MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy biết hoài nghi tất cả!

27-08-2014 - 14:17 PM |

"Hãy biết hoài nghi tất cả” là câu trả lời của Karl Marx khi con gái hỏi về câu châm ngôn mà ông thích nhất.

Thông điệp ông muốn gửi con gái: Con hãy biết lắng nghe không chỉ bằng sự cầu thị của con tim mà cả bằng sự sáng suốt, khôn ngoan của trí óc. Đừng nhầm lẫn chữ "hoài nghi" với "đa nghi" ở đây. "Hoài nghi" là hành động khách quan cần thiết để đánh giá thấu đáo một sự vật, hiện tượng. Ngược lại, "đa nghi" thuộc về tính cách tiêu cực kiểu như "nhìn đâu cũng có vi trùng".

Karl Marx đang gián tiếp nói về suy nghĩ biện chứng trong quá trình tiếp nhận thế giới quan của con người. Đây là cách đánh giá, nhìn nhận sự vật, hiện tượng một cách khách quan như đúng với những gì nó vốn có, không tô hồng quá cũng không bôi đen quá. Không bảo thủ vì cái tôi cá nhân cũng không dễ dãi hùa theo tâm lý đám đông.

Không bị chi phối bởi các "bẫy" tâm lý về nhận thức như định kiến, suy nghĩ mặc định hay rập khuôn. Và cũng không nên "nâng quan điểm" về một ý kiến, quan điểm nào đấy mà chủ thể của nó cũng không nghĩ tới.

Xin lấy lại ví dụ về phản ứng của người Việt đối với hiện tượng bé Nhật Nam để minh họa. Một trong những phát biểu gây "sốc" của bé Nhật Nam: "Em không đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn". Với văn hóa giao tiếp quen theo "khuôn phép" cố định của xã hội Việt Nam, thật dễ hiểu khi cách nghĩ "khác người" này bị ném đá tơi bời.

Và đây, một "viên đá” điển hình: "Điều đầu tiên là em hãy tập cách khiêm tốn và bước lại những bước đầu tiên của hành trình đời người đi. Đừng tập nhảy trước khi tập chạy, đừng tập chạy trước khi tập đi, và đừng tập đi trước khi tập đứng. Em càng vội, khi vấp ngã em sẽ càng đau".

Sao phải đao to búa lớn đến vậy! Ý kiến của bé Nam đâu có dấu hiệu gì của sự kiêu ngạo hay "nổ” có chủ ý đâu. Người lớn hay thật, có thể "nâng quan điểm" đạo đức và dạy đời ngay cả với ý kiến chủ quan cá nhân của một đứa trẻ.

Đã gọi lá ý kiến cá nhân thì có đúng có sai, có chính xác và không chính xác. Em bảo "không thích đọc truyện tranh" thì rõ ràng chỉ là sở thích và quan điểm cá nhân của riêng em thôi.

Đây không phải là "suy nghĩ biện chứng" mà là thái độ "cực tả” của người chỉ trích. Suy nghĩ hay tư duy biện chứng giúp chúng ta có một thái độ đúng mực và khách quan khi tranh luận, tranh cãi hay thậm chí phán xét một ai đó, hiện tượng nào đó hay quan điểm nào đó.

Và đây là cách tiếp cận vấn đề ngược lại với ý kiến ở trên: "Chị rất thích truyện tranh và cả văn hóa Nhật nữa. Có lẽ mẹ em cũng giống như bao người mẹ khác, sợ truyện gì chỉ có tranh không thì khả năng viết sẽ kém đi.

Điều đó đúng, không thể chối cãi, nhưng trước khi làm quen với những gì hàn lâm, có lẽ em nên thử tiếp cận với những điều giản dị mà nhân văn ở trong những hình ảnh truyện".

Thái độ "phê bình" này rõ ràng nhân văn hơn và nhẹ nhàng hơn. Cách thể hiện quan điểm nhiều khi khác nhau không phải ở tính chính xác, đúng sai mà ở thái độ tiếp cận vấn đề. Sự khác nhau này cũng là tiêu chí để phân biệt chúng ta có "biện chứng" không, và hiệu quả cũng sẽ rất khác.

Phê bình không phải là nghi ngờ, chỉ trích mà là cách tiếp cận biện luận đa chiều để tìm ra câu trả lời khách quan nhất cho một sự vật, hiện tượng.

Người hay đa nghi và suy nghĩ tiêu cực thường là người dễ cả tin. Ngược lại, người có "suy nghĩ biện chứng" lại là người không dễ thuyết phục nhưng có thái độ khách quan đối với mọi vấn đề.

Bạn hãy biết "hoài nghi tất cả” một cách đúng đắn, nhưng đừng trở thành người "đa nghi như Tào Tháo". Nếu không làm được điều này, bạn sẽ phải suốt đời "khổ sở" chạy theo cuộc chơi. Còn nếu bạn làm tốt, bạn sẽ là người làm chủ cuộc chơi.


Theo Nguyễn Đức Sơn

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên