MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản Airbnb và tư duy “sợ bụi nên không mở cửa”

31-10-2020 - 09:48 AM | Bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Thế nhưng trên thực tế, việc cho thuê theo giờ, theo ngày, theo tháng các căn hộ chung cư đã và vẫn đang nở rộ khắp nơi.

Vậy việc này thực chất có vi phạm pháp luật và có nên tiếp tục cho mô hình này hoạt động?

Đa dạng nhu cầu "Airbnb"

Huỳnh Ngân, con gái của một Tổng giám đốc doanh nghiệp lớn ở Đà Lạt, sau du học, đã chọn nối nghiệp kinh doanh bố không theo hướng thừa kế gia sản, mà sử dụng ứng dụng Airbnb để trải nghiệm và thử thách chính bản thân. "Khách du lịch nước ngoài, dân phượt rất ưa thích sử dụng ứng dụng này để đặt căn hộ. Khá đơn giản, tiện lợi cho các bên. Vấn đề chỉ là các bên có tuân thủ các quy định về đảm bảo an ninh cư trú và đóng thuế cho Nhà nước hay không. Và các quy định chính sách của Nhà nước cụ thể như thế nào. Là dân kinh doanh, mình sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật", Ngân nói.

Sự phát triển của Airbnb ở Việt Nam đã khá mạnh mấy năm qua, đặc biệt thịnh hành ở các khu vực đại đô thị hoặc phát triển du lịch và được nhiều start up quy mô nhỏ chọn làm loại dịch vụ kinh doanh khởi nghiệp.

Trong khi đó, tại TP HCM, Airbnb thậm chí còn được ứng dụng các mô hình "ngắn ngày" tính bằng tuần, bằng tháng. Và không chỉ cho cư dân vãng lai mà cư dân ngay cùng địa bàn, hoặc cùng chung cư. Đây là cách kinh doanh đã mang đến doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ tháng cho anh Phương, một nhà kinh doanh cá thể theo mô hình đi thuê căn hộ, rao cho thuê lại. Theo lời anh Phương, anh thường thuê các căn hộ chung cư gần trung tâm, cho thuê lại không chỉ qua ứng dụng Airbnb mà thực tế còn phát sinh các cách thức phổ thông, cho thuê và giao nhận nhà thanh toán trực tiếp, cung cấp dịch vụ dọn phòng, giặt áo quần… cho khách thuê theo nhu cầu. Không ít người thuê ngắn ngày theo thời gian từ vài tuần đến cả tháng hoặc hơn, do nhu cầu trọ học ngắn ngày, thuê để sửa nhà, thuê ở khi công tác...

Bỏ tư duy không quản được thì cấm

Theo đánh giá của giới chuyên môn, Airbnb thịnh hành trên thế giới và lan đến Việt Nam, chứng tỏ sức sống của một xu hướng công nghệ ứng dụng vào khai thác hiệu quả tài sản nhà ở. Đây cũng là xu thế của kinh tế chia sẻ mà nếu Nhà nước không quản được, lập tức áp lệnh cấm, sẽ chẳng khác nào việc cấm đường phát triển sandbox – một chủ trương lớn để Việt Nam kích hoạt và hướng kinh tế số quốc gia.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, một số điểm trong Luật Nhà ở 2014 quy định cấm "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở" nhằm không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong tòa nhà chung cư chưa lại được giải thích cụ thể. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở cũng quy định "quyền của chủ sở hữu nhà ở" trong đó có quyền cho thuê nhà và được thỏa thuận về thời hạn cho thuê, đồng nghĩa bao gồm cả trường hợp cho thuê ngắn hạn. Điều đó cho thấy Luật cũng không cấm. Thực tế cũng sẽ không cấm được nếu Luật đi sau xu thế.

Theo đó, ông Châu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Và kiến nghị xây dựng quy chế để người sử dụng khai thác tài sản nhà ở đóng phí quản lý chung cư hợp lý; cũng như nghiên cứu chính sách thuế không để bị thất thu theo dòng kinh tế chia sẻ.

"Có cầu ắt có cung. Chúng tôi chỉ kinh doanh những gì pháp luật không cấm và phù hợp xu hướng quốc tế. Việc Nhà nước cấm các căn hộ chung cư cho thuê ngắn ngày một cách chung chung, hoàn toàn chưa có lý do phù hợp. Phải chăng cứ sợ bụi là ta đóng cửa luôn?", anh Phương chia sẻ.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên