Quan điểm "người nghèo không nên có con", chuyên gia giáo dục: "Cha mẹ giàu không quan trọng bằng cha mẹ tốt"
Dù MC Đức Bảo đã xin lỗi vì gây hiểu lầm và đính chính phát ngôn nhạy cảm, những tranh cãi xung quanh câu chuyện ai có "tư cách" sinh con, và nuôi dưỡng chúng thế nào vẫn khiến nhiều người trăn trở.
- 11-01-2024Cha mẹ 8X, 9X quyết tâm thay đổi cách dạy con khác thời "ông bà anh" khiến chuyên gia cũng phải gật đầu tán thưởng
- 09-01-2024Bà cụ U83 là mẹ của CEO, bác sĩ: Công thức nuôi dạy con nằm ở 7 điều "hơn người" này, ít người làm được
- 01-01-202447% cha mẹ muốn dùng phương pháp dạy con này vào năm 2024, chuyên gia can ngăn: "Lợi bất cập hại!"
Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh MC Đức Bảo VTV gắn với phát ngôn về chuyện con cái: “Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng là một loại lương thiện”. Phát ngôn nhạy cảm này đã khiến mạng xã hội bùng nổ, chia phe tranh cãi.
Có ý kiến cho rằng, Đức Bảo dù nói phũ nhưng rất thực tế. Những đứa trẻ không được chăm sóc cẩn thận, đảm bảo cuộc sống, không được hỗ trợ để học tập, phát triển khả năng không chỉ là vấn đề của gia đình mà còn có thể là gánh nặng phúc lợi cho xã hội. Ý kiến khác lại cho rằng Đức Bảo đang "tấn công" những người nghèo khó, vất vả trong xã hội.
Sau khi gây ồn ào, MC Đức Bảo đã xin lỗi và đính chính, cho rằng mình chỉ muốn nhắc nhở về trách nhiệm của người làm cha làm mẹ. Hãy mang con đến thế giới này khi đã suy nghĩ thấu đáo và có sự chuẩn bị tốt nhất trong khả năng có thể. “Chắc chắn không ai muốn chứng kiến thêm những mảnh đời bị bỏ rơi, những em nhỏ thay vì được học tập, vui chơi lại bị ép lao động nặng nhọc trong những điều kiện tồi tàn nhất”, MC cho hay.
Chia sẻ về chủ đề này, chị Catherine Yến Phạm (diễn giả, nhà giáo dục, CEO & Founder của hệ thống trường Sunshine Village School) đã có những chia sẻ thấm thía. Trong khi nhiều người bàn luận xoáy vào quan điểm, người nghẻo có nên/có được sinh con hay không, và tại sao; Catherine Yến Phạm lại thấy hai chữ “kế thừa” quan trọng hơn.
Cha mẹ giàu không quan trọng bằng cha mẹ tốt
Catherine Yến Phạm chia sẻ: “Cách đây nhiều năm, tôi nhớ mãi một câu nói được ghi lại trong một viện bảo tàng tại Trung Quốc khi giải thích một bức tranh. Câu nói đó như sau: “Nghèo khó chính là tài sản lớn nhất mà cha mẹ để lại cho con”. Tác giả cũng chính là một nhà đầu tư lớn lên từ sự nghèo khó ở vùng nông thôn Trung Quốc, trải qua nỗi nhục nghèo khó anh quyết tâm kiếm tiền, và trở thành một khởi nghiệp gia, rồi thành một nhà đầu tư rất thành công sau đó.
Tôi cũng nhớ những người bạn của mình hồi còn đi học, sáng bán xôi với mẹ, chiều đi học rồi tối học đến 2 giờ sáng để 5 giờ sáng dậy sớm đi gánh xôi.
