Phương Tây lao theo cơn sốt xe điện, những chiếc xe xăng bị hắt hủi "lạc trôi" về đâu?
Bị thải loại khỏi Mỹ và châu Âu khi cơn sốt xe điện bùng lên, những chiếc ô tô xăng chấp nhận cảnh nằm phơi mưa, phơi nắng ở một quốc gia châu Phi xa xôi chờ đón “cuộc đời thứ 2”.
- 20-05-2023Tesla không ‘hào phóng’, Vinfast không ‘keo kiệt’: Câu chuyện chia sẻ trạm sạc của các đối thủ ngành xe điện
- 20-05-2023Khẩu chiến xoay quanh hình hài chiếc xe điện hoàn hảo: Tự lái, thông minh như điện thoại di động hay an toàn, pin khoẻ, giá cả phải chăng?
- 18-05-2023VinFast tuyên bố sẽ bán xe điện ra khắp Đông Nam Á
- 18-05-2023Trung Quốc chưa tìm được đối thủ xứng tầm: Đi trước thế giới hàng thập kỷ, thâu tóm cổ phần khai khoáng khắp 5 châu, ai muốn làm xe điện phải tìm tới đây hợp tác
Thiên đường... xe cũ
Đứng trên nền đất đá trong một khu bãi đỗ xe nhộn nhịp có tên Fifa Park, Rokeeb Yaya đang mặc cả giá một chiếc ô tô màu đỏ sẫm. Nó là một trong số hàng trăm phương tiện đang đậu thành hàng, phủ kín một khu đất rộng lớn. Một số chiếc xe sáng bóng như mới trong khi số khác móp méo và bụi bặm.
Chiếc xe mà Yaya để mắt đến là một chiếc Ford Escape sản xuất năm 2008 của Mỹ. Nó đang được rao bán với giá 4.000 USD, một mức giá tương đối phải chăng. Ở đây, những chiếc xe từ Mỹ có giá cả phải chăng hơn tất cả và nó thực sự phù hợp với nhu cầu nâng đời lên 4 bánh của Yaya. Thực tế, người đàn ông này không quan tâm tới lai lịch của chiếc xe. Cái anh ta để ý là liệu mình có đủ tiền để mua hay không.
Thế nhưng có một vấn đề khác được đặt ra: Tại sao chiếc xe Ford Escape này lại nằm ở đây – một trong những bãi xe lớn nhất thành phố cảng Cotonou, Bénin – quốc gia Tây Phi. Và sự hiện diện của nó cũng giúp kể một câu chuyện lớn hơn về việc những chiếc xe xăng bị hắt hủi ở Mỹ và châu Âu đang tìm thấy cuộc sống thứ 2 ở những quốc gia xa xôi mà không nhiều người biết tên.
Chiếc Ford 14 năm tuổi đến Benin từ Mỹ hồi năm ngoái sau khi được bán đấu giá. Hồ sơ mà CNN thu thập cho thấy nó từng qua tay 3 chủ sở hữu ở Virginia và Maryland và trải qua 252.000 dặm (400.000 km). Chiếc xe từng bị triệu hồi một lần vì hệ thống trợ lực lái nhưng không tai nạn nào được ghi nhận. Nó vẫn hoạt động hoàn hảo, khác với một số chiếc bị tai nạn nằm cùng lô hàng.
Chiếc SUV cũ kỹ này là một trong hàng triệu chiếc ô tô đã qua sử dụng được đưa tới Tây Phi mỗi năm từ các quốc gia giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu và ngày càng nhiều là từ Mỹ. Rất nhiều chiếc kết thúc hành trình ở Benin thông qua một trong những nhà nhập khẩu xe đã qua sử dụng hàng đầu châu Phi.
Và dòng chảy của những chiếc ô tô đã qua sử dụng tới các cảng châu Phi dự kiến sẽ tăng lên khi phương Tây ồ ạt chuyển sang dùng xe điện. Khi các quốc gia giàu có đặt ra những mục tiêu tham vọng cùng nhiều gói hỗ trợ khủng để khuyến khích người tiêu dùng quay sang xe điện, những chiếc xe xăng bị hắt hút không hề biến mất.
Thay vào đó, chúng được vận chuyển tới những nơi cách xa hàng nghìn dặm để hướng tới các nước đang phát triển như Benin, nơi dân số tăng lên kéo theo nhu cầu với ô tô giá rẻ cũng tăng theo.
Và các chuyên gia cho rằng động thái này không thực sự giúp trái đất thoát khỏi ô nhiễm mà chỉ chuyển ô nhiễm từ nước này sang nước khác. Và điểm đến cuối cùng là những nước dễ bị tổn thương nhất trước cuộc khủng hoảng khí hậu, làm suy yếu nỗ lực cắt giảm ô nhiễm đang từng ngày khiến trái đất nóng lên.
Cơn sốt xe cũ bùng lên toàn cầu
Thị trường xe cũ đã tăng gần 20% kể từ năm 2015 đến 2019, khi 4,8 triệu chiếc xe được xuất khẩu. Rob de Jong, quan chức Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), nói với CNN rằng xuất khẩu xe cũ giảm nhẹ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu nhưng hiện đang tăng khá nhanh.
Số liệu của UNEP cho thấy Mỹ xuất khẩu khoảng 18% số xe đã qua sử dụng trên toàn thế giới. Điểm đến của chúng là Trung Đông, Nam Mỹ nhưng không ít cập cảng Nigeria, Benin và Ghana.Những chiếc xe bị tai nạn, ngập nước hoặc đã quá cũ sẽ bị tháo tung để lấy linh kiện. Những chiếc khác vẫn còn sử dụng được thì sẽ được bán cho người dùng.
Dmitriy Shibarshin, giám đốc tiếp thị của West Coast Shipping, một công ty chuyên vận chuyển ô tô quốc tế cho biết: “Rất nhiều trong số đó là những chiếc Hyundai, Toyota được sử dụng khoảng 2 đến 5 năm. Chúng quả thực là những chiếc xe rất kinh tế. Tuy nhiên, Shibarshin cũng nói rằng nhiều hãng vận tải khác sẽ vận chuyển những chiếc xe giá rẻ hơn dù chúng cũ kỹ hơn nhiều.
Tại các quốc gia lớn ở châu Phi như Kenya và Nigeria, hơn 90% ô tô là loại đã qua sử dụng. Ở Kenya, lượng xe sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 8 năm. Những con đường trước đây từng rất thông thoáng bây giờ đã bắt đầu chứng kiến hiện tượng kẹt xe.
“Những chiếc xe cũ luôn là món hàng hót ở nơi đây. Dân số khu vực này trẻ và đang ngày một giàu có hơn, dẫn tới việc nhu cầu với ô tô hay thiết bị đi động tăng cao”, Etop Ipke, Giám đốc điều hành của Autochek Châu Phi – một công ty bán xe trực tuyến, cho biết.
Tuy nhiên, không giống với ở Mỹ, rất ít người châu Phi có khả năng tiếp cận tín dụng, điều gây cản trở cho việc mua xe mới. Đó cũng là điểm nghẽn khiến xe cũ lên ngôi.
Các chuyên gia tin rằng nhu cầu với ô tô đã qua sử dụng có thể còn bùng nổ hơn nữa khi nguồn cung trở nên dồi dào hơn cho phương Tây đẩy mạnh chuyển đổi sang xe điện. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết gần 1/5 số xe bán ra trong năm nay là xe điện, cao hơn rất nhiều so với con số 5% của năm 2020. Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đang dẫn đầu thị trường này.
Ô nhiễm và kém an toàn
Trong bãi xe Fifa Park, phóng viên CNN tìm thấy cả chiếc Dodge Charger 16 năm tuổi. Người bán hàng cho biết chiếc xe này đã tìm được chủ với giá khoảng 4.500 USD sau 2 năm nằm ở bãi. Đối diện nó là một chiếc Ford Winstar 24 tuổi tới đây vào năm ngoái. Chúng rẻ nên vẫn sẽ tìm được người mua.
Với những chiếc xe bị tai nạn, có một đội chuyên “phù phép” để sửa chữa và khiến chúng trông như mới. Thông thường, xe hỏng từ Mỹ thường là những chiếc bị cháy còn xe từ Canada là những chiếc ngập nước và xảy ra chập điện. Một số chiếc thiếu bộ phận này, khuyết bộ phận kia….
UNEP nói rằng những chiếc xe cũ được vận chuyển tới châu Phi và châu Á từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm hoạc không an toàn. Thông thường, với những bộ phận bị thiếu, chúng hoạt động kém hiệu quả và ô nhiễm nghiêm trọng, cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trước tình hình này, các nước châu Phi đã thắt chặt quy định với các dòng xe nhập khẩu nhưng thực tế, chúng vẫn chẳng mấy phát huy hiệu quả, nhất là khi đó là lựa chọn duy nhất mà họ có thể tiếp cận.
Tham khảo: CNN
Nhịp sống Thị trường