Quá tải chưa từng có, Chủ tịch Vietnam Airlines phải “lượn” trên trời
Sân bay Tân Sơn Nhất tắc cả trên trời, nhà ga và cả ngoài đường...
- 01-08-2016Vì sao Vietnam Airlines dừng khai thác dòng máy bay ATR72?
- 28-07-2016Vietnam Airlines (VNA) thông báo không khai thác 02 chuyến bay VN1188 và VN1189
- 26-07-2016Vietnam Airlines nói gì về việc hoãn chuyến bay để cứu người Hàn Quốc
“Ngay mới hôm qua, cả Chủ tịch Vietnam Airlines và Cục trưởng Hàng không cũng phải bay vòng trên trời hơn 30 phút khi máy bay không thể hạ cánh được do sân bay quá tải. Của nhà làm được mà còn thế đấy”.
Viện dẫn trên được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM về các giải pháp giảm quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 11/8.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải chưa từng có, với các chỉ số khai thác đều vượt mọi quy hoạch.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm sản lượng hành khách qua sân bay đạt trên 15,7 triệu; tăng trưởng 23,1%.
“Với tốc độ này, năm nay sản lượng sẽ đạt trên 31 triệu hành khách, trong khi thiết kế của nhà ga chỉ phục vụ được 25 triệu. Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã tắc cả trên trời, nhà ga và cả ngoài đường. Mà nguyên nhân tắc trên trời trước hết là do tắc ở dưới đất”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, hiện sân bay chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80. Hai đường băng nhưng chỉ một đường lăn ra vào hai chiều. Tàu bay này hạ cánh đi vào nhà ga thì tàu bay khác phải chờ. Có tình trạng hết vị trí đỗ nên tàu bay phải chờ trên đường lăn khiến có lúc đến 9 chiếc khác phải bay vòng vòng trên trời.
“Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Quốc phòng để bàn giao 21 ha đất quốc phòng, mở rộng thêm 50 vị trí sân đỗ và đường lăn. Cùng với đó là nghiên cứu phương án làm một nhà ga lưỡng dụng và mở thêm đường ra hướng Cộng Hòa để giảm tải cho đường Trường Sơn. Nếu xây thêm nhà ga và làm thêm được bãi đỗ, công suất của Tân Sơn Nhất sẽ nâng lên 40 triệu hành khách một năm”, ông Thanh nói.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ít nhất đến năm 2025 sân bay quốc tế Long Thành mới được đưa vào khai thác giai đoạn 1, trong khi dự kiến năm 2025 sản lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất là 50 triệu lượt. Việc đảm bảo vận tải và an toàn bay cho hành khách qua Tân Sơn Nhất trong 10 năm tới đó là thách thức rất lớn.
“Ùn tắc trên không cũng do ùn tắc dưới mặt đất gây ra vì nhà ga quá tải, bãi đỗ quá tải. Máy bay phải bay vòng vòng chờ trên trời 15 phút, nửa tiếng là thường xuyên”, Phó thủ tướng nói.
Cũng theo Phó thủ tướng, phương án xây nhà ga mở thêm đường hiện được coi là phương án khả thi nhất vì vừa nâng công suất lên gấp đôi mà đầu tư ít tốn kém.
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Quốc phòng sớm oàn thiện phương án trình Chính phủ quyết định, đồng thời nhanh chóng tìm nhà đầu tư để xây dựng nhà ga theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) hoặc BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành).
UBND Tp.HCM cũng được giao nghiên cứu, tiến hành các thủ tục để đầu tư ngay 2 cầu vượt, đầu tư tuyến đường mới vào sân bay sau khi được phê duyệt.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2015, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 181 nghìn lượt chuyến bay (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng hành khách đạt hơn 26,5 triệu. Dự báo cả năm 2016, hành khách qua sân bay vượt công suất thiết kế của sân bay.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và thực hiện phương án bố trí lại mặt bằng, mở rộng 2 nhà ga hành khách trên phần đất hiện hữu của Cảng để nâng tổng công suất 2 nhà ga lên khoảng 30 triệu hành khách/năm. Việc mở rộng hai nhà ga được thực hiện từ nay đến cuối năm 2016.
Về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và UBND Tp.HCM sẽ phối hợp giải quyết các thủ tục pháp lý, tài chính có liên quan để tiến hành xây mới 1 hoặc 2 nhà ga hành khách lưỡng dụng, công suất từ 10-15 triệu lượt hành khách/năm trên đất hiện do quân đội quản lý.
VnEconomy