Phương pháp 120 chiếc kẹp giấy và bí mật tăng doanh số lên 5 triệu USD sau 18 tháng của một môi giới mới vào nghề
Dù cho có gặp nhiều bất lợi thì Dyrsmid đã ngay lập tức tạo ra bước tiến trong môi giới chứng khoán nhờ vào một thói quen đơn giản và nhất quán mà anh thực hiện hàng ngày.
Vào năm 1993, một ngân hàng ở Abbotsford, Canada có tuyển dụng Trent Dyrsmid, một nhà môi giới chứng khoán 23 tuổi.
Dyrsmid là lính mới nên không ai trong công ty kỳ vọng quá nhiều về hiệu quả làm việc của anh ta. Thêm nữa, Abbotsford chỉ là vùng ngoại ô nhỏ so với thành phố sầm uất Vancouver bên cạnh. Những dịch vụ mail như AOL hay Hotmail cũng chỉ xuất hiện 2-3 năm sau đó. Lúc này địa lý vẫn là yếu tố quan trọng đối với thành công trong kinh doanh và Abbotsford cũng không phải là nơi tiềm năng của những thỏa thuận hái tiền.
Trên bàn làm việc, anh đặt 2 cái hũ. Một hũ trống và một hũ chứa 120 kẹp giấy. Trent Dyrsmid chia sẻ: "Mỗi buổi sáng tôi bắt đầu với 120 chiếc kẹp giấy trong một hũ và cứ tiếp tục gọi điện cho đến khi chuyển được toàn bộ số kẹp giấy vào hũ thứ hai".
Anh ta gọi 120 cuộc điện thoại mỗi ngày, mỗi cuộc gọi tương ứng với một kẹp giấy.
Chỉ trong vòng 18 tháng, doanh số của Dyrsmid đã lên tới 5 triệu USD. Vào tuổi 24, anh đã kiếm được 75.000 USD. Chỉ trong vài năm, với thành tích làm việc ấn tượng, nhiều công ty bên ngoài săn đón và anh đã kiếm được công việc khác với mức lương 200.000 USD.
Thói quen thành công và thói quen thất bại
Về thói quen của mình, Dyrsmid nói đơn giản rằng, "Tôi bắt đầu gọi điện vào lúc 8h sáng mỗi ngày. Tôi không bao giở nhìn giá cổ phiếu hay các nghiên cứu phân tích. Tôi cũng chẳng đọc báo trong khoảng thời gian ấy. Nếu có một tin tức thực sự quan trọng, tôi sẽ biết bằng cách khác."
Câu chuyện của Trent Dyrsmid là bằng chứng cho sự thật đơn giản: Thành công thường là kết quả của việc tuân thủ các nguyên tắc ngày qua ngày.
Hãy nhìn lại câu chuyện của bản thân chúng ta. Chúng ta muốn tập thể dục đều đặn nhưng khó khăn lắm mứi đến được phòng gym. Chúng ta biết mình nên nói cảm ơn nhiều hơn, ăn uống lành mạnh hơn cũng như đọc sách nhiều hơn. Nhưng dường như ta không thể tìm được động lực để hoàn thành những việc đó. Chúng ta muốn đạt được mục tiêu nhưng cứ mãi trì hoãn.
Sức mạnh của tín hiệu thị giác
Tôi tin rằng "Chiến lược kẹp giấy" hiệu quả vì nó tạo ra một tín hiệu thị giác, tạo động lực giúp bạn thực hiện nhất quán một thói quen:
Tín hiệu thị giác nhắc nhở bạn bắt đầu một hành vi. Ta thường đánh giá cao bản thân về khả năng ghi nhớ thói quen mình cần hoàn thành. ("Từ mai tôi sẽ bắt đầu ăn uống lành mạnh hơn. Lần này là thật đấy.") Tuy nhiên vài ngày sau, chúng ta dần mất đi động lực và bắt đầu bị cuốn vào cuộc sống bận rộn. Tin tưởng vào khả năng ghi nhớ sẽ khiến bạn thất bại. Đó là lý do tại sao các tín hiệu thị giác có thể rất hữu ích, giúp bạn duy trì những thói quen tích cực hơn.
Tín hiệu thị giác thể hiện tiến độ thực hiện hành vi. Kiên định là một thành tố thiết yếu của thành công nhưng rất ít người thực sự đo lường mức độ kiên định của họ trong thực tế. Chiến lược kẹp giấy giúp bạn có một hệ thống đo lường sẵn, chỉ cần nhìn vào những chiếc kẹp giấy thì bạn có thể biết được tiến độ của mình.
Tín hiệu thị giác củng cố động lực. Khi mỗi ngày nhìn thấy mình đang tiến bộ, bạn sẽ tự nhiên có động lực để duy trì thói quen. Càng bỏ nhiều kẹp giấy vào hũ, bạn càng có thêm nhiều động lực hoàn thành công việc.
Tạo ra chiến lược kẹp giấy của riêng bạn
Bạn có rất nhiều cách để sử dụng Chiến lược kẹp giấy nhằm đạt được mục tiêu của mình:
- Bạn muốn hít đất 100 cái mỗi ngày? Hãy bắt đầu với 10 chiếc kẹp giấy, mỗi lần bạn hít đất được 10 cái, tương ứng với 1 chiếc kẹp giấy. Cứ thế lặp lại 10 lần trong ngày.
- Bạn muốn gửi 25 email chào hàng mỗi ngày? Hãy bắt đầu với 25 chiếc kẹp giấy và chuyển sang hũ khác mỗi khi bạn nhấn nút "Gửi".
- Bạn muốn uống 10 cốc nước mỗi ngày? Hãy bắt đầu với 8 chiếc kẹp giấy và chuyển hũ khi bạn uống hết.
Trent Dyrsmid cho rằng thành công trong lĩnh vưc của anh chỉ cần thực hiện một nhiệm vụ: thực hiện thật nhiều cuộc gọi chào hàng. Anh phát hiện rằng việc nắm giữ các nguyên tắc cơ bản là điều tạo nên sự khác biệt.
Điều này cũng đúng với việc thực hiện các mục tiêu. Chẳng có bí quyết đặc biệt hay phương pháp thần tốc nào cả. Chính thói quen tốt sẽ giúp bạn chiến thắng tất cả.
Nhịp Sống Kinh Tế/James Clear