Quá tải dịch vụ du lịch hè: Những chuyến đi không trọn vẹn
Bãi biển Sầm Sơn kín bưng khách. Ảnh: Hoàng Lam
Dù cao điểm mùa du lịch hè năm 2022 đã qua nửa chặng đường nhưng nhiều tỉnh, địa phương có điểm du lịch nổi tiếng vẫn đang rơi vào cảnh quá tải nặng thậm chí có nơi “vỡ trận” khi ùn tắc từ sân bay đến các điểm đến . Do tình trạng cầu vượt cung khiến du khách phải chịu cảnh giá vé máy bay tăng cao, ăn uống “chặt chém”, giá phòng tăng chóng mặt.
- 18-07-2022Tour du lịch vũ trụ đang giảm giá mạnh: Từ 2,9 tỷ chỉ còn 1,2 tỷ, nhìn số người đặt mới ấn tượng
- 02-07-2022Doanh nghiệp du lịch xoay xở giữ giá tour
Dịp hè 2022, nhiều hành khách hào hứng lên kế hoạch xả hơi. Thế nhưng, chuyến đi của nhiều người không trọn vẹn, thậm chí là trải nghiệm muốn quên vì tàu xe đi lại quá tải, giá dịch vụ tăng cao, bị "chặt chém".
Chia sẻ trên một diễn đàn du lịch, anh Nguyễn Linh (Hà Nội) bức xúc: "Ngày đầu tới Đà Nẵng- Hội An, tôi bị lừa 3 lần. Xuống máy bay, tôi xem giá đặt xe về khách sạn trên ứng dụng là 430 nghìn đồng, nhưng có tài xế taxi ở đó mời đi luôn giá 400 - 500 nghìn đồng. Tôi đồng ý, lúc xuống xe tài xế lấy 660.000 đồng". Chưa hết, dù đã hỏi trước giá, nhưng từ quả dừa, đến bát chè, anh Linh cho biết đều phải trả giá cao gấp 1,5 - 2 lần bình thường.
Bãi biển Sầm Sơn kín bưng khách. Ảnh: Hoàng Lam
Còn chị Nguyễn Phương (TPHCM) và gia đình cũng vừa có chuyến du lịch “khó quên”, khi bị khách sạn hủy phòng sát giờ check-in. Chị Phương cho biết, một khách sạn ở Đà Nẵng tự ý hủy phòng đặt trước trên ứng dụng Booking.com, và cố ý ép khách chuyển sang khách sạn khác, chi phí cao hơn nhiều lần. “Khách sạn đó báo trên hệ thống Booking.com là mình vắng mặt, không nhận phòng. Mình bị phạt tiền, chịu phí hủy phòng theo quy định. Ứng dụng đặt phòng không có số hỗ trợ, email trả lời tự động không giải quyết được vấn đề phát sinh. Người chịu thiệt thòi là khách hàng”, chị Phương phàn nàn.
Về ăn uống và các dịch vụ vui chơi, chị Phương cho biết, cách đây 3-5 năm, Đà Nẵng - Hội An rất khác, còn giờ thì xuất hiện nạn chèo kéo, giá cả không tương xứng chất lượng.
Cùng phản ảnh trên diễn đàn với chị Phương, một hành khách khác bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng xử lý việc chặt chém ở Rừng Dừa Bảy Mẫu (Hội An). Hành khách này phải trả 200.000 đồng/ người/ lượt cho việc tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng, đắt gấp hơn 3 lần bình thường. "Nhà mình 4 người tốn 800 nghìn đồng, thậm chí còn tips (bo) thêm, mà không ngờ bị đối xử vậy", khách hàng bức xúc. Cùng có trải nghiệm không mấy vui vẻ ở rừng dừa, nhiều khách hàng cũng phản ánh bị tài xế, cò mồi chèo kéo, "chém đẹp" tới 400 - 500 nghìn đồng/ thúng tham quan trong khi giá trung bình tại đây thường 100 - 200 nghìn đồng/ thúng.
Tình trạng máy bay chậm, huỷ chuyến, tàu, phà quá tải vô tình biến đợt nghỉ dưỡng của nhiều hành khách, trở thành chuyến "hành xác". Anh Ngô Văn Thắng (TPHCM) cho biết, vừa tốn hơn 9 tiếng cho chặng bay Hải Phòng- TPHCM vốn dĩ chỉ 2 tiếng. "Ngày 5/6, tôi bay là 19h20. 18h10 tôi ra làm thủ tục thì hãng báo chậm chuyến, không biết bao giờ mới bay, bảng điện tử không hiện giờ bay. Vạ vật ở sân bay, tôi không tìm được nhân viên hãng để hỏi giờ bay mới, và chỉ tới lúc loa thông báo 0h10 hôm sau bay, tôi mới được biết", anh Thắng chia sẻ.
Hay như chị Thu Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng trải nghiệm du lịch không hề vui vẻ khi đi Cát Bà phải chịu cảnh ùn tắc 4 giờ tại phà Gót. "Mình có 2 đứa con nhỏ phải chờ từng đoàn người nhích dần lên phà trong nắng nóng không có gì khổ bằng. Sau chuyến du lịch, 2 con tôi ốm mấy ngày".
Quá tải dịch vụ do đâu?
Trao đổi với phóng viênTiền Phong, ông Phạm Minh Quang, Tổng Giám đốc Cty Dophin tour cho biết: "Sự bùng nổ trong hoạt động du lịch hè năm nay là do người dân kìm nén lại nhu cầu này trong suốt 2 năm dịch COVID-19, nay đến dịp được bung ra mạnh mẽ. Trong khi đó, sự thiếu hụt nguồn cung ứng: nhà hàng, khách sạn, lao động… chưa phục hồi kịp khiến nhiều nơi quá tải".
Theo ông Quang, sự quá tải xảy ra tại các điểm du lịch biển như: Sầm Sơn, Phú Quốc, Hạ Long, Cát Bà… "Năm nay, ngoài khách là các gia đình, số khách đến từ các cơ quan, đơn vị cũng rất lớn, thậm chí chiếm tới 70% lượng khách tua. Có đoàn của khách dạng này lên tới 100- 200 người. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn đặt tua cho đoàn lên tới 2.000 khách", ông Quang nói.
Ông Quang cho rằng, nhu cầu khách hàng tăng đột biến trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Khách rất khó tìm kiếm dịch vụ từ vé máy bay, khách sạn. Thậm chí, nhà hàng đến đặt không có chỗ ngồi, tranh nhau chỗ. "Bản thân doanh nghiệp vừa gặp phải tình huống có khách đoàn xin đi nhưng bên tôi không có hướng dẫn viên mà phải bố trí sinh viên thực tập. Dù có chứng chỉ từ trường đại học nhưng vẫn chỉ là sinh viên thực tập. Hiện, chúng tôi đang hạn chế nhận đoàn vì các bên cung ứng dịch vụ không có", ông Quang cho hay.
Ông Quang cho biết thêm, với khách nội địa đi tua đường bộ, giá tua tăng 15- 20% so với trước dịch, riêng đường hàng không tăng tới 30% so với trước. Thậm chí với suất ăn du lịch cũng tăng lên để đảm bảo nhu cầu ăn uống cho khách.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tháng 5 và tháng 6/2022 lượng khách nội địa lần lượt đạt 12 triệu và 12,2 triệu lượt. Ðây là lượng khách nội địa trong một tháng cao nhất tại Việt Nam những năm gần đây. Nhờ đó, lượng khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt (gấp gần 1,4 lần cùng kỳ năm 2019), trong đó có khoảng 8,3 triệu lượt khách lưu trú.
"Hiện, ngành du lịch khan hiếm nhân sự, dịch vụ cũng còn bất cập khiến mọi thứ như mớ bòng bong. Du lịch đông tới đây thì vừa mừng vừa lo. Mừng vì ngành du lịch quay trở lại . Lo vì quá tải, vỡ trận. Bản thân công ty tôi có nhân sự không quay trở lại và một số nhà hàng, khách sạn cũng chưa mở lại. Cần phải có thời gian để mọi thứ phục hồi trở lại", ông Quang cho hay.
Còn Nguyễn Trọng Anh, Giám đốc Cty Anh Tour, người có kinh nghiệm 22 năm làm tua phải thốt lên rằng: "Chưa năm nào du lịch hè lại bất thường như năm nay". Theo ông Trọng Anh, nếu như bình thường, cao điểm du lịch hè rơi vào tháng 6, 7. Nhưng năm nay đặc biệt, cao điểm rơi vào từ tháng 5 và dự báo đến hết tháng 8. Năm nay du lịch bất thường không theo quy luật gì. "Các đơn vị lữ hành cố gắng hướng khách không đi vào cuối tuần nhưng tất cả các điểm du lịch từ đầu tuần hay cuối tuần đều kín. Nguyên nhân bởi thị trường quốc tế chưa trở lại, giá cả cao, điều kiện hơi ngặt nghèo nên người dân vẫn lựa chọn du lịch nội địa", ông Trọng Anh nói.
Ông Trọng Anh cho biết, hiện, riêng giá vận chuyển du lịch tăng gấp đôi cả đường thủy và đường bộ. Một phần do giá xăng tăng, một phần té nước theo mưa. Ví dụ, một tàu thăm vịnh Hạ Long 1 tiếng giá 400.000 đồng tăng thành 800.000 đồng mà không có tàu. "Lần đầu tiên trong đời làm tua thấy nhà hàng từ chối nhận khách . Kể cả tại Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa, cứ cuối tuần là họ không nhận. Do nhà hàng quá tải nên phải đặt số lượng khách nhiều và là đơn vị thân quen họ mới nhận", ông Trọng Anh cho hay.
Theo ông Trọng Anh, riêng với khách bay, công ty lữ hành tách riêng phần vé không tính vào tua và khách cũng phát hoảng vì giá vé tăng từng ngày. Có thời điểm, 1 cặp vé bay Côn Đảo hơn 10 triệu đồng cũng không có để mua, giá vé máy bay mùa hè cao hơn vé máy bay Tết.
Ngoài ra, ông Trọng Anh cho rằng, với thị trường cao cấp khách sạn 5 sao, năm nay có hiện tượng khi đặt dịch vụ thanh toán phải gửi đúng tên từng người. Lúc đến lấy phòng nghỉ mà sai tên bị phạt 300.000 đồng/người. Điều này hết sức vô lý vì có gia đình con cả của họ không đi được cho con thứ đi cũng bị phạt.
Tiền Phong