khoảng 12,8 tỷ USD hàng Mỹ, đáp trả thuế thép. 5 ngày sau, Mexico theo chân nhắm mục tiêu hơn 3 tỷ USD giá trị thép, thịt lợn, phô mai và nhiều sản phẩm khác của Washington.

Phố Wall đang bị ảnh hưởng thế nào từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Dow Jone đi xuống mỗi khi các nước tung đòn thuế quan. (Nguồn: FactSet)

Cuộc chiến đã bắt đầu đe dọa sinh kế của nông dân Mỹ, những người giúp đưa tỷ phú Trump vào Nhà Trắng và cũng là nhóm được ông hứa bảo vệ. Các công ty Mỹ đang rủ nhau dời nhà máy ra nước ngoài để tránh thuế. Hãng xe điện Tesla sẽ xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải trong khi Volkswagen và BMW đều đăng ký giúp Trung Quốc chế tạo ôtô công nghệ cao.

Tuy nhiên, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế vẫn đang tranh cãi. Liệu những diễn biến gần đây nên được coi như xung đột, đụng độ hay một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể đánh sập thị trường chứng khoán toàn cầu.

Phần lớn giới tài chính nhất trí đây là chiến tranh thương mại. Mối quan tâm hiện chỉ là "khi nào cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế", Kristina Hooper - Giám đốc Chiến lược Thị trường Toàn cầu của công ty quản lý đầu tư Invesco - nhận định.

“Các nhà đầu tư sẽ bắt đầu cảm thấy ảnh hưởng của xung đột thương mại khi thuế quan chuyển từ trạng thái 'đề xuất' sang 'thực hiện'”, Jamie Cox - lãnh đạo tập đoàn tài chính Harris - nói.

Ngược lại, nhiều người vẫn khẳng định đây chỉ là chiến thuật đàm phán vì các nước mới thực hiện một phần nhỏ những đe dọa trước đó. "Thị trường toàn thế giới đang nói rằng chiến tranh có thể đã bắt đầu nhưng phản ứng ở Mỹ trông giống như Chiến tranh Lạnh hơn là một cuộc chiến nóng", theo Brad McMillan - CIO (giám đốc đầu tư) tại Commonwealth Financial Network.

Phố Wall đang bị ảnh hưởng thế nào từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump ký một bản ghi nhớ tại Nhà Trắng ngày 22/3. (Nguồn: Bloomberg/Getty Images)

Ông Chris Zaccarelli, CIO của Liên minh Cố vấn Độc lập hy vọng các nước sẽ bình tĩnh quay trở lại bàn đàm phán và thuế quan tổng thể sẽ được hạ xuống trên toàn thế giới. Tuy nhiên, "trong thời gian chờ đợi thị trường sẽ phải điều chỉnh theo thời kỳ khó chịu này", vị chuyên gia nói.

Trong khi đó, số liệu thực tế cho thấy thị trường vẫn đang cầm cự được. Từ đầu năm đến nay, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,5% và chỉ số S&P 500 tăng 2,4%. Nasdaq tốt nhất khi tăng gần 10% trong 6 tháng đầu năm. Trừ Shanghai Composite giảm hơn 20% so với đỉnh gần đây và rơi vào vùng thị trường "gấu", các chỉ số chứng khoán chủ yếu chỉ dao động trong một khoảng nhất định. Lý do là nhà đầu tư đã xác định tranh chấp thương mại sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và không còn thấp thỏm lo lắng.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang tạm gác nỗi lo chiến tranh thương mại khi đón tin vui từ mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp. Hôm 10/7, S&P lên cao nhất kể từ ngày 1/2 nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến của Pepsi.

Dữ liệu kinh tế cũng chỉ ra một viễn cảnh tích cực trong quý II. "Tôi nghĩ rằng 'đồng bộ' có thể là một từ hơi quá ở giai đoạn này nhưng tăng trưởng toàn cầu vẫn tồn tại", nhà chiến lược đầu tư Kate Warne tại công ty đầu tư Edward Jones chia sẻ.

Dù giữ tâm lý lạc quan, Warne thừa nhận xung đột sẽ biến thành chiến tranh nếu các bên không thoát khỏi vòng xoáy trả đũa qua lại và "mức thuế tăng hoặc các gián đoạn thương mại khác bắt đầu làm tổn thương các quốc gia khác".

Theo Lâm Ngọc

Người đồng hành

Trở lên trên