Quản lý an toàn lao động: Hướng đi bền vững cho doanh nghiệp
Khi một tai nạn lao động xảy ra, cổ phiếu doanh nghiệp nếu bị giảm 1 đồng thì giá trị doanh nghiệp có thể giảm hàng triệu USD. Đầu tư vào hệ thống an toàn lao động giúp doanh nghiệp giảm những chi phí rủi ro không nên có xuống nhiều lần.
Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017, trên toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị nạn, gây thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng và gần 140.000 ngày nghỉ. Đáng nói là, những con số này có chiều hướng gia tăng so với năm 2016. Vì vậy, để phát triển bền vững trong dài hạn, doanh nghiệp tất yếu phải đầu tư vào quản lý an toàn vệ sinh lao động.
Tại các nước phát triển, việc quản lý an toàn vệ sinh lao động được lãnh đạo doanh nghiệp hết sức chú trọng bởi họ thuộc lòng chân lý: Khi một tai nạn lao động xảy ra, cổ phiếu doanh nghiệp nếu bị giảm 1 đồng thì giá trị doanh nghiệp có thể giảm hàng triệu USD. Đầu tư vào hệ thống an toàn lao động giúp doanh nghiệp giảm những chi phí rủi ro không nên có xuống nhiều lần. Trong đó, lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò là người cầm trịch.
Ông Trương Anh Hải - Phó Tổng Giám đốc NS BlueScope Việt Nam đã sử dụng hình ảnh ví von sinh động khi nói về vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động: “Trong gia đình, cha mẹ là người tạo ra môi trường an toàn, vui vẻ cho con cái. Việc này không thể phó tác cho con cái được vì cha mẹ là người có đầy đủ hành vi, năng lực và trách nhiệm để thực hiện điều đó. Tương tự như vậy, khi người chủ doanh nghiệp nói việc mất an toàn lao động là do ý thức kém của người lao động thì chẳng khác nào đang phó thác chuyện gia đình cho con cái quyết định.”
Trong khuôn khổ chương trình, các quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tham quan mô hình quản lý an toàn theo tiêu chuẩn Úc hiện đang được NS BlueScope Việt Nam áp dụng.
Là một trong các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường sớm nhất, NS BlueScope Việt Nam kế thừa hệ thống quản lý an toàn lao động được áp dụng cho các nhà máy quy mô lớn trên toàn cầu của Tập đoàn. Vì lẽ đó nên dù vận hành 3 nhà máy lớn tại Việt Nam với năng suất hàng trăm ngàn tấn thép mỗi năm, nhưng NS BlueScope Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào trong 8 năm trở lại đây.
Mang tâm thế của người đi trước với vốn kinh nghiệm thực tiễn phong phú, NS BlueScope Việt Nam đã phối hợp với ban quản lý các khu công nghiệp tại địa phương để triển khai chương trình nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn lao động với mong muốn duy nhất là nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về an toàn lao động và hướng đến hoạt động sản xuất không tai nạn lao động. Khởi xướng từ năm 2017, sau thành công ở Đồng Nai, chương trình tiếp tục được nhân rộng cho các doanh nghiệp tại Bà Rịa Vũng Tàu – địa phương tập trung đầu tư lớn nhất của NS BlueScope Việt Nam với nhà máy thép mạ trị giá trên 100 triệu USD.
Trên cơ sở nghiên cứu đặc thù Bà Rịa Vũng Tàu là tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp công nghiệp nặng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động, NS BlueScope Việt Nam đã thiết kế chương trình gồm chuỗi hội thảo xoay quanh các vấn đề được coi là thiết yếu trong việc quản lý an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
Cụ thể, chương trình sẽ tổ chức: Hội thảo chuyên đề “vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động” thảo luận về các nội dung xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp, mô hình quản lý an toàn hiệu quả, nhận dạng nguy cơ và kiểm soát rủi ro, tự kiểm tra an toàn, hệ thống quản lý và phân tích dữ liệu an toàn trực tuyến (MARS); Tham quan mô hình quản lý an toàn thực tế được Công ty áp dụng cho nhà máy tại KCN Phú Mỹ I, Bà Rịa Vũng Tàu dành cho quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro đối với các hoạt động có rủi ro cao như các công việc có tiếp xúc với nguồn năng lượng, an toàn làm việc trên cao, an toàn chống cháy nổ đồng thời kết hợp với tham quan thực tế dành cho cán bộ phụ trách hoặc cán bộ trực tiếp thao tác nghiệp vụ. Chương trình được kỳ vọng sẽ đem lại một làn gió mới cho tình hình triển khai an toàn lao động trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Lâu nay, tư duy “tiết kiệm đồng nào hay đồng đấy” đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt, trở thành rào cản cho việc đầu tư hệ thống quản lý an toàn lao động nhưng lợi bất cập hại. Đã đến lúc lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để hướng về sự phát triển bền vững trong dài hạn.