Phú Yên: Hàng chục ngàn hecta cây trồng “khát” nước, nguy cơ mất trắng
Nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng qua khiến hàng ngàn hecta cây trồng tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên “khát” nước, nguy cơ mất trắng.
- 11-05-2020Nắng hạn kéo dài, cây ăn quả ở Cà Mau thiệt hại
- 08-05-2020Nắng hạn gay gắt, diêm dân Bến Tre trúng mùa muối
- 26-04-2020Nắng hạn chạm đỉnh, hơn 10 nghìn hecta cây trồng nguy cơ ‘chết khát’
Thời điểm này, đến xã Ea Chang, huyện Sơn Hòa một màu xám ngắt bao phủ do nhiều loại cây trồng khô cháy. Mí Ve ở xã Ea Chang cho biết, nhà Mí có gần 1 hecta đất nông nghiệp, từ đầu năm đến nay đã xuống giống 1 lần mía, 1 lần mè, nhưng vẫn không có một cây nào mọc lên khỏi mặt đất vì từ cuối năm ngoái đến nay, trên địa bàn xã không có một cơn mưa.
"Tiền giống mất hết, chả còn gì. Đến cỏ cũng chết hết chứ nói gì đến cây trồng. Đồng bào ở đây ai cũng khổ, người nào cũng vậy", chị Mí Ve nói.
Nắng nóng khiến đồng khô cỏ cháy, cây mía mọc không lên khỏi mặt đất
Hàng ngàn hecta cây trồng khác như mía, sắn trên địa bàn huyện Sơn Hòa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều hộ dân cho biết, thời tiết nắng nóng, nước ao, hồ trơ đáy nên cho dù đã nỗ lực tìm mọi nguồn nước để cứu cây trồng nhưng vẫn không đủ tưới.
Huyện Sơn Hòa có 22.000 hecta đất nông nghiệp, trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay chưa tới 10% diện tích đất được xuống giống. Một số diện tích mía trồng được 3 tháng tuổi tiếp tục chết khô.
Cả vùng đất bao phủ màu xám |
Dự báo năm nay, nắng nóng có thể xảy ra 7- 9 đợt và có khả năng xuất hiện 3 đến 5 đợt nắng nóng kéo dài. Tình hình thiếu nước, khô hạn là rất lớn. Do đó, công tác tưới vụ hè thu năm nay gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng có công trình thủy lợi nhỏ, ở xa nơi tưới, cuối nguồn nước. Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, sẽ tổ chức các đoàn khảo sát đánh giá về thực trạng nguồn nước để có giải pháp phù hợp.
Nắng nóng, cây giống chờ mưa để xuống giống |
"Trên cơ sở tập hợp đánh giá, nhu cầu cấp nước sinh hoạt cũng như trên cơ sở quy hoạch cấp nước vùng, chúng tôi cân đối trước hết là nước sinh hoạt, thứ 2 là nước tưới tiêu để cân đối cây trồng trong dài hạn. Ví dụ như đất lúa, vùng nào giữ bao nhiêu và chuyển bao nhiêu để đảm bảo nước tưới tiêu. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống kênh mương ngầm chuyển sang đường ống để thuận lợi trong duy tu, bảo dưỡng và an toàn”, ông Trần Hữu Thế cho biết thêm./.
VOV