Tôi cũng nhớ thời điểm tôi tự hào về bản thân nhất chính là hồi vào đại học, bởi thời kỳ đó vì cha mẹ rất khó nên tôi hứa với lòng mình phải tự kiếm tiền. 17 tuổi chưa kịp tốt nghiệp cấp 3 đã xin đi làm ở một nhà hàng lớn, rồi vừa học vừa làm, đến 19 tuổi thì làm 3 công việc và học cả đại học, ngày ngủ vài tiếng, rồi xoay xở tự đi du học...
Tất cả chỉ có mấy chữ: QUYẾT TÂM và NỖ LỰC. Mà người nghèo thì càng dễ có. Nên chắc vì thế mà các tỷ phú thực sự đều không để lại gia sản mà còn muốn con đi làm từ sớm ở mấy tiệm thức ăn nhanh.
Tôi cũng tự thấy điều này nữa: Đó là toàn bộ những người bạn thành tựu nhất của tôi đều xuất phát từ một gia đình gia giáo, tử tế và mẫu mực, bất chấp nhà đó giàu hay nghèo. Hầu hết họ có cha mẹ rất tốt, người nào càng có cha mẹ tốt, người đó càng thành công.
Tốt ở đây bao gồm: Tốt tính, có học thức, có tầm nhìn, có năng lực và có nhân sinh quan chuẩn chỉnh. Giàu nghèo có đủ.
Điều thứ hai không thể phủ nhận là họ đều có tư duy tốt. Có một điều chúng ta không thể phủ nhận, đó là gene của đứa trẻ, cha mẹ có hỗ trợ đến đâu cũng chỉ là cải thiện, còn thực sự năng lực xuất chúng thì là trời ban.
Còn cha mẹ giàu ư? Thời đại này thì có nhiều giá trị lắm. Dù bạn không có năng lực trời ban, nhưng có tiền để học một trường tốt vẫn hơn một bạn ngang với mình mà học trường không tốt.
Ba mẹ có tiền đồng nghĩa với có mối quan hệ, hoàn toàn có thể giúp bạn thăng tiến. Ba mẹ có tiền cũng đồng nghĩa với việc bạn có một tương lai rộng mở hơn, điều này không sai.
Tuy nhiên, cũng tùy. Cha mẹ giàu mà thiếu kiến thức. Chỉ muốn con thành tựu như ý mình rồi ép con bằng tài chính, nhân danh tình yêu... thì cũng bi đát lắm.
Tôi nhớ ngày tôi ở New York, cũng có vài người bạn người Hàn nhà giàu đến mức một bữa ăn cũng có thể chi vài trăm USD (trong trường có canteen và nhà hàng, nhóm nhà giàu ăn nhà hàng nhé). Và họ ở ngay khu Fifth Avenue, giá nhà studio thôi cũng là 3.000 - 4.000 USD/căn (giá thời đó) và họ ở căn 3 phòng ngủ. Chắc cũng cả hơn 10.000 USD trong khi cả tháng tôi xài không tới 1.000 USD.
Vậy mà họ học hành cũng không tới đâu, hầu như chỉ ăn chơi xong là ngủ. Nhưng rồi có cô bạn tôi tự tử, lý do là gia đình ngăn cấm yêu một anh nhạc công.
Nói vậy để bạn thấy, giàu lắm cũng chả làm gì để con tốt lên nếu đứa trẻ thiếu động lực, nhất là khi cha mẹ quá xuất sắc và con phải chịu áp lực vượt qua cái bóng của cha mẹ hoặc phải làm như ý cha mẹ.
Nhưng cũng chả phải nhà nghèo nào cũng có động lực. Hầu hết bạn bè cấp 2 của tôi đến giờ vẫn loay hoay cơm áo gạo tiền. Họ sinh ra trong một gia đình không nguyên vẹn, rồi cha mẹ ly hôn, xóm làng thì toàn côn đồ... Họ bỏ học sớm, hầu như không ai vào đại học, rồi cuối cùng có cố lắm thì cũng làng nhàng”.
Cách dạy con mới là "tài sản thừa kế" quan trọng nhất
Từ trải nghiệm cuộc sống cũng như kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu trong ngành giáo dục, Catherine Yến Phạm kết luận:
“Giàu nghèo không liên quan đến việc bạn nên sinh con hay không, mà là bạn tính dạy con thế nào mới quan trọng. Nếu nói là “kế thừa” thì con cái thực sự là người kế thừa gene của bạn, là tiếp nối của bạn, kế thừa tư duy của bạn, tính cách của bạn, kế thừa cách đối nhân xử thế của bạn. lòng tốt, sự quyết tâm hoặc sự thảo mai của bạn chẳng hạn. Đứa con sẽ kế thừa thái độ sống của bạn, cũng sẽ kế thừa cách mà bạn áp lực, áp đặt lên con từ những mong cầu của mình, kế thừa môi trường gia đình nhà bạn.
Cái mà bạn cần quan tâm nhất thực chất không phải là lúc bạn sinh con bạn giàu hay nghèo mà là mấy thứ sau:
1. Bạn có đủ tài chính để cho con một tuổi thơ “có bạn” hay không, hay vừa sinh ra đã giao cho ông bà rồi đi làm kiếm tiền? Nếu phải sinh con trong tình trạng đó, bạn đừng sinh, bởi không tổn thương nào lớn bằng tổn thương không có cha mẹ bên cạnh.
2. Bạn không có nhân sinh quan hay kiến thức nuôi dạy con, không sao, nhưng bạn có đủ can đảm để dám chấp nhận mình có vấn đề, có thiếu sót, để quyết tâm thay đổi, học hỏi để cùng con trưởng thành hay không? Nếu bạn chỉ học để mong muốn “con mình xịn” mà không mong muốn chính mình cũng thay đổi thì bạn chưa nên sinh con.
3. Sau khi con được 2 tuổi, bạn có quyết tâm kiếm tiền hay không, bởi đến năm con 6 - 7 tuổi và những năm sau đó bạn có lẽ sẽ cần nhiều tiền để cho con học tập đấy. Bạn nghèo không phải là vấn đề nhưng bạn mãi nghèo thì là vấn đề thật. Nhưng đừng bao giờ ra rả: Ba/ mẹ phải nai lưng kiếm tiền để nuôi con, để con được học trường xịn...
Bạn nên nói với con, và cũng nên có suy nghĩ thế này: Việc chúng ta kiếm tiền chính là để cho con và mình cùng trưởng thành. Thực chất, hãy nhìn nhận rõ kiếm tiền chân chính và hết lòng cũng là một cách thực sự vô cùng hiệu quả để bạn trưởng thành.
4. Chúng ta không nên có con để thỏa mãn việc “có” với thiên hạ, thỏa mãn cái khát vọng của gene là truyền lại nòi giống, khát khao làm mẹ có sẵn trong gene, hoặc làm hài lòng phụ huynh...
Bạn có con để để lại cho cuộc đời này một bản sao hoàn thiện của chính mình. Bởi bạn càng tốt, con bạn càng tốt, và con bạn dù không phải sống như ý bạn, cũng chính là sự tiếp nối của bạn trong thế giới này.
Cho nên có con chính là có cơ hội để phát triển bản thân mình, nên nếu bạn không thấu hiểu được mục đích này, bạn sẽ coi con là tài sản, coi con là của nợ, coi con là một sản phẩm để mình mặc sức nhào nặn như ý, coi con là trang sức đem khoe với xóm làng...
Nếu như vậy thì đúng là không sinh con cũng chính là một loại lương thiện.
Cuối cùng, sinh con thời nay không còn như thời xưa, có càng nhiều thì càng nhiều “lao động sản xuất”. Sinh con bây giờ là một trách nhiệm, một nhiệm vụ đòi hỏi chúng ta phải phát triển đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, tư duy lẫn nhân sinh quan để có thể để lại cho đời một “tài sản” thực sự: Đó là một con người hoàn chỉnh, hạnh phúc và thành công trở thành một công dân ưu tú cho thế kỷ mới này”.
Đời sống & pháp luật