Phường có dân số đông nhất TP. Hồ Chí Minh
Phường Bình Hưng Hòa A (Quận Bình Tân, TP.HCM) rộng 4,65km2, dân số hơn 123.000 người (theo tổng điều tra dân số năm 2019). Tuy diện tích nhỏ nhưng đây lại là phường đông dân nhất TP.HCM và có dân số lớn hơn hơn 28 thành phố, ví dụ như TP Bà Rịa (108.701 người), TP Trà Vinh (112.584 người), TP Sơn La (106.052 người).
Với dân số hơn 123.000 người, Bình Hưng Hòa A là phường đông dân nhất TP.HCM. Thậm chí, phường này còn nhiều dân hơn 28 thành phố trên cả nước.
- 03-10-2022Các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 20 tỷ USD 9 tháng đầu năm 2022
- 03-10-2022PMI Việt Nam tháng 9 đạt 52,5, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh
- 03-10-2022Top 10 địa phương thu ngân sách lớn nhất 9 tháng đầu năm 2022
Ngoài ra, phường còn được nhiều người biết đến với nghĩa trang Bình Hưng Hòa - nghĩa trang lớn nhất TP.HCM. Nơi đây là một nghĩa trang tự phát nằm trên trục đường Tân Kỳ Tân Quý - Bình Long. Nghĩa trang rộng 40ha với hơn 100.000 ngôi mộ. Đầu năm 2011, nghĩa trang bị đóng cửa để chuẩn bị bồi thường, di dời giải tỏa, xây dựng trung tâm thương mại, tháp lưu tro cốt và công viên.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những dãy phòng trọ cho thuê, các căn nhà dựng tạm bằng tôn nằm lọt thỏm giữa nghĩa trang. Theo chia sẻ của người dân lao động, phòng trọ tại đây có giá rẻ, dao động từ 1-2 triệu đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế của họ.
Ông Thiết (62 tuổi), sống ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa từ nhỏ, nói: “Khi dân cư trở nên đông đúc hơn, người dân không có điều kiện mua đất, thuê nhà, sẽ dựng tạm chòi tại nghĩa trang để ở. Nhưng sau khi có thông tin quy hoạch, họ được nhà nước cấp cho một số vốn để làm ăn và tìm nơi ở mới”.
Dự án giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa bắt đầu thực hiện từ năm 2011, với kinh phí đầu tư gần 2.500 tỷ đồng nhằm mục tiêu cải tạo môi trường sống cho hơn 300.000 người dân xung quanh. Hiện vẫn còn 7.200 mộ phần chưa có người nhận. Những khu đất trống ở nghĩa trang trở thành nơi để đồ cũ, ve chai, có khi dùng để nuôi gà vịt.
Bên cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa có 2 ngôi chùa có tuổi đời hơn nửa thế kỷ là chùa Giác Hải (lập năm 1957) và chùa Di Lặc (lập năm 1942).
Đây là nơi nghỉ trưa của người dân bởi không khí mát mẻ, trong lành. “Mỗi ngày tôi đều đến đây để thắp hương và nghỉ ngơi. Nơi đây mang lại cho tôi cảm giác bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn”, một người dân sống tại phường chia sẻ.
Theo quy hoạch được phê duyệt vào năm 2017, nơi đây sẽ được xây dựng hai tháp lưu giữ tro cốt để phục vụ việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Các dự án chỉnh trang đô thị tại phường cũng được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Trong ảnh là Kênh Nước Đen, nơi từng được biết đến là một trong những con kênh ô nhiễm nhất TP.HCM. Tháng 4/2020, dự án được nâng cấp, cải tạo đường và kênh (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) khởi công và cơ bản hoàn thành dịp Tết vừa qua.
Dự án được đầu tư 629 tỷ đồng, dài 1,4 km, rộng 40 m bao gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5 m và làm vỉa hè rộng gần một mét cho người đi bộ. Lòng đường hai bờ kênh thông thoáng hơn sau khi mở rộng, cây xanh cũng được trồng để tạo cảnh quan thoáng mát.
Cạnh đó, công trình xây dựng khu xử lý nước thải bằng công nghệ hồ sục khí và hồ ổn định (hồ sinh học), công suất 46.000 m3/ngày, đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Đây là dự án hợp tác song phương giữa Việt Nam và Bỉ với tổng vốn đầu tư 139,6 tỷ đồng.
Về hạ tầng giao thông, TP đã có chủ trương xây dựng nút giao thông ngã tư Bốn Xã. Tình trạng giao thông vào giờ cao điểm rất hỗn loạn vì đây là điểm giao cắt của sáu con đường gồm Lê Văn Quới, Bình Long, Thoại Ngọc Hầu, Phan Anh, hương lộ 2, Hòa Bình. Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe và điều tiết lưu lượng xe qua nơi đây.
Bản đồ phường Bình Hưng Hòa A.
Phường nhỏ nhất Việt Nam, có giá đất cao "ngất ngưởng" ở Hà Nội.
Trí thức trẻ