MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Quan chức tranh suất đi Olympic": Đi quản lý cái gì?

12-08-2016 - 07:51 AM | Xã hội

“Người ta đi thi đấu, anh đi quản lý cái gì, không lẽ sợ người ta trốn ở lại Brasil sao? Đừng biến những cuộc này thành cơ hội giải quyết chính sách của quan chức thể thao!”

Đây là quan điểm của ĐBQH Đặng Thuần Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh câu chuyện quan chức thể thao “tranh suất” của HLV, bác sĩ đi Olympic đang nóng dư luận những ngày qua.

Ưu tiên phải là HLV, bác sĩ

Trao đổi với chúng tôi, ông Phong cho biết ông rất buồn khi biết thông tin đoàn đi Olympic gồm 50 thành viên thì chỉ có 23 VĐV, với vỏn vẹn 3 bác sĩ, nhiều bộ môn không có HLV đi cùng, các suất còn lại dành cho nhà quản lý. Ông Phong cho rằng đây gần như là bệnh cũ của ngành thể dục thể thao nước nhà, mà không hiểu vì lý do gì không sửa.

“Theo tôi, với 23 VĐV thi đấu 10 môn, thêm 10 HLV với 5 bác sĩ (mỗi BS phụ trách 2 môn), thêm 2 bác sĩ tâm lý cộng 3 cán bộ quản lý (một trưởng đoàn, 1 phụ trách hậu cần, 1 lo đối ngoại) thì cũng đâu có tới 50 người? Tình trạng này không riêng gì Olympic mà ngay cả Seagame, Asiad đều như thế cả. Điều này, dứt khoát phải tránh, nếu còn như thế thì thể thao Việt Nam thiếu lòng tin ở khán giả, ở nhân dân nhiều lắm” – ông Phong nói.

Ông Phong cho rằng, với một đoàn thể thao đi thi đấu quốc tế ngoài VĐV thì HLV và bác sĩ phải là ưu tiên số một. Bởi VĐV mình qua nước ngoài đang khác múi giờ, chế độ ăn uống cũng khác, điều kiện tập luyện cũng khác, giấc ngủ chưa ổn, thi đấu chưa phù hợp điều kiện tâm sinh lý. Những cái đó cần lực lượng bác sĩ lo cho cả sức khỏe lẫn tâm lý của VĐV.

“Còn quá trình thi đấu thì sự có mặt của HLV để trao đổi thông tin kịp thời giúp cho VĐV nghiên cứu đối thủ, tự tin thi đấu tạo nên những thành tích căn bản”- ông Phong nói thêm.

Không đồng tình với cách lý giải của Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho rằng chúng ta hoàn toàn chưa có các HLV chuyên làm công tác tâm lý cũng như các nhà tâm lý để giúp các VĐV trong quá trình tập luyện và đặc biệt là trong lúc thi đấu, ông Phong cho rằng Việt Nam đâu có thiếu chuyên gia tâm lý, chỉ tại anh có biết kêu gọi hay không.

“Vấn đề là chúng ta có mạnh dạn bố trí cho họ đi không. Thí dụ, trong đoàn có nam có nữ thì cũng có bác sĩ nam, bác sĩ nữ thì người ta hiểu, gắn kết, gần gũi dễ động viên nhau” – ông Phong nhấn mạnh.

Người ta đi thi đấu, anh quản lý cái gì?

Ông Phong cho rằng, khi nhiều vấn đề bất cập trong ngành thể thao chưa được giải quyết cộng thêm chuyện này nữa sẽ rất phản cảm, không hay.

“Sau khi xem Hoàng Xuân Vinh nhận huy chương, VĐV này có nói câu “mong rằng bắn súng Việt Nam được quan tâm nhiều hơn nữa”, có thể thấy rằng không riêng gì bắn súng, các môn thể thao khác ở VN đều chưa được đầu tư. Những VĐV có đủ điều kiện cạnh tranh ở những đấu trường khốc liệt này đã chưa được đầu tư bằng ai. Trong khi những cái đó phải nên ưu tiên trước” – ông Phong nhấn mạnh.

Qua kết quả theo dõi Olympic vừa rồi, ông Phong thấy rằng thành quả có được là do tài năng của từng VĐV cụ thể, còn sự kết nối đầu tư của quốc gia tạo ra tài năng thì gần như chưa được song hành. Đây là điều đáng buồn trong thể thao Việt Nam. “Mà đây là bệnh quá lâu rồi, cần phải khắc phục sớm. Nó cũng không phải là bệnh thành tích, mà xét khía cạnh nào đó có sự lãng phí rất lớn trong đầu tư thể dục thể thao, chưa đem lại hiệu quả mong muốn, mang lại niềm tin của nhân dân đối với lĩnh vực này ” – ông Phong nói.

Ông Phong thẳng thắn cho biết rất buồn khi ngành thể dục thể thao lại sử dụng ngân sách nhà nước để đi một đoàn mà tác dụng của đoàn không hỗ trợ gì nhiều cho VĐV. Ngành thể dục thể thao cần nghiêm túc kiểm điểm, sớm sửa chữa vấn đề này để lấy lại lòng tin của nhân dân.

“Người ta đi thi đấu, anh đi quản lý cái gì, không lẽ sợ người ta trốn ở lại Brasil sao? Đừng biến những cuộc này thành cơ hội giải quyết chính sách của quan chức thể thao. Ai cũng nhìn thấy chuyện này, cứ lạm dụng chuyện này để đưa quan chức đi thay suất thì đó là cái đau của thể thao. Nếu như thế này mãi thì làm sao ngân sách đầu tư cho thể thao hiệu quả” – ông Phong một lần nữa nhấn mạnh.

Ông Phong cho biết, dưới góc độ Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ông sẽ đề xuất Ủy ban có những văn bản, hoặc có dịp sẽ trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch về vấn đề điều hành chỉ đạo nhằm lấy lòng tin của nhân dân.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic năm nay do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn làm Trưởng đoàn với tổng số 50 thành viên. Có 23 VĐV Việt Nam được quyền tham dự tại Olympic gồm: Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước (bơi), Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), Hoàng Tấn Tài, Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Vương Thị Huyền (cử tạ), Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Văn Ngọc Tú (judo), Vũ Thành An, Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Lệ Dung, Đỗ Thị Anh (kiếm), Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền (rowing), Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng (vật). Số còn lại là các HLV, chuyên gia và các quan chức thể thao. Điều đáng nói, nhiều VĐV không có HLV hay bác sĩ đi cùng vì… hết suất. Các suất này đã được dành cho một số nhà quản lý.

Theo N. Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên