MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pyn Elite Fund và VinaCapital đồng loạt thua lỗ với khoản đầu tư vào “ông trùm BOT” Tasco (HUT)

Tasco được đánh giá tiềm năng với hoạt động kinh doanh lõi là đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông, đầu tư bất động sản. Tuy vậy, cổ phiếu của công ty lao dốc mạnh trong 2 năm qua khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ, ngay cả những quỹ tên tuổi như Pyn Elite Fund và VinaCapital.

CTCP Tasco (Mã CK: HUT) là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông, đầu tư bất động sản…Trong đó, hoạt động thu phí BOT được coi là "con gà đẻ trứng vàng" của Tasco khi doanh nghiệp này đã/đang khai thác các tuyến như BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT Tân Đệ (Thái Bình), BOT Quốc lộ 10 (Hải Phòng), BOT Quốc lộ 1. Ngoài ra, VETC – công ty con của Tasco cũng là đơn vị vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC).

Bên cạnh làm các dự án BOT, Tasco cũng tham gia vào nhiều dự án BT để gia tăng quỹ đất, từ đó tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Phần lớn các dự án bất động sản Tasco triển khai nằm ở khu vực phía Tây Hà Nội như dự án Xuân Phương, Foresa Mỹ Đình, 48 Trần Duy Hưng…

Với hoạt động kinh doanh dựa trên 2 lĩnh vực chính là thu phí BOT và kinh doanh bất động sản, kết quả kinh doanh Tasco nhìn chung khá ổn định. Trong đó, 2016 được ghi nhận là năm hoạt động tốt nhất của Tasco với doanh thu 2.786 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 404 tỷ đồng.

Pyn Elite Fund và VinaCapital đồng loạt thua lỗ với khoản đầu tư vào “ông trùm BOT” Tasco (HUT) - Ảnh 1.

KQKD Tasco lao dốc sau khi tạo đỉnh năm 2016

Tuy vậy, kể từ sau đỉnh cao năm 2016, hoạt động kinh doanh của Tasco đang có dấu hiệu chững lại. Năm 2018, lợi nhuận Tasco đạt được chỉ là 66 tỷ đồng, giảm 78% so với năm trước đó. Đến quý 1/2019, Tasco thậm chí lỗ gần 14 tỷ đồng.

Một trong những lý do khiến lợi nhuận Tasco giảm sút đến từ những lùm xùm tại dự án BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc khiến doanh nghiệp bị dừng thu phí. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản cũng chưa bàn giao hết cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh.

Với kết quả kinh doanh kém tích cực trong những năm gần đây, cổ phiếu của Tasco (HUT) đã giảm khá mạnh và điều này khiến phần lớn cổ đông mới đầu tư vào HUT đều thua lỗ nặng nề.

Pyn Elite Fund, VinaCapital thua lỗ với khoản đầu tư vào HUT

Trong cơ cấu cổ đông Tasco, đáng chú ý có sự hiện diện của 2 cổ đông lớn là Pyn Elite Fund và nhóm quỹ VinaCapital, đây cũng là những quỹ ngoại lớn hàng đầu thị trường Việt Nam.

Pyn Elite Fund (tiền thân là Mutual Elite Fund) đầu tư vào HUT từ đầu năm 2015, đây cũng là giai đoạn quỹ này tất toán danh mục tại Thái Lan để chuyển hướng sang thị trường Việt Nam. Trong suốt giai đoạn từ 2015 đến 2017, Pyn Elite Fund liên tục mua qua sàn và thông qua các phát hành riêng lẻ, cũng như nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Tính riêng 2 đợt mua riêng lẻ năm 2015 và 2017, Pyn Elite Fund đã chi ra tổng cộng 120 tỷ đồng cho 10 triệu cổ phiếu HUT.

Có thể thấy, ngay khi sang Việt Nam, Pyn Elite Fund đã đặt nhiều niềm tin vào đà tăng trưởng của HUT và điều này đã được đền đáp bằng kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2016. Tuy vậy, sau năm 2017 chững lại về kết quả kinh doanh, Pyn Elite Fund đã ngưng giải ngân mới vào HUT và thậm chí đã bán bớt cổ phiếu vào cuối năm 2018.

Hiện tại, thị giá cổ phiếu HUT chỉ còn hơn 3.000 đồng/cp, thấp hơn khá nhiều so với vùng giá 6.000 đồng – 11.000 đồng/cp (tính theo giá điều chỉnh) khi Pyn Elite Fund giải ngân giai đoạn 2015 - 2017. Đến lúc này, Pyn Elite Fund vẫn còn nắm giữ 28,57 triệu cổ phiếu HUT, tương ứng tỷ lệ sở hữu 10,64%.

Pyn Elite Fund và VinaCapital đồng loạt thua lỗ với khoản đầu tư vào “ông trùm BOT” Tasco (HUT) - Ảnh 2.

Cổ phiếu Tasco (HUT) lao dốc cùng với KQKD kém tích cực

Trong khi đó, nhóm quỹ VinaCapital mới trở thành cổ đông lớn của HUT thông qua đợt phát hành riêng lẻ năm 2017 (Pyn Elite Fund cũng tham gia mua trong đợt này). Khi đó, nhóm quỹ VinaCapital đã mua 30 triệu cổ phiếu với mức giá 10.500 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 315 tỷ đồng. Sau giao dịch này nhóm VinaCapital nắm giữ 36,72 triệu cổ phiếu HUT, tương ứng tỷ lệ sở hữu 15,27%.

Kể từ khi trở thành cổ đông lớn, VinaCapital đã thực hiện khá nhiều giao dịch với cổ phiếu HUT và đến nay chỉ còn nắm giữ 30,12 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 11,99%. Tại mức giá hiện tại, 30 triệu cổ phiếu HUT mà VinaCapital nắm giữ chỉ còn giá trị khoảng 100 tỷ đồng, bằng 1/3 so với số tiền đã chi ra trong đợt phát hành riêng lẻ cách đây 2 năm.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên