MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Bút bi Thiên Long 'chẩn bệnh' cho người khởi nghiệp

06-07-2013 - 22:52 PM |

Không thể phủ nhận ảnh hưởng của suy thoái kinh tế lên "sức khỏe" doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn có không ít DN đứng vững và tiếp tục phát triển. Điều này cho thấy suy thoái kinh tế không phải là nguyên nhân duy nhất.

Phép thử tính toán

Tính chủ quan, không có sự chuẩn bị tốt trước những thách thức và khó khăn sẽ xảy ra cũng như khả năng quản trị DN kém đã khiến một số DN, đặc biệt là DN nhỏ, phải rời khỏi thương trường sớm.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, trước khi quyết định mở DN, phải có khả năng dự báo về những biến chuyển sắp tới của nền kinh tế, đưa ra những kịch bản thay đổi theo những chuyển biến này và giải pháp đi kèm. Một khi thông tin dự báo có cơ sở, kịch bản đưa ra là phù hợp cũng như giải pháp đi kèm có tính thuyết phục, quyết định ấy mới tạm gọi là đủ độ chín.

Ngoài đánh giá về tình hình kinh tế theo từng giai đoạn, để tránh những cú sốc ban đầu khi khởi nghiệp, nên phân tích và nhận định kỹ về sản phẩm và thị trường tiêu thụ dự kiến của DN trong tương lai. Ngoài sản phẩm và thị trường, những yếu tố quan trọng khác liên quan đến nguồn lực của DN cần được xem xét kỹ, đó là: nguồn vốn, đội ngũ nhân sự và công nghệ cùng máy móc, thiết bị (nếu DN có sản xuất), nhưng quan trọng hơn cả là khả năng và kỹ năng quản trị DN.

Những yếu tố này, trong giai đoạn tiền khởi nghiệp cần phải được đưa ra và phân tích thấu đáo.

Năm 1981, Thiên Long ra đời trong bối cảnh kinh tế Việt Nam khủng hoảng. Cái khó lúc ấy không nằm ở yếu tố sản phẩm, thị trường hay đội ngũ nhân sự, mà tập trung ở nguồn vốn, công nghệ và máy móc, thiết bị.

Năm 2010, Thiên Long trở thành công ty đại chúng và lên sàn giao dịch chứng khoán, cũng có thể xem thời điểm này là giai đoạn khởi nghiệp của Thiên Long trong bối cảnh mới của nền kinh tế đã có những bước phát triển nhất định.

Khó khăn lúc ấy chủ yếu ở nguồn vốn, đội ngũ nhân sự và kỹ năng quản trị DN trong giai đoạn mới. Nhưng những con người ở Thiên Long đã rất chịu khó, cần cù làm việc, quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra, chắt bóp chi tiêu và học hỏi không ngừng để dần vượt qua khó khăn và từng bước đi đến thành công.

Kết hợp lý thuyết lẫn kinh nghiệm

Xuất thân là giáo viên, tôi cũng trải qua nhiều công việc khác nhau để mưu sinh trong một thời gian dài. Chính những kiến thức có được từ lý thuyết và kinh nghiệm sống thực tế đã giúp tôi tránh được những thiệt hại đáng kể trong quá trình khởi nghiệp cũng như xây dựng và phát triển DN.

Tự tin nhưng không chủ quan, biết lắng nghe và chọn lọc những gì hữu ích cho mình, đôi khi cũng liều lĩnh nhưng có tính toán, kiên nhẫn và cẩn trọng khi xử lý một vấn đề... là một vài kinh nghiệm quý giá giúp tôi và DN khá lên nhiều trong thời gian qua. Cũng có những lúc tôi cảm thấy thất vọng hoặc chán nản, nhưng nhất quyết không buông xuôi.

Và có lẽ nhờ luôn có thái độ sống và làm việc tích cực nên tôi đón nhận thách thức, khó khăn trong kinh doanh bình tĩnh hơn và khả năng chịu đựng cũng bền bỉ hơn. Ngoài tinh thần lạc quan, sự cam kết thực hiện mục tiêu trong kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong sự thành, bại của DN.

Trở lại tình hình chung hiện nay, có thể thấy khó khăn trên thương trường tạm chia thành hai nhóm: nhóm đã được dự báo và nhóm bất ngờ. Dù là khó khăn đã được dự báo hay bất ngờ, điều đầu tiên nên làm là phải bình tĩnh.

Đối với những khó khăn đã được dự đoán, cần ứng dụng ngay những giải pháp đã dự trù cùng với theo dõi diễn biến để kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Đối với những khó khăn bất ngờ, cần có sự phân tích thấu đáo và cố gắng tìm ra giải pháp khi gặp những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được.

Để làm được điều này, cần thu thập nhiều thông tin liên quan đến những khó khăn đó, đồng thời xin ý kiến, lắng nghe lời khuyên từ những nhà tư vấn, những bậc đàn anh trong nghề.

Nói chung, việc dấn thân, mở DN vào thời điểm này hay chấp nhận chờ đợi ngày mai khi kinh tế có những tín hiệu khởi sắc sẽ tùy thuộc vào khả năng dự báo tình hình kinh tế sắp tới, những kịch bản chuẩn bị kèm theo giải pháp.

Về nội lực DN, cần có kế hoạch chi tiết tập trung xem xét các yếu tố về sản phẩm, thị trường tiêu thụ, nguồn vốn, đội ngũ nhân sự, công nghệ, máy móc, thiết bị và khả năng quản trị. Có những bài học cần học càng nhiều càng tốt, càng lâu càng thấm.

Nếu trong một nền kinh tế phát triển ổn định hoặc ít xảy ra những biến động lớn, theo tôi, tuổi trẻ nên dấn thân với thử thách khi đã có những kiến thức căn bản về kinh doanh cùng với ý chí tiến thủ. Và vì thử thách vốn muôn hình vạn trạng nên các bạn trẻsẽ có cơ hội "thấm" nhiều bài học trong quá trình dấn thân.

Theo TS. VÕ VĂN THÀNH NGHĨA
 Tổng giám đốc Tập đoàn Văn phòng phẩm Thiên Long

kyanh

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên