Profile khủng của Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture: Giáo sư có hơn 160.000 trích dẫn khoa học, khai sinh ra công nghệ OLED
Dành trọn tình yêu cho khoa học, Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng của VinFuture, cũng chính là cái tên quen thuộc trong ban giám khảo của các cuộc thi khoa học, công nghệ danh tiếng. Các sự kiện tôn vinh khoa học, công nghệ cũng chính là nơi Giáo sư Friend sẻ chia kinh nghiệm và tầm nhìn của ông với công nghệ có thể giúp cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn.
- 17-01-2022Vì sao ngay lần tổ chức đầu tiên, VinFuture đã quy tụ được những nhà khoa học, công trình nghiên cứu thực tiễn có ảnh hưởng nhất thế giới?
- 15-01-2022Bí mật về 'ngày khai sinh' VinFuture và hé lộ chủ nhân giải thưởng 3 triệu USD
- 13-01-2022Tuần lễ trao giải VinFuture lần đầu tiên đưa những tên tuổi có tầm ảnh hưởng nhất của khoa học toàn cầu tới Việt Nam
- 08-11-2021Quỹ VinFuture tổ chức đối thoại “Năng lượng tái tạo vật liệu tương lai”
- 18-09-2021Chủ nhân Nobel Vật lý: “Giải thưởng VinFuture sinh ra để lắng nghe các nhà khoa học trên toàn cầu”
Sinh năm 1953 tại London, Giáo sư Sir Richard Friend từ nhỏ đã rất yêu thích khoa học. Niềm đam mê với vật lý được nhen nhóm từ khi ông nhận được bộ lắp ráp Meccano đầu tiên. Những tấm kim loại đục lỗ, ròng rọc, bánh răng và bánh xe đã khơi gợi sự tò mò đối với cậu bé 5 tuổi khi ấy. Richard Friend đã lắp ghép những mô hình đầy sáng tạo theo cách của riêng mình.
Năm 11 tuổi, ông sở hữu bộ lắp ráp điện tử đầu tiên và ngay lập tức đã có những hình dung trong đầu về bóng bán dẫn. Ông nhận thấy rằng khoa học khi ấy vẫn còn quá nhiều điều chưa rõ ràng. Ông đã không ngại thử nghiệm. Richard Friend tin rằng sự sáng tạo sẽ xuất phát từ những thử nghiệm lặp lại đó.
Năm 13 tuổi, ông theo học tại trường Rugby. Những giáo viên dạy vật lý và hóa học tài năng tại ngôi trường này đã truyền thêm cảm hứng cho tình yêu khoa học của ông. Khi bước vào cánh cổng của trường Đại học Cambridge, ông đã theo học các môn khoa học tự nhiên và vật lý chính là môn học thu hút ông hơn cả.
Giáo sư Richard Friend khi đó cũng từng dành vài năm làm trợ giảng tại Đại học St. John. Công việc giảng giúp ông chủ động tiếp cận được nhiều nguồn kiến thức và thông tin phục vụ cho nghiên cứu. Theo ông, giảng dạy cũng như là "học việc" trong phòng thí nghiệm.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ và thành lập một vài công ty, năm 1989, ông và nhóm nghiên cứu đã có khám phá cực quan trọng tạo ra điốt bằng nhựa bán đẫn và chúng đã phát sáng khi có dòng điện chạy qua. Phát hiện này đã đặt nền tảng cho nhiều công nghệ hiện đại ngày nay mà chính ông cũng bất ngờ vì tính hữu ích từ phát hiện đầu tiên của mình.
"Khoa học phụ thuộc vào thế giới thực. Công nghệ là động cơ khám phá lớn nhất, có thể tạo ra mọi thứ và đo lường mọi thứ mà trước đây không thể thực hiện được. Nếu bạn cố gắng né tránh khó khăn, bạn sẽ đánh mất cơ hội", Giáo sư Friend chia sẻ.
Giáo sư Richard Henry Friend là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng chuyên môn và toàn thế giới vì những cống hiến của mình. Do đó, ông thường xuyên được mời tham dự với vai trò là giám khảo của nhiều hội đồng giải thưởng quốc tế danh giá về khoa học công nghệ.
Ngài Richard Henry Friend hiện đang là Giáo sư Vật lý tại Đại học Cambridge của Anh và là Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý Bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge. Ông cũng là Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Singapore, và là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khoa học của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) Singapore.
Ông đồng thời cũng là một trong những chuyên gia thẩm định của Chương trình Hợp tác Nghiên cứu Quốc tế (IRC) trực thuộc Liên minh Châu Âu và là người đồng sáng lập của Cambridge Display Technology (CDT) và Plastic Logic.
Giáo sư Richard Henry Friend sở hữu khoảng hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố uy tín trên thế giới và là tác giả/đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học khác nhau. Hiện Giáo sư vẫn tiếp tục tích cực nghiên cứu và thường xuyên xuất bản những ấn phầm trong lĩnh vực này.
Trong những thành tựu về khoa học công nghệ mà Giáo sư Richard Henry Friend đạt được, nổi bật nhất phải kể đến việc phát triển các kỹ thuật xử lý polymer cho các polymer liên hợp và chứng minh kích thích điện tử phi tuyến tính thông qua các phép đo điện và quang.
Các nghiên cứu về OLED của ông đã đặt nền tảng phát triển màn hình phẳng, màn hình cuộn và màn hình chuyển động trong tương lai. Ứng dụng được biết đến nhiều nhất là màn hình OLED, một bộ phận phổ biến trong các thiết bị điện tử như TV, smartphone.
Với các thành tựu to lớn được cả thế giới ghi nhận trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, Giáo sư Richard Henry Friend đã được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Anh vào năm 1993 và Viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh vào năm 2002.
Ông cũng đã được vinh danh với nhiều huy chương, giải thưởng cao quý như: Huy chương Faraday của IEE năm 2003. Năm 2009, ông nhận Huân chương và Giải thưởng của Viện Vật lý Katharine Burr Blodgett cùng với Tiến sĩ David Ffye.
Đặc biệt năm 2010, Giáo sư Richard Friend là một trong ba người nhận Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ (Millennium Prize) danh giá cho sự phát triển của điện tử nhựa. Năm tiếp theo, Giáo sư Richard Friend được trao Giải thưởng Harvey của Technion ở Israel.
Qua nhiều công trình nghiên cứu tâm huyết và những đóng góp không ngừng nghỉ cho ngành Vật lý, Giáo sư Richard đã được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ để tôn vinh những cống hiến xuất sắc cho ngành Vật lý vào năm 2003.
Giáo sư Sir Richard Henry Friend tham dự sự kiện trao giải Vinfuture với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng của VinFuture, giải thưởng về Khoa học Công nghệ toàn cầu lần đầu tiên do người Việt (ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân) khởi xướng, diễn ra từ ngày 18 – 21/01/2022.
Nhắc đến Giải thưởng Vinfuture trong một bài viết được trích lại nguyên văn trên tờ The Independent, Giáo sư Richard Henry Friend đánh giá cao những giải thưởng khoa học như VinFuture sẽ thúc đẩy những đột phá và truyền cảm hứng cho những sáng tạo mới trong tương lai.
Phân tích về giải thưởng quốc tế mang thương hiệu Việt Nam, giáo sư Sir Richard Friend nhấn mạnh hai nhu cầu rõ ràng xung quanh việc trau dồi và nuôi dưỡng sự đổi mới.
Thứ nhất, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về những đột phá trong khoa học và công nghệ. Con người có thể dùng khoa học công nghệ để phá bỏ mọi rào cản, tạo điểm nhấn cho những phát triển mới và truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai.
Ông cho rằng việc ghi nhân những thành tựu khoa học thông qua các giải thưởng và các lễ trao giải đặc biệt có thể giúp thúc đẩy sự đa dạng trong cộng đồng khoa học và mở rộng khả năng tiếp cận cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Thứ hai, ông nhấn mạnh cần phải hành động nhiều hơn nữa để khuyến khích các nhà khoa học thuộc mọi dân tộc, mọi quốc gia và vùng lãnh thổ tích cực phát minh và sáng tạo. Các nhà khoa học tại các quốc gia đang phát triển chưa được quan tâm đủ mức vì tiếng nói chưa đủ lớn với những gì họ xứng đáng có được.
Với khao khát đổi mới khoa học công nghệ, ông và nhiều nhà khoa học nổi tiếng khác quy tụ trong sự kiện trao giải non trẻ tại Việt Nam với mong muốn thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo và sẵn sàng đổi mới. Tâm huyết của các nhà khoa học cũng chính là sứ mệnh của VinFuture, tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người trên khắp hành tinh thông qua việc tôn vinh các nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ mang tính đột phá.