MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Phú Thái, Kinh Đô hay Nguyễn Kim... nhận hỗ trợ xong lại bán cho nước ngoài thì hỗ trợ gì?"

Đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa, nhưng hàng loạt tên tuổi lớn như Phú Thái, Nguyễn Kim hay Kinh Đô... bán cho nước ngoài đang khiến cho nhà quản lý phải suy nghĩ lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng nhưng sẽ đón nhận nhiều thách thức to lớn, khi doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng loạt các nhà bán lẻ nước ngoài.

Tiền năng cạnh tranh của thị trường bán lẻ Việt Nam chính là cơ hội cho các nhà bán lẻ nhảy vào. Theo đó, Việt Nam nằm trong top 5 thị trường bán lẻ châu Á, đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Quy mô thị trường bán lẻ đạt 112 – 112 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 2010 – 2015 là 7,3%/năm sẽ giúp cho quy mô thị trường tăng lên 179 tỷ USD trong năm 2020.

Trong khi đó, hiện nay thị phần bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 25% trên tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa xã hội. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng dự kiến đến năm 2020 tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng gấp 3 lần so với thời điểm hiện nay, với thu nhập 10000 USD/năm, được Thứ trưởng nhận định, chắc chắn sẽ ảnh hưởng thị trường bán lẻ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, Thứ trưởng cho rằng mặc dù có cơ hội nhưng thách thức với bán lẻ nội địa là nhiều hơn. Thậm chí, không những phải đối diện với khó khăn mà doanh nghiệp thậm chí còn phải chịu mất mát.

Từ góc độ nhà quản lý, trước thực trạng các doanh nghiệp bán lẻ nội địa chịu sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp kêu gọi nhà nước cần có nhiều hơn sự hỗ trợ, song Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa.

Thứ trưởng đặt câu hỏi: "Chúng tôi làm việc với nhà bán lẻ cũng thấy cần phải có ưu đãi với nhà bán lẻ trong nước, ưu đãi về vị trí mặt bằng, vay ưu đãi… nhưng cũng có chuyện những doanh nghiệp đó bán lại hệ thống của mình cho nước ngoài, thì quay lại chuyện là có phải vì vậy là Chính phủ đang hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài hay không?"

Dẫn chứng từ những thương hiệu bán lẻ nội địa đã được bán cho nước ngoài, hoặc bán một phần cổ phần cho đối tác ngoại như Phú Thái, Kinh Đô và Nguyễn Kim… Thứ trưởng cho rằng trước đây các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp này đã phát triển với quy mô lớn hơn, và trở thành những tên tuổi. Tuy nhiên, sau đó những thương hiệu này lại được bán cho nước ngoài, đã đặt ra nhiều suy nghĩ cho nhà quản lý về việc đưa ra chính sách hỗ trợ.

Cùng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng cần phải suy nghĩ lại vấn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội. Bởi theo ông Phú, chính sách hỗ trợ, dư địa không còn nhiều, mà giờ đây các doanh nghiệp phải trực tiếp cạnh tranh, nếu không sẽ không thể sống, tồn tại.

Ông Phú thẳng thắn chỉ ra, nhiều nhà bán lẻ không có sự nhạy bén, đã khiến cho sản xuất chết và người tiêu dùng bị móc túi. Nhiều siêu thị ngồi máy lạnh chờ người ta mang hàng đến, đặt ra nhiều thứ phí, tạo mã, đầu kệ, sinh nhật lên tới cả trăm đô.

Do đó, ông Phú cho rằng chỉ 30% là tác động từ bên ngoài, còn có tới 70% thất bại của bán lẻ nội là do chính doanh nghiệp. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng bản thân doanh nghiệp nội phải vươn lên, nâng cao hơn nữa chất lượng và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho khách hàng.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